Campuchia có kế hoạch chi 1,7 tỷ đô la để xây con kênh lớn Funan (Phù Nam) Techo nối sông Mekong với một hải cảng của nước này ở Vịnh Thái Lan, nhưng kế hoạch này đang gây báo động, AP nói trong một phóng sự đăng hôm 26/9.
Theo AP, dự án của Campuchia bị xem là có thể làm xáo trộn các đợt lũ tự nhiên của sông, làm trầm trọng thêm nạn hạn hán và làm những người nông dân vùng đồng bằng bị mất đi phù sa giàu dinh dưỡng vốn đã giúp cho Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo nhiều thứ ba trên thế giới.
Sông Mekong, hay sông Cửu Long, là nguồn sống của hàng triệu người ở 6 nước, trong đó có nhiều vùng trồng lúa và nuôi cá của Việt Nam.
Campuchia hy vọng rằng kênh đào Funan Techo, được động thổ hôm 5/8 và Trung Quốc giúp đỡ xây dựng, sẽ góp phần hiện thực hóa tham vọng của Campuchia là xuất khẩu thẳng từ các nhà máy nằm ven dòng Mekong mà không còn phải phụ thuộc vào Việt Nam. Kênh sẽ nối thủ đô Phnom Penh với tỉnh Kep ở bờ biển miền nam Campuchia.
Nhưng theo AP, khi đánh giá cẩn thận hơn, sẽ nhận thấy có những nguy cơ bên cạnh những điều hứa hẹn từ dự án.
Nói trong phóng sự của AP, Brian Eyler, giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson có trụ sở ở Washington, Mỹ, cảnh báo rằng việc đắp bờ cao dọc theo con kênh rộng 100 mét, sâu 5,4 mét sẽ ngăn cản nước lũ mang theo phù sa chảy xuôi dòng về Việt Nam. Điều đó có thể làm xấu thêm nạn hạn hán ở cả vựa lúa của Việt Nam lẫn các vùng phù sa bồi đắp của Campuchia, một khu vực rộng khoảng 1.300 kilomet vuông.
Ngành nông nghiệp Việt Nam thấy lo ngại về viễn cảnh là vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị khô hạn hơn, phóng sự của AP viết. Hai tỉnh tây nam bộ là An Giang và Kiên Giang nhiều khả năng sẽ chịu tác động lớn nhất.
Mạng lưới sông ngòi cắt dọc ngang qua các cánh đồng là nhân tố quan trọng đối với kế hoạch của Việt Nam về trồng lúa gạo “chất lượng cao, phát thải thấp” trên 1 triệu hectare đến năm 2030, với mục tiêu tăng lợi nhuận cho nông dân trong khi giảm phát thải khí nhà kính và giảm chi phí sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Nhựt, giám đốc công ty xuất khẩu gạo Hoàng Minh Nhật, nói rằng nước sông Mekong không chỉ thiết yếu với 100 triệu dân Việt Nam mà cả với an ninh lương thực toàn cầu.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 8,3 triệu tấn gạo, chiếm 15% lượng gạo xuất khẩu trên toàn cầu, phần lớn số đó được trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Nhựt lưu ý rằng lượng phù sa của sông đã giảm rồi và nếu có thêm những xáo trộn, sẽ càng làm tồi tệ thêm nạn xâm nhập mặn ở khu vực, gây tổn hại đến nghề nông.
“Đây sẽ là một mối lo lớn đối với khu vực nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long”, ông nói.
Trong khi đó, nước láng giềng Campuchia cho rằng kênh Funan Techo chỉ là một dự án phụ lưu nối vào sông Bassac (tức sông Hậu) gần Phnompenh. Các nhà lãnh đạo nước này, bao gồm cả ông Hun Sen, đã nói hạ giảm về các tác động tiềm tàng của con kênh đến môi trường.
Nhưng ông Eyler thuộc Trung tâm Stimson chỉ ra rằng các bản vẽ cho thấy con kênh sẽ nối với dòng chính của sông Mekong và trong bất cứ trường hợp nào, sông Bassac (tức sông Hậu) cũng bao gồm toàn bộ nước từ sông Mekong.
Theo ông, khi các nhà lãnh đạo Campuchia nói rằng không có tác động đến sông Mekong, điều đó thách thức logic.
Thời gian qua, Campuchia đã bác bỏ những lời chỉ trích về con kênh. Ông Hun Sen, hiện là chủ tịch thượng viện của nước này nói rằng con kênh sẽ giúp cho đất nước “có mũi để thở”, nhờ đó giảm lệ thuộc vào Việt Nam.
Về phần mình, Việt Nam tránh chỉ trích công khai nước láng giềng, thay vào đó, họ trao đổi về mối quan ngại của họ một cách thầm lặng.
Ông Nguyễn Khắc Giang, một nhà phân tích tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, nói trong phóng sự của AP rằng xét đến quá khứ từng có mâu thuẫn, xung đột giữa hai quốc gia, nước Việt Nam rộng lớn hơn và giàu có hơn đang phải hành xử thận trọng để không bị xem như là đang xâm phạm chủ quyền của Campuchia. "Mặc dù ở Việt Nam, vẫn có những lo ngại lớn", ông nói.
Diễn đàn