Đường dẫn truy cập

Ân xá Quốc tế yêu cầu VN tuân thủ Quy tắc Nelson Mandela


Tổ chức Ân xá Quốc tế nói điều kiện giam giữ ông Thức vi phạm nhiều điều khoản của Quy tắc Nelson Mandela của Liên Hiệp Quốc.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói điều kiện giam giữ ông Thức vi phạm nhiều điều khoản của Quy tắc Nelson Mandela của Liên Hiệp Quốc.

Tổ chức Ân xá Quốc tế vừa gửi thư ngỏ cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm để bày tỏ quan ngại về điều kiện giam giữ “vi phạm Quy tắc Nelson Mendela” đối với trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đang chịu án tù 16 năm về tội “tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam” theo Điều 88.

Trong thư, tổ chức Ân xá Quốc tế nêu lên quan ngại về “tình trạng giam giữ không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế” đối với ông Thức, “làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tinh thần” của ông.

Ân xá Quốc tế nói điều kiện giam giữ ông Thức hiện nay vi phạm nhiều điều khoản của Quy tắc Nelson Mandela của Liên Hiệp Quốc, quy định về việc giam giữ tù nhân.

“Tại trại giam hiện nay – trại giam số 6 – ông không được cung cấp đủ ánh sáng trong buồng giam khi điện bị cắt vào mỗi buổi sáng để ông có thể đọc và viết thoải mái”, trích từ thư ngỏ.

Ân xá Quốc tế nói điều này vi phạm quy tắc 14(a) và 14(b) của Quy tắc Nelson Mandela, quy định “Cửa sổ buồng giam phải đủ lớn để tù nhân có thể đọc và làm việc bằng ánh sáng tự nhiên, và phải được xây dựng để không khí có thể lưu thông trong điều kiện có hay không có hệ thống thông gió nhân tạo” và “ánh sáng nhân tạo phải được cung cấp cho tù nhân để có thể đọc và viết mà không gây tổn thương mắt và thị giác”.

Bà Lê Đinh Kim Thoa, vợ ông Trần Huỳnh Duy Thức, cho VOA biết trong lần thăm mới nhất, gia đình muốn gửi cho ông Thức một đèn pin bằng nhựa, sau khi biết ông bị giam trong tình trạng thiếu ánh sáng dẫn tới bị suy giảm thị lực nghiêm trọng. Nhưng trại giam đã không cho phép ông Thức nhận đèn pin.

Thân nhân ông Thức nói họ bị gây khó dễ đủ kiểu. Em trai ông Thức, ông Trần Huỳnh Duy Tân, nói với VOA:

“Họ bố trí để gặp anh Thức trong một phòng đặc biệt, cách ngăn bằng một tấm kiếng, nói chuyện cũng khó, ảnh cũng không thể bắt tay được người nhà. Họ đối xử rất tàn bạo với gia đình và anh Thức trong chuyện đó".

"Hồi trước, cái đường mà ảnh đi từ trại giam đi ra, gia đình đi từ ngoài vô, có một cái cổng làm bằng hàng rào. Gia đình còn tranh thủ bắt tay được với ảnh. Nhưng đến lần thứ hai thì họ lấy một tấm tôn chắn ngang luôn. Họ cắt luôn con đường mà chỉ để thọt tay qua hàng rào nắm tay ảnh một cái, để ảnh nắm tay vợ con một cái, mà họ cũng không cho, họ ngăn luôn”.

Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, việc trại giam không cho phép ông Thức gửi và nhận thư từ hay tiếp cận các ấn phẩm, tài liệu là vi phạm điều 58(1) và 64 của Quy tắc Nelson Mandela.

Ngoài ra, “trong quá trình thụ án, ông bị chuyển trại nhiều lần mà không báo trước cho gia đình, khiến họ phải đi quãng đường xa để thăm ông”, điều này vi phạm điều 59 trong quy tắc của Liên Hiệp Quốc.

Quy tắc Nelson Mandela quy định “tù nhân phải được giam giữ, trong phạm vi có thể, ở những trại giam gần nhà hay nơi phục hồi xã hội của họ”.

Kể từ khi ông Thức bị chuyển ra trại giam ở Nghệ An, gia đình không thể đi thăm ông mỗi tháng như trước đây vì nhiều điều kiện trở ngại.

Gia đình ông Thức nói họ rất lo ngại cho tình trạng sức khỏe của ông, đặc biệt sau khi được cập nhật tin tức từ nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, người bị giam chung với ông Thức ở trại Xuyên Mộc, vừa mãn hạn tù 4 năm về Điều 88.

“Thời gian ở Xuyên Mộc, anh Thức cũng bị xỉu vài lần. Có lần đang nằm trên giường, ảnh xỉu, té xuống đất, may mà có cái thùng đỡ được cái đầu. Lần thứ 2 là ở trong nhà vệ sinh trong đó, ảnh bị xỉu, té xuống đập bể cái thau luôn. Gia đình rất lo. Mới cách đây vài ngày gặp Trần Vũ Anh Bình mới biết được chuyện đó nên gia đình rất lo. Hồi nào tới giờ ảnh có bệnh huyết áp thấp, thêm điều kiện như thế này thì rất nguy cho sức khỏe của ảnh”.

Tổ chức Ân xá Quốc tế yêu cầu chính quyền Việt Nam tuân thủ Quy tắc Nelson Mandela, đối xử với ông Thức bằng sự tôn trọng và phẩm giá, đồng thời “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho ông Thức và các tù nhân lương tâm khác.

Ngay sau cuộc Đối thoại Nhân quyền Mỹ-Việt tại Hà Nội vào ngày 23/5, phái đoàn Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, bà Virginia Bennett, đã có cuộc gặp riêng với một số nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam vào ngày 24/5. Phía Việt Nam đề nghị chính phủ Hoa Kỳ quan tâm và can thiệp để ông Trần Huỳnh Duy Thức sớm được trả tự do.

VOA Express

XS
SM
MD
LG