Đường dẫn truy cập

Anh-Đào Traxel, ‘người con gái thứ 3’ của cố TT Pháp Jacques Chirac


Anh Đào, con gái nuôi của cố Tổng Thống Pháp Jacques Chirac, ảnh chụp ngày 7/9/2011. AFP PHOTO FRANCOIS GUILLOT
Anh Đào, con gái nuôi của cố Tổng Thống Pháp Jacques Chirac, ảnh chụp ngày 7/9/2011. AFP PHOTO FRANCOIS GUILLOT

Cựu Tổng Thống Pháp Jacques Chirac qua đời hôm 26/9/2019, hưởng thọ 86 tuổi. Sau 12 năm nắm chức vụ Tổng thống Pháp (1995-2007), và lâu hơn nữa trong cương vị Thị trưởng Paris, ông Jacques Chirac đã trở thành một khuôn mặt chính trị quen thuộc chiếm được chỗ đứng đặc biệt trong trái tim của người dân Pháp. Giữa lúc cả nước thương tiếc cố Tổng thống Chirac, nhà lãnh đạo được báo chí Pháp mô tả là vị Tổng thống giỏi nhất của nền Đệ ngũ Cộng hòa, thì ‘người con gái thứ ba’ của gia đình Chirac, không có mặt trong các nghi lễ riêng tư trong vòng gia đình hay trong quốc tang được cử hành hôm thứ Hai 30/9/2019. Người phụ nữ đó là người gốc Việt và từng là con nuôi của gia đình Chirac: bà Anh-Đào Traxel.

Gia đình Chirac

Claude Chirac,con gái út của TT Pháp Jacques Chirac, trước mộ của cha trong lễ gia đình ở nghĩa trang Montparnasse
Claude Chirac,con gái út của TT Pháp Jacques Chirac, trước mộ của cha trong lễ gia đình ở nghĩa trang Montparnasse


Tổng thống Pháp Jacques Chirac và phu nhân Bernadette có hai cô con gái. Con gái cả là Laurence Chirac đã qua đời năm 2016, con gái út là Claude Chirac, sau này trở thành phụ tá đắc lực của cha. Ngoài hai cô con gái ruột, còn có một cô con gái thứ 3 được 2 vợ chồng Chirac mang về nhà nuôi dưỡng thời ông Chirac còn là Thị trưởng Paris. Đó là một cô gái tị nạn đến từ Việt Nam với tên Dương Anh Đào, bây giờ là Anh Dao Traxel.

Anh Đào Traxel là ai?

Anh Đào là một cô gái tị nạn người Việt, tới Pháp vào tháng Bảy năm 1979. Ngày đặt chân tới nước này, cô gái 21 tuổi không biết 1 chữ tiếng Pháp, đứng khóc ở sân bay vì lo lắng cho số phận và tương lai bấp bênh của mình nơi xứ lạ.

Cảnh cô gái bơ vơ sụt sùi ở một góc phi trường Roissy đã thu hút sự chú ý của một người đàn ông cao lớn, dáng dấp lịch sự. Như hiểu thấu tâm trạng của cô gái, ông tiến tới bên cô, chìa một chiếc khăn tay và dịu dàng bảo cô gái: “Thôi, con đừng khóc nữa, con sẽ về nhà với chúng tôi.”

Người đàn ông đó là Jacques Chirac, lúc đó là Thị trưởng Paris. Lúc Anh Đào được đưa tới gặp phu nhân Chirac, bà Bernadette chỉ giang tay ôm lấy cô vào lòng.

Với câu nói và cử chỉ giản dị đó, hai vợ chồng Thị trưởng Chirac thay đổi hẳn cuộc đời của cô gái tị nạn từ Việt Nam trong những giờ phút đầu tiên bơ vơ, không nơi nương tựa tại thủ đô hoa lệ của nước Pháp.

