Sinh suất 0,9 của Đài Loan đã đặt đảo quốc này ngang tầm với những nước công nghiệp hóa và đô thị hóa khác của châu Á. Sinh suất của Macau là 0,92, kế tiếp là Hồng Kông, 1,07. Singapore, Nhật, và Nam Triều Tiên cũng có những tỉ lệ sinh sản thấp nhất.
Các giới chức Đài Bắc qui trách cho lịch của Trung Hoa đã gây ra tình trạng giảm sút kể trên: năm 2010 là năm Dần, thường bị coi là năm sinh con không tốt.
Nhưng sự giảm sút này còn là một xu hướng chung của khắp khu vực. Sự thay đổi nếp sống truyền thống tại nông thôn cho phép phụ nữ tiếp cận dễ dàng hơn với nền giáo dục đại học và những việc làm mất nhiều thời gian tiếp sau đó. Việc săn sóc và giáo dục con cái rất tốn kém tại các thành phố vốn có sinh hoạt đắt đỏ gây căng thẳng cho ngân sách gia đình. Theo truyền thống thì người Tàu thích có nhiều con, nhưng theo một số người thì tại Đài Loan, Hồng Kông và Singapore, mục tiêu thăng tiến sự nghiệp đã lấn át chuyện đẻ nhiều con.
Bà Linda Arrigo là một học giả sinh ra tại Mỹ và là thành viên của Hiệp Hội Dân Số Đài Loan, một tổ chức phi chính phủ. Bà nói:
“Từng sống tại đây trong những năm 1960 lúc mới mười mấy tuổi, tôi đã chứng kiến một thay đổi to lớn, bấy giờ ai cũng muốn sinh 4 hoặc 5 con, nhưng bây giờ, trong số các phụ nữ trẻ tôi biết, nhiều cô nói họ chỉ muốn có 1 con hoặc không con cái gì hết. Thật khó mà hiểu được động cơ của điều này, ngoại trừ, các phụ nữ có nghề chuyên môn bây giờ muốn hưởng cuộc sống riêng tư của họ.”
Bà Arrigo nói thêm, bình đẳng giới tính đã đạt những bước tiến lớn tại Đài Loan và như vậy phụ nữ do dự hơn khi phải từ bỏ sự độc lập tài chánh do sự nghiệp đem lại để ngồi nhà:
“Động cơ của người trẻ thay đổi rất nhiều. Họ nói có con rất tốn kém và gây nhiều trở ngại. Họ không muốn mang bầu nặng và đi đẻ. Họ gặp quá nhiều áp lực trong nghề, như nghề giáo viên hoặc lập trình máy tính.”
Trung Quốc, nhờ chính sách một con, đã thấy mức sinh sản hạ xuống tới 1,7 con mỗi phụ nữ, hơi thấp hơn so với chỉ tiêu 2,1 được xem là lý tưởng. Nhưng dân số Trung Quốc dự kiến vẫn tăng thêm vì tuổi thọ trung bình bây giờ cao hơn và chính sách một con từ từ đã được nới lỏng.
Các chính phủ châu Á đang rối trí tìm đáp án cho tình trạng trên vì họ sợ dân số giảm bớt sẽ đưa tới sức sản xuất cũng giảm, ảnh hưởng xấu tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Ông Wai Ho Leong, một kinh tế gia khu vực thuộc công ty Barclays Capital tại Singapore nói:
“Quan sát tình hình tại Nam Triều Tiên, Đài Loan và Singapore, thì mức sinh nở thấp đang được coi là vấn nạn ưu tiên hàng đầu họ đang cố gắng giải quyết. Tệ hơn là tại những nước này, và cả Trung Quốc, số người già đang gia tăng trong lực lượng lao động.”
Những nước kém phát triển hơn tại châu Á thường có tỉ lệ sinh sản cao hơn và dự kiến tăng khoảng 7,3% trong năm nay, hơn rất nhiều so với các nước láng giềng công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Theo ông Wai Ho Leong, những số liệu này gây bối rối cho các giới chức thuộc những nước phát triển, đang tìm nhiều phương cách giải quyết vấn nạn lao động già và năng suất hạ giảm:
“Theo tôi, một đường lối mà người Singapore đang đeo đuổi là mở cửa đón nhận nhập cư và nhất là dân nhập cư có kỹ năng tốt, để đối phó vấn đề sinh suất thấp trong nước. Đối với những nước có ít sắc, như Đài Loan, Trung Quốc, Nam Triều Tiên, thì chỉ có cách đào sâu trình độ kỹ năng và trình độ công nghề cho nền kinh tế.”
Singapore đã dùng cách tặng tiền thưởng sinh con từ năm 2001, khiến các nhà bảo sanh làm ăn khá. Nhật tìm cách bảo vệ kinh tế bằng cách tự động hóa nhiều hơn và khuyến khích người già, phụ nữ và người nước ngoài đến lao động. Đài Loan dùng trợ cấp và giảm thuế để làm nhẹ bớt gánh nặng giáo dục và chăm sóc con cái cho người dân.
Tuần này Đài Loan loan báo tỉ lệ sinh nở của họ hạ xuống mức dưới một em bé cho một phụ nữ, khiến chính phủ lo ngại về tình hình cung ứng nhân lực và trí tuệ trong tương lai. Tỉ lệ 0,9 của Đài Loan bây giờ là mức thấp nhất trên thế giới, nhưng các nước phát triển kinh tế khác tại châu Á cũng nối bước theo sau.