Ấn Độ đang ra sức thu hút đầu tư nước ngoài để trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu tại một sự kiện kéo dài một tuần ở thủ đô tài chánh Mumbai, qui tụ hàng ngàn lãnh đạo doanh nghiệp. Nhưng các nhà kinh doanh nói sự thành công của nỗ lực này tuỳ thuộc vào khả năng của chính phủ để đẩy nhanh việc thực hiện những hứa hẹn là làm cho Ấn Độ trở thành một nơi dễ làm ăn. Từ New Dehli, thông tín viên Anjana Pasricha của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Trong lúc kêu gọi các nhà đầu tư tận dụng những lợi thế của Ấn Độ là có chi phí lao động thấp và nền kinh tế có tỉ lệ tăng trưởng cao, Thủ tướng Narendra Modi đã lập lại cam kết là sẽ thực thi những chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Ông nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tụ tập ở Mumbai rằng “Ấn Độ được hưởng lợi từ 3 chữ D là Democracy (Dân chủ), Demography (tình trạng phân bổ dân số), và Demand (mức cầu); bây giờ chúng tôi thêm vào một chữ D nữa là ‘Deregulation’ (giảm bớt những luật lệ quản lý nhà nước).
Sự kiện ở Mumbai, kết thúc vào ngày thứ 5 tuần này, có sự tham dự của Thủ tướng Thuỵ Điển Stefan Lofven, Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila, các quan chức cấp cao của Đức, Nhật và các nước khác cùng với đại diện của nhiều công ty lớn trên thế giới.
Bắt chước Trung Quốc
Những nỗ lực vừa kể của Ấn Độ là một phần của một sáng kiến có nhiều tham vọng mà New Dehli phát động cách nay một năm rưỡi để noi theo tấm gương thành công của Trung Quốc nhằm trở thành một cường quốc xuất khẩu. Mục tiêu Ấn Độ đặt ra lúc này là tăng tỉ lệ xuất khẩu lên tới 25% từ mức 17% GDP hiện nay qua việc nhanh chóng dỡ bỏ những chướng ngại trong guồng máy hành chánh, sửa đổi những luật lệ phức tạp, và cải thiện cơ sở hạ tầng.
Nỗ lực này đã đạt được một số thành quả với việc đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm ngoái tăng gần gấp đôi, lên tới 59 tỉ đô la.
Một số cam kết đầu tư cũng được loan báo: Công ty Tài nguyên Vedanta ở London hứa đầu tư 3 tỉ đô la để xây xưởng chế tạo màn hình phẳng đầu tiên ở Ấn Độ, công ty Foxconn năm ngoái hứa đầu tư 5 tỉ đô la để xây một công xưởng sản xuất những mặt hàng điện tử. Những công ty xây thêm công xưởng hoặc nới rộng những công ty hiện có bao gồm hai công ty xe hơi BMW và Ford, cùng với công ty Mars, chuyên sản xuất kẹo xô cô la.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng cuộc vận động có tên “Made in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) có thể chỉ là một khẩu hiệu suôn nếu không có những sự thay đổi nhanh chóng hơn của những luật lệ trong các lãnh vực thiết yếu đối với các nhà sản xuất, như đất đai, lao động và điện lực.
Chính quyền tiểu bang
Các doanh nghiệp trong nước, là nhóm vẫn nằm ở vị trí trung tâm của ngành chế tạo ở Ấn Độ, cho rằng những sự thay đổi cần thiết đó vẫn chưa xảy ra.
Ông A.K. Jain là Phó Tổng giám đốc của công ty Orient Craft, một trong những nhà xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu của Ấn Độ. Ông cho biết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn sau khi chính quyền tiểu bang Haryana, nơi có nhiều công xưởng dệt may, tăng 25% mức lương tối thiểu vào tháng 10 năm ngoái. Ông nói rằng vì tiền lương chiếm một phần khá lớn trong chi phí sản xuất, quyết định đó làm cho các công ty Ấn Độ khó lòng cạnh tranh với các công ty ở những nước khác, như Bangladesh và Việt Nam.
Chúng tôi không dám khuyếch trương cơ sở sản xuất vì không biết có thể sống còn hay không trong tình hình giá thành không ngừng gia tăng như thế này … giá điện và rất nhiều thứ khác, thứ gì cũng tăng.
Công ty của ông Jain tuyển dụng gần 30.000 nhân công và là một trong những công ty xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất ở miền bắc Ấn Độ.
Các nhà kinh doanh cho biết tuy chính phủ liên bang hứa hẹn giảm bớt những luật lệ quản lý nhà nước, hầu hết các tiểu bang đều không nới lỏng những luật lệ về lao động, việc mua đất để lập công xưởng tiếp tục có nhiều chướng ngại, thuế khoá ở mức cao, và giá điện lại quá đắt trong lúc sự cung ứng không ổn định.
Thương gia Rafeeque Ahmed, cựu Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu Ấn Độ, cho rằng các chính quyền tiểu bang chưa hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ liên bang là làm cho việc kinh doanh được dễ dàng hơn.
"90% công chuyện là dính líu tới chính quyền tiểu bang – như cấp phép kinh doanh, ô nhiễm, kiểm tra công xưởng, vân vân …Việc phê chuẩn do tiểu bang quyết định mà tôi thấy chính quyền tiểu bang họ không hề có cảm giác phải gấp gáp. Đó là một điều đáng lo ngại."
Tăng trưởng nhanh
Tuy có những khó khăn như vậy, các chuyên gia cho rằng Ấn Độ có thể thu hút những dự án đầu tư lớn của những công ty bị hấp dẫn bởi thị trường có 1 tỉ 200 triệu người của một nước có nền kinh tế tăng trưởng với tỉ lệ 7% trong lúc hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đang bị trì trệ.
Mặc dầu vậy, nhiều nhà kinh tế học đã nêu nghi vấn về các số liệu tăng trưởng, được tính toán theo một phương pháp mới mà Ấn Độ nói là gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Rajiv Kumar, một nhà kinh tế học của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Dehli, cho biết nhiều người nghi ngờ các số liệu của chính phủ và muốn giới hữu trách làm rõ về tỉ lệ tăng trưởng.
"Nếu chuyện đó không xảy ra, mọi người sẽ tiếp tục không rõ là nền kinh tế Ấn Độ đang ở trong tình trạng như thế nào. Phải chăng kinh tế đang trì trệ, đang phục hồi, hay đang gặp khó khăn. Và dĩ nhiên là điều đó ảnh hưởng tới suy nghĩ của các nhà đầu tư."
Hiện chưa ai biết chắc là Ấn Độ có thành công hay không trong cuộc vận động để thu hút các nhà sản xuất nước ngoài và tạo ra hàng triệu công ăn việc làm mà nước này đang cần có.
Các chuyên gia cho rằng tuy cuộc vận động đã thu hút được sự chú ý, nhưng hầu hết các nhà đầu tư đang giữ thái độ chờ xem.
Thứ hạng của Ấn Độ đã được cải thiện trong bảng xếp hạng năm ngoái của Ngân hàng Thế giới về chỉ số Dễ Làm Ăn, nhưng vẫn ở hạng thấp là 130 trong tổng số 189 nước.