Mặc dù chưa bao giờ được nhận làm con nuôi chính thức, Anh Đào đã sống chung với gia đình Chirac trong hai năm, gọi ông bà Chirac là cha mẹ, và được cha nuôi nâng đỡ, sau này đưa vào làm việc với ông tại Tòa Thị Chính Paris. Cô phục vụ tại đây trong suốt 18 năm, và được nhiều người Pháp coi là “người con gái thứ ba trong gia đình Chirac”. Trong nhiều thập niên sau, Anh Đào luôn luôn có mặt trong tất cả các lễ lạc và biến cố quan trọng của gia đình danh giá này, cho tới những năm gần đây.

Thị trưởng Paris Jacques Chirac (bên trái), gả chồng cho con nuôi Dương Anh-Đao, một cô gái tị nạn từ Việt Nam, chú rể Michel Phạm (thứ 3 từ trái) và phu nhân Bernadette (bên phải), ảnh chụp ngày 26/6/1981, ở Paris. (Ảnh AFP)
Thị trưởng Paris Jacques Chirac (bên trái), gả chồng cho con nuôi Dương Anh-Đao, một cô gái tị nạn từ Việt Nam, chú rể Michel Phạm (thứ 3 từ trái) và phu nhân Bernadette (bên phải), ảnh chụp ngày 26/6/1981, ở Paris. (Ảnh AFP)


Năm 1981, khi Anh Đào lấy người chồng đầu tiên, Michel Phạm, đích thân Thị trưởng Chirac là người cử hành hôn lễ. Hai vợ chồng có 3 người con, đều được đặt tên theo gia đình Chirac, Bernard-Jacques, Laurence-Claude và Jacques.

Anh Đào bước thêm một bước nữa vào năm 2004 với một người Pháp, một sĩ quan cảnh sát tên Emmanuel Traxel, đã có một con gái tên Cassandre với người vợ trước.

Cô con gái thứ Ba bị gạt ra khỏi gia đình Chirac

Câu chuyện có khởi đầu tốt đẹp tại phi trường Roissy không có một kết cuộc đẹp như chuyện cổ tích. Thoạt tiên được gia đình cha mẹ nuôi yêu thương, nâng đỡ, trong những năm sau, Anh Đào đã bị gia đình Chirac gạt ra ngoài lề. Trong vài ngày qua, báo chí Pháp như tạp chí Elle, nhắc lại mối quan hệ phức tạp giữa bà Anh Đào và cô con gái út của gia đình Chirac, bà Claude.

Chương trình truyền hình programme-tv.net, và tạp chí Elle thuật lại một số chi tiết về những sự phức tạp này, nói rằng các quan hệ nồng ấm ban đầu dần dần trở nên lạnh nhạt và xa cách hẳn từ năm 1995, khi ông Chirac trở thành Tổng thống Pháp.

Tác giả 2 quyển sách về gia đình Chirac

Bà Anh Đào là tác giả của quyển hồi ký “La Fille de Coeur” – “Đứa con gái của trái tim”, về quan hệ với ông bà Chirac (2006), và “Chirac: une famille pas ordinaire”- “Chirac: một gia đình không thường tình”, trong đó bà tiết lộ quan hệ khó khăn với Claude và Bernadette Chirac, và bày tỏ cảm tưởng là bị “vắt chanh bỏ vỏ.”

Báo Le Figaro ngày 30/5/2014 trích lời bà Anh Đào nói:

“Tôi có cảm giác đã bị lợi dụng vào các mục đích chính trị. Tôi là một tấm ảnh cũ, mà sau đó bị người ta buộc phải lui ra, bỏ vào hộp trở lại.”

Theo Claude Chirac, cô con gái út của Bernadette và Jacques, thì Anh Đào đã “phản bội” gia đình Chirac.

Ngày nay, người phụ nữ 62 tuổi, không còn liên lạc với gia đình từng cưu mang mình trong những ngày đầu trên đất Pháp, và bà Anh Đào biết tin về cái chết của người cha nuôi qua báo chí, như mọi người khác.

