Các giới chức 15 nước châu Á đã tụ họp tại Bangkok ngày hôm nay để tham dự cuộc hội nghị kéo dài 2 ngày do Trung tâm Chuẩn bị Đối phó với Thảm họa Châu Á, gọi tắt là ADPC, tổ chức.
Tổ chức phi lợi nhuận ADPC nhắm mục tiêu giúp cho khu vực châu Á trở nên an toàn hơn nhờ việc giảm bớt các mối nguy cơ về thảm họa trong khu vực thông qua hoạt động hợp tác và giáo dục.
Các phái đoàn tham dự hội nghị đã ca ngợi các nỗ lực hợp tác nhằm ngăn chặn và đối phó với các vụ thảm họa.
Các phái đoàn cũng lưu ý rằng khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nơi được cho là phải hứng chịu nhiều thảm họa nhất trên thế giới, cần phải hợp tác sâu rộng hơn.
Bà Noeleen Heyzer là thư ký điều hành Ủy ban Xã hội và Kinh tế Liên Hiệp Quốc đặc trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Bà nói rằng trận động đất và sóng thần gây nhiều chết chóc ở Nhật Bản cho thấy không nước nào có khả năng tự mình sẵn sàng đối phó với thảm họa.
Bà nói: “Thiệt hại và tổn thất đối với một đất nước giàu có và có sự chuẩn bị tốt như Nhật Bản chỉ càng cho thấy nhu cầu cần phải thường xuyên lập kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với thảm họa. Với tình trạng biến đổi khí hậu, mối đe dọa từ thiên tai sẽ ngày càng trầm trọng hơn đối với các khu vực đang được đô thị hóa nhanh chóng ở châu Á và những cộng đồng dân cư trên các hòn đảo không được che chắn ở Thái Bình Dương.”
Điều kiện thời tiết ở Châu Á Thái Bình Dương đang ngày càng khắc nghiệt hơn và một số chuyên gia cho rằng điều này có thể là hậu quả của nạn biến đổi khí hậu.
Khu vực này hàng năm phải hứng chịu các trận bão, hạn hán, lũ lụt và đất chuồi gây chết người.
Ông Nadeem Ahmed là chủ tịch cơ quan quản lý thảm họa quốc gia của Pakistan. Ông nói rằng trong thập niên qua ở châu A,Ù mức độ và tần suất của các vụ thảm họa đã gia tăng, và hiện tượng biến đổi khí hậu đang làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Ông nói: “Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn do tình trạng dân số đang tăng trưởng mạnh ở một số nước, tình trạng đô thị hóa bừa bãi, nạn phá rừng, kế hoạch quản lý sử dụng đất đai yếu kém, việc thực thi các qui định xây dựng không thích hợp và hoạt động đầu tư tại các khu vực có rủi ro cao.”
Ông Ahmed nói rằng các nước nghèo hơn cần được hỗ trợ thêm, tuy nhiên các quốc gia cấp viện cần tập trung vào việc ngăn chặn thảm họa chứ không phải là cứu hộ. Ông cho rằng công tác ngăn chận ít tốn kém hơn.
Ông nêu ví dụ là nếu chi 40 triệu đôla để phòng lũ lụt ở Pakistan thì đã có thể giảm được khoản thiệt hại 13 tỷ đôla và giảm 90% chi phí cứu trợ cho những trận lụt gần đây.
Tại một hội nghị ở Thái Lan, các giới chức phụ trách vấn đề đối phó với thảm họa ở châu Á đã ca ngợi tiến bộ trong nỗ lực nhằm chuẩn bị tốt hơn cho khu vực này trước các vụ thảm họa trong tương lai. Tuy nhiên, họ nói rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng hơn và các nước đang phát triển cần hợp tác nhiều hơn cũng như cần nhiều viện trợ hơn.