Tại hội nghị ASEAN lần thứ 47 khởi sự hôm nay ở Naypidaw, thủ đô Myanmar - tức Miến Điện, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN kêu gọi phải có hành động mạnh mẽ hơn để giảm thiểu căng thẳng đã tăng cao với Bắc Kinh.
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản tường trình rằng các nhà ngoại giao ASEAN cho rằng những sự cố xảy ra hồi gần đây đã làm căng thẳng tăng cao trong khu vực, gia tăng mức độ nghi kỵ giữa các nước, đồng thời nâng cao nguy cơ xung đột một cách không cố ý.
Theo bản tin của Kyodo, Philippines đặc biệt nhấn mạnh nhu cầu cần “chấm dứt các hành động gây bất ổn ở Biển Đông trong khi chờ đợi một giải pháp hòa bình, dựa trên luật lệ để giải quyết tranh chấp.”
Tại Myanmar, các nhà ngoại giao tham gia hội nghị lại tăng áp lực đối với Trung Quốc để đẩy mạnh việc thương thuyết nhằm đi đến một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển có tính ràng buộc pháp lý, gọi tắt là COC.
Đây là điều mà họ cho là cần thiết để có thể duy trì hòa bình, ổn định và an ninh biển trên vùng Biển Đông.
Ba năm sau khi các vị Bộ trưởng ASEAN phê chuẩn các quy tắc hướng dẫn để thực thi Tuyên bố về cách hành xử trên Biển Đông, tức DOC, ở Bali, Indonesia năm 2011, các cuộc thương thuyết chính thức vẫn chưa khởi sự. Một nhà ngoại giao ASEAN hôm nay nói với các nhà báo rằng một lần nữa, Trung Quốc lại mời các giới chức cấp cao của ASEAN đến dự một buổi họp tại một thành phố nghỉ mát ở Hoa Lục trong tháng tới để “tiếp tục các cuộc thảo luận” về vấn đề này.
Các vụ tranh chấp đất đai kéo dài để giành chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough đã đặt Trung Quốc vào thế đối đầu với 4 nước ASEAN, là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Tại hội nghị, Thứ Trưởng Ngoại giao Philippines Evan Garcia cũng hối thúc các nước ASEAN nhanh chóng kết thúc một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển, COC. Các nhà ngoại giao nhấn mạnh nhu cầu đối với 10 nước thành viên ASEAN, (gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei, Thái Lan, Việt Nam Campuchia, Lào và Myanmar) và Trung Quốc phải cùng cam kết sẽ thi hành toàn bộ và hữu hiệu tuyên bố chính trị mà ASEAN và Trung Quốc đã ký vào năm 2002, để đẩy nhanh tiến trình soạn thảo một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông.
Ông Garcia nêu bật những hành động mà ông cho là có tính khiêu khích và đơn phương của Trung Quốc, ông nói các hành động ấy đã“làm căng thẳng tăng lên một mức cao mới, phá hoại tình hữu nghị láng giềng và sự tin tưởng lẫn nhau, là điều mà ông cho là cần thiết để khu vực có thể tiến tới phía trước.
Trước đó Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario cho biết ông sẽ nêu lên nhu cầu cần đình chỉ các hoạt động trong khu vực tranh chấp, kể cả các vụ lắp đất và xây dựng trên biển, hạn chế việc tiếp cận một số đảo nhỏ hoặc bãi cạn, hay hạ đặt các giàn khoan dầu trong vùng biển tranh chấp.
Từ năm 2012, Philippines đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp 4 bên để tìm ra một lập trường chung hầu đối phó với Trung Quốc, giữa lúc Bắc Kinh ngày càng tỏ thái độ cứng rắn hơn trong các cuộc tranh chấp biển. Nhưng cho tới nay, 4 nước vừa kể vẫn chưa đồng thuận về một ngày để xúc tiến nỗ lực này.
Các nhà ngoại giao ASEAN nhấn mạnh nhu cầu bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực, họ nói các tàu bè phải được phép đi lại an toàn, và các bên tranh chấp phải tự chế, không đưa ra hành động đơn phương nào khả dĩ có thể làm tăng căng thẳng hay thay đổi hiện trạng, hầu có thể tạo điều kiện hợp tác để xoa dịu căng thẳng và xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ-VOA mới đây, Giáo sư Alice Ba, Giám đốc Ban Á Châu Học của Đại học Delaware, nhận định như sau về vai trò của ASEAN trong cuộc khủng hoảng giàn khoan tại Biển Đông:
“Tôi tin rằng ASEAN nên tiếp tục làm việc để đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển COC. Tôi tin rằng có một số nghi vấn về những lợi ích của tiến trình này sau khi xảy ra những sự cố gần đây, có một số câu hỏi về tầm quan trọng của một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển, tuy nhiên dây là một tiến trình dựa trên luật lệ chứ không dựa trên sức mạnh, và đó là điều mà ASEAN dự định sẽ tiếp tục dồn nỗ lực để đạt được, bất chấp là có những thách thức đối với tiến trình đó.”
Những căng thẳng âm ỉ từ lâu và không được giải quyết tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tình đoàn kết trong nội bộ ASEAN, và có thể phương hại tới các nỗ lực cổ vũ cho việc củng cố hợp tác và hội nhập kinh tế giữa các nước hội viên ASEAN.
Nhiều người bày tỏ lo ngại về tác động của các cuộc tranh chấp đất đai và biển đảo trong khu vực, họ nói các cuộc tranh chấp này có thể cản trở kế hoạch hội nhập hơn nữa của ASEAN.
Với dân số lên tới 620 triệu người, khu vực ASEAN có GDP tổng cộng vượt quá 2,3 ngàn tỉ đôla, tương đương với 3,3% của GDP của toàn thế giới.
Nguồn: The Diplomat, Sth China Morning Post, VOA's Interview.