Phát biểu trên đài truyền hình Pháp BFMTV ngày nhận được hung tin, bà Anh Đào nói:

“Trong tư cách là một công dân Pháp, như mọi người, tôi cảm thấy như chúng ta đã mất đi một nhân vật vĩ đại. Khi nói tới lịch sử nước Pháp, người ta thường nói đến Tổng thống De Gaulle, Tổng thống Mitterand, nhưng bên cạnh đó còn có Jacques Chirac… “

Với giọng xúc động, bà Anh Đào nói tiếp:

“Cha tôi là một người có trái tim lớn. Tôi có được hôm nay là nhờ ở ông. Ông đã cho tôi một cơ hội thứ hai. Tôi chia sẻ nỗi đau đớn của mẹ tôi, Bernadette Chirac và em tôi, Claude Chirac. Tôi muốn vinh danh cha tôi, ông là một người đàn ông vĩ đại, một người cha có trái tim rất lớn đối với tôi trong suốt 40 năm.”

https://www.bfmtv.com/mediaplayer/video/mon-pere-a-un-grand-coeur-je-suis-la-grace-a-lui-reagit-anh-dao-traxel-la-fille-adoptive-de-jacques-chirac-1189799.html

Thành tích và hoạt động xã hội

Anh Dao Traxel là chủ tịch của tổ chức cứu trợ “L'Étoile européenne du dévouement civil et militaire” chuyên hỗ trợ gia đình của những người đã thiệt mạng trong khi đang thi hành nhiệm vụ quân sự hoặc dân sự.

Năm 2009, bà được trao tặng Bắc đẩu bội tinh, huân chương cao quý nhất của nhà nước Pháp, vì có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp.

TT Pháp Emmanuel Macron, phu nhân Brigitte và các quan chức Pháp khác dự lễ quốc tang của cố TT Jacques Chirac ở Paris, ngày 30/9/2019. Francois Mori/Pool via REUTERS
TT Pháp Emmanuel Macron, phu nhân Brigitte và các quan chức Pháp khác dự lễ quốc tang của cố TT Jacques Chirac ở Paris, ngày 30/9/2019. Francois Mori/Pool via REUTERS


Nước Pháp vĩnh biệt cố Tổng thống Chirac

Hơn 80 nguyên thủ hoặc cựu nguyên thủ quốc gia, và nhiều vị vương giả đến từ nhiều quốc gia, đã góp mặt cùng các cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, François Hollande Valéry Giscard-d'Estaing và nhiều thân hào nhân sĩ các nước, tới Paris dự lễ quốc tang trang trọng tiễn đưa cố Tổng thống Jacques Chirac về nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang Montparnasse. Trong số các lãnh đạo nước ngoài đáng chú ý có Tổng Thống Nga Vladimir Putin và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton vv…

Trước đó, một buổi lễ riêng tư đã được cử hành vào lúc 9:30 sáng thứ Hai 30/9 tại Điện Invalides trước sự hiện diện của gia đình và 200 khách mời đặc biệt. Cả gia đình Chirac, ngoại trừ Anh Đào Traxel, và toàn bộ các bác sĩ và nhân viên y tế từng chăm sóc ông Chirac đều có mặt.

Cựu Đệ nhất Phu nhân Bernadette Chirac, vốn trong tình trạng sức khỏe yếu kém, cũng có mặt dù bà không xuất hiện trước công chúng từ khi có hung tin, tuy nhiên bà không dự các lễ nghi quân sự có sự hiện diện của Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron ngay sau lễ gia đình, cũng như lễ quốc tang tại Nhà thờ Saint Sulpice vào trưa cùng ngày, cũng do Tổng thống Macron chủ trì.

Đúng 3 giờ chiều, người dân Pháp đã dừng lại trong một phút mặc niệm tại các tòa nhà chính phủ và hơn 63,000 trường học khắp nước.

Chiều cùng ngày, Tổng thống Chirac được chôn cất tại nghĩa trang Montparnasse, bên cạnh mộ phần của con gái Laurence Chirac.

VOA Express

XS
SM
MD
LG