Đường dẫn truy cập

Ân xá Quốc tế hối thúc VN tôn trọng nhân quyền trưóc đối thoại Việt-Mỹ


Tư liệu: Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 22 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, ngày 17/5/2018. Twitter EAP US Department of State
Tư liệu: Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 22 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, ngày 17/5/2018. Twitter EAP US Department of State

Ngày càng có nhiều người bị bỏ tù tại Việt Nam vì đã bày tỏ quan điểm bất đồng trên các trang mạng xã hội như Facebook từ khi luật an ninh mạng có hiệu lực hồi đầu năm nay. Tổ chức Ân xá Quốc tế hối thúc Hoa Kỳ hãy chất vấn Hà nội về những vụ bắt bớ ngày càng tăng trong cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam trong tuần này.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói con số tù nhân lương tâm đã tăng vọt ở Việt Nam trong năm vừa rồi tính cho tới tháng Ba, 2019, lên tới 128 người, so với chỉ có 97 người trong năm trước đó.

Logo - Amnesty International
Logo - Amnesty International

Tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đặt trụ sở ở London hôm 13/5 nói rằng dựa trên các số liệu mà họ thu thập, hiện có ít nhất 128 tù nhân lương tâm bị giam giữ ở Việt Nam, tính cho tới cuối tháng Ba năm 2019. Trong danh sách 128 tù nhân lương tâm tại Việt Nam, có nhiều luật gia, blogger, và những nhà đấu tranh cho môi trường, hoặc đấu tranh vì dân chủ.

Giám đốc đặc trách Đông Á và Đông Nam Á của Hội Ân xá Quốc tế, ông Nicholas Bequelin, nói: “Việt Nam không chỉ đàn áp những tiếng nói đối lập về chính trị mà còn mở rộng các chiến dịch đàn áp đến những ai lên án các vụ tham nhũng hay môi trường, vi đấu tranh vì cộng đồng”.

Ông Bequelin báo động rằng “quyền của người dân Việt Nam được nói lên những điều mình nghĩ” ngày càng bị đe dọa.

Theo lời Giám Đốc đặc trách Đông Á và Đông Nam Á của Ân xá Quốc tế thì “chính quyền Việt Nam ngày càng tỏ ra nhạy cảm, và người dân của họ đang phải trả một cái giá ‘khủng khiếp’, đơn giản chỉ vì những gì mà họ đã nói, hoặc những ai họ đã gặp.”

Đưa tin này, hãng tin Bloomberg cũng nhắc tới luật an ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, buộc các công ty internet quốc tế như Alphabet Inc của Google và Facebook, phải mở văn phòng ở Việt Nam và lưu trữ dữ kiện về những người sử dụng, nhưng Việt Nam chưa loan báo chi tiết luật an ninh mạng sẽ được thực thi như thế nào. Bloomberg nói Bộ Ngoại giao Việt Nam cho tới giờ này, chưa đáp ứng yêu cầu bình luận của họ.

Reuters trích dẫn Ân xá Quốc tế định nghĩa tù nhân lương tâm là “những người không sử dụng hoặc cổ vũ bạo động, nhưng bị bỏ tù chỉ vì lý lịch, hoặc vì những gì mà họ tin tưởng.”

Reuters dẫn lời ông Nguyễn Trường Sơn, một nhà hoạt động cho Ân xá Quốc tế, nói:

“Trong năm qua, chính quyền Việt Nam rõ rệt đã có nỗ lực đàn áp truyền thông xã hội. Họ nhận thức rằng Facebook là một trong những diễn đàn an toàn cuối cùng, nơi mà mọi người có thể bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa, trao đổi thông tin, và tranh luận với nhau. Đó chính là những điều mà họ sợ nhất.”

chính quyền Việt Nam ngày càng tỏ ra nhạy cảm, và người dân đang phải trả một cái giá ‘khủng khiếp’, đơn giản chỉ vì những gì mà họ đã nói, hoặc những ai mà họ đã gặp.”
Giám Đốc đặc trách Đông Á và Đông Nam Á của Ân xá Quốc tế Nicholas Bequelin

Ân xá Quốc tế nói các tù nhân lương tâm thường bị biệt giam trong các điều kiện tệ hại, không có nước sạch để uống, không được hít thở không khí trong lành. Nhiều người bị khước từ, không cho điều trị y tế.

Phúc trình của Ân xá Quốc tế được công bố giữa lúc Hà nội đang tăng cường các quan hệ ngoại giao với cả Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói Hoa Kỳ phải tái khẳng định với Hà nội rằng việc thắt chặt các quan hệ song phương sẽ tùy thuộc vào những tiến bộ về nhân quyền.

Các giới chức Mỹ đang chuẩn bị tới Việt Nam trong tuần này để tham gia cuộc “đối thoại nhân quyền” thường niên với Việt Nam.

Trong một diễn biến liên quan, Luật sư Lê Công Định cho biết trên trang Facebook cá nhân rằng ông đang bị canh giữ và “cấm ra khỏi nhà. Lý do là vì tôi được phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời gặp để trao đổi ý kiến trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt 2019”.

3 tù nhân lương tâm được Tổ chức Ân xá Quốc tế nêu tên

  1. Phan Kim Khánh, sinh viên và nhà báo độc lập, bị bắt vào tháng 3 năm 2017, bị tuyên án 6 năm tù, 3 năm quản chế về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” dựa trên điều 88 của Bộ Luật Hình sự 1999. Ngoài việc điều hành 2 trang blog chống tham nhũng, một trong những tội được nêu lên là liên lạc với các cựu tù nhân lương tâm, như Điếu Cày.
  2. Trần Thị Nga, thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền, bị bắt vào tháng 1 năm 2017, vì “tải clip video và tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước trên internet.” Bà bị tuyên án tù 9 năm, quản chế 5 năm theo điều 88, luật hình sự Việt Nam.Trần thị Nga là một nhà hoạt động tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, và môi trường ở Việt Nam. Trước khi bị bắt, bà phản đối Formosa-Hà Tĩnh về thảm họa môi trường biển miền Trung, và giúp đỡ dân oan khiếu kiện đất đai.
  3. Trần Hoàng Phúc, sinh viên luật tranh đấu vì dân chủ và môi trường, thành viên của phong trào Chấn Hưng Nước Việt, bị bắt vào tháng 6 năm 2017 về tội tuyên truyền chống nhà nước, theo điều 88 Luật Hình sự 1999. Trần Hoàng Phúc là một thành viên của chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), từng bị chặn, không cho gặp Tổng thống Barack Obama khi ông tới thăm Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG