Trong khi cuộc tranh luận về tương lai của Scotland ở Vương quốc Anh đang bước vào giai đoạn cuối cùng trước cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày thứ Năm, các cuộc thăm dò ý kiến vẫn quá sít sao khó mà phân định. Các nhà lãnh đạo chính trị ở London đã đưa ra một đề nghị vào phút chót hứa hẹn nhiều quyền tự chủ hơn nếu cử tri Scotland khước từ độc lập. Thông tín viên Henry Ridgwell tường trình từ Scotland rằng một nhóm cử tri mới có thể có ảnh hưởng lớn trong kết quả cuối cùng.
Trong khi chỉ có Scotland sẽ được biểu quyết về tương lai của đất nước, phần còn lại của Vương quốc Anh, gồm xứ Anh, xứ Wales và Bắc Ireland, đang làm hết sức mình để thuyết phục cử tri.
Một cuộc biểu tình ủng hộ Liên hiệp Anh được tổ chức hôm thứ Hai tại London. Các cuộc thăm dò cho thấy đại đa số người dân ở ngoài Scotland muốn Scotland ở lại trong Vương quốc Anh.
Ở Edinburgh, Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu trước cử tri với những lời lẽ tha thiết: "Giờ mà người Scotland ngoảnh mặt ra đi cũng giống như việc tỉ mỉ xây một ngôi nhà rồi sau đó bước ra khỏi cửa và vứt bỏ chùm chìa khóa."
Các nhà phân tích nói rằng giọng điệu tha thiết này phản ánh nỗi bàng hoàng trước cách biệt quá hẹp trong các cuộc thăm dò dư luận - và nhận thức về tác động sâu sắc mà sự độc lập của Scotland sẽ gây ra đối với toàn bộ nước Anh.
Thủ hiến Scotland Alex Salmond, người đang dẫn đầu chiến dịch ủng hộ độc lập, nói rằng các cuộc thăm dò ý kiến làm chấn động Thủ tướng Cameron.
Ông Salmond nói: "Thật ra người ta nói trước mặt tôi rằng David Cameron không muốn để mất Scotland giống như vua George III để mất nước Mỹ. Nếu chúng ta để việc đó sang một bên, Scotland là một quốc gia, không phải là một thứ tài sản có thể bị mất rồi được tìm thấy."
Chỉ vài giờ trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa, cả hai phe ủng hộ và chống đối đang sử dụng những câu hỏi căn cơ về tương lai của Liên hiệp Anh để thu hút cử tri.
London nói tư cách thành viên của một nước Scotland độc lập trong khối NATO và Liên minh châu Âu sẽ khó thành hiện thực. Chính phủ Edinburgh nói họ dễ dàng hội đủ điều kiện để gia nhập.
Kho vũ khí hạt nhân của Anh đặt tại Scotland; các nhà lập pháp ủng hộ độc lập nói rằng họ sẽ gửi trả kho vũ khí này về phía nam biên giới.
Chính phủ Anh nói Scotland có thể sẽ không được sử dụng đồng bảng Anh. Chiến dịch ủng hộ độc lập khẳng định chỉ tệ này là của Scotland chẳng kém gì của Anh.
Phân tích cuộc tranh luận này có một nhóm cử tri mới: lần đầu tiên những người 16 và 17 tuổi ở Vương quốc Anh sẽ có quyền biểu quyết.
Ngồi tránh gió trong một quán cà phê nhìn ra bãi biển ở thành phố Aberdeen trên bờ phía đông Scotland, hai người bạn Erin Fyfe-McWilliam và Martin Close, đều 16 tuổi, tranh luận quan điểm khác nhau của họ.
"Họ không có số liệu thống kê củng cố bất cứ điều gì họ nói. Giống như là, hãy bầu ‘Có’ đi rồi chúng ta sẽ giải quyết sau," Fyfe-McWilliam nói.
Còn Close cho biết: "Tôi ủng hộ độc lập bởi vì tôi nghĩ rằng những người tốt nhất để quản lý Scotland là những người sống và làm việc ở đây. Và với những quyền hành mà sự độc lập sẽ mang lại, chúng tôi sẽ có thể bầu ra một chính phủ đưa vào các quyết định chính sách những gì mà chúng tôi bầu họ lên làm."
Kết quả sẽ được công bố sáng sớm ngày thứ Sáu. Các nhà phân tích chính trị nói rằng ngay cả khi kết quả là "Không" ủng hộ thì cũng sẽ có những tác động sâu sắc đến cách thức quản trị Vương quốc Anh.