Khi Miến Điện, tức Myanmar, trở thành thành viên của ASEAN hồi năm 1997, nhiều nước đã chỉ trích giới lãnh đạo ASEAN về quá trình nhân quyền đáng ngờ của nước này.
Miến Điện còn gây ra chia rẽ trong nội bộ ASEAN, vì một số thành viên như Philippines, Malaysia và Singapore, áp lực chính quyền quân sự Miến Điện thực hiện cải cách chính trị. Một số thành viên khác, đặc biệt là Lào và Campuchia, không đồng ý với lập trường đó.
Sau nhiều năm bị hối thúc, Miến điện tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội, sẽ diễn ra vào ngày 7 tháng 11 sắp tới, cuộc bầu cử đầu tiên tính từ 20 năm qua.
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan hôm thứ Tư nói rằng ông hy vọng các cuộc bầu cử sẽ mở ra một cơ hội để đi đến hòa hợp hòa giải dân tộc, giúp chấm dứt tình trạng cô lập của Miến điện trên trường quốc tế.
Ông Surin phát biểu:
“Miến điện từng là một vấn đề lớn đối với ASEAN trong các tương tác giữa khối với cộng đồng quốc tế. Chúng tôi muốn dứt điểm vấn đề này. Và cách duy nhất để làm điều đó là bảo đảm cuộc bầu cử sắp tới sẽ là một cơ chế tương đối hiệu quả để đạt đến hòa giải dân tộc.”
Tại một cuộc họp báo ở Bangkok, ông Surin nói các cuộc bầu cử cần được đa số người dân Miến điện chấp nhận là chính đáng.
Các tổ chức bênh vực nhân quyền và nhiều quốc gia Tây phương đã mô tả cuộc bầu cử sắp tới tại Miến điện là một trò hề chỉ nhằm mục đích đảm bảo chế độ quân sự vẫn tiếp tục cầm quyền, bởi vì các lực lượng vũ trang Miến điện đã được bảo đảm một phần tư số ghế trong quốc hội mới.
Các luật lệ bầu cử khắc nghiệt đã khiến nhiều chính đảng, kể cả đảng đối lập chủ yếu, là Liên minh Toàn Quốc đấu tranh cho Dân chủ (NLD), không được tham gia tranh cử. Luật hiện hành tại Miến điện đòi các chính đảng phải trục xuất các thành viên đang bị giam cầm, kể cả nhà lãnh đạo của NLD, bà Aung San Suu Kyi. Chính đảng này đã từ chối không làm điều đó, và viện lẽ đó, chính quyền quân nhân Miến điện hạ lệnh giải tán đảng này.
Ngoài ra, chính quyền Miến không mở các trạm bỏ phiếu tại nhiều khu vực biên giới đang nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng dân quân sắc tộc.
Tổng thư ký ASEAN nói mục đích của các cuộc bầu cử nên là một chính quyền được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Ông Surin phát biểu:
“Giờ đây ngày bầu cử đã được ấn định, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm rằng chắc chắn bầu cử sẽ thực sự diễn ra, rõ rệt như thế. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc bầu cử sẽ được chấp nhận, và sẽ tiến hành một cách hiệu quả, rồi sau đó kết quả sẽ được công nhận.Đó là những gì mà người ta mong xảy ra, và chỉ còn chờ kết quả thực sự, nhưng tất cả chúng ta đều hy vọng rằng Miến điện sẽ không còn là một vấn đề gây vướng mắc giữa ASEAN và phần còn lại của cộng đồng thế giới. ”
Nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp cấm vận kinh tế đối với chính quyền Miến điện về thành tích nhân quyền tồi tệ của nước này.
Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và nhiều quốc gia khác từ lâu đã kêu gọi ASEAN hãy hối thúc Miến Điện thực hiện cải cách. Tuy nhiên người ta không thấy bao nhiêu thay đổi trong thời gian qua. Các tổ chức bênh vực nhân quyền nói Miến Điện đang cầm tù 2000 tù nhân chính trị và tiếp tục đàn áp quyền tự do ngôn luận, đồng thời sử dụng biện pháp cưỡng bách lao động để buộc người dân phải khuất phục.
Tổng thư ký của Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kêu gọi chính quyền Miến Điện bảo đảm các cuộc bầu cử sắp tới sẽ đưa nước này tới hòa hợp hòa giải dân tộc. Như lời tường thuật của Thông tín viên Ron Corben của Đài VOA từ Bangkok, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan hy vọng rằng các cuộc tranh chấp giữa Miến Điện với cộng đồng quốc tế về thành tích nhân quyền của Miến Điện có thể sẽ được giải quyết sau cuộc bầu cử.