Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc đặc trách châu Á Thái Bình Dương UNESCAP cho biết duy trì mức tăng trưởng kinh tế trong khu vực vẫn là một thử thách theo sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Lãnh vực xuất khẩu của Á châu lệ thuộc nặng vào mức cầu từ châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng mức tăng trưởng chậm chạp tại những quốc gia này có nghĩa là thị trường của họ dành cho hàng hóa của châu Á cũng thu nhỏ lại.
Trong một phúc trình công bố hôm thứ Hai, Liên Hiệp Quốc nói rằng các nền kinh tế đang phát triển tại Á châu Thái Bình Dương có thể sẽ thấy hàng xuất khẩu hạ giảm gần một nửa, xuống chỉ còn 9% trong năm 2011, so với 17% năm ngoái. Trong năm 2009, vào lúc cuộc khủng hoảng kinh tế lên tới mức trầm trọng nhất, hàng xuất khẩu của Á châu giảm 8%.
Trong lúc khu vực này vẫn thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, 75% số tiền đầu tư đó chỉ đổ vào 5 nền kinh tế là Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Liên bang Nga và Singapore.
Bà Noeleen Heyzer, bí thư chấp hành của UNESCAP, nói rằng sự phục hồi về thương mại phần lớn nhờ vào số bán trong các nước châu Á.
Bà nói: "Điều mà phúc trình cho thấy là hàng hóa xuất khẩu đã trở lại mức độ như trước khi xảy ra khủng hoảng. Quả vậy, việc giao thương giữa các nước trong khu vực đã tăng, chiếm khoảng 51% toàn thể giao thương trong khu vực châu Á Thái bình Dương.”
Phúc trình cũng cho hay nhiều nền kinh tế trong vùng dần dần bớt lệ thuộc vào xuất khẩu. Thay vào đó họ tìm cách tăng trưởng kinh tế ở những nơi tình trạng đô thị hóa gia tăng, nhất là ở Trung Quốc và Ấn Độ, lợi tức nội địa tăng, gia tăng nhập khẩu từ các quốc gia Á châu khác có lợi tức thấp, và một sự chuyển hướng sang đầu tư trực tiếp trong vùng nhiều hơn.
Nhưng bà Heyzer nói rằng việc phát triển hết tiềm năng thương mại của khu vực này bị phá hoại vì những trở ngại như thủ tục hành chính rườm rà, dẫn tới chi phí cao.
Bà nói: "Cực kỳ khó khăn khi giao thương qua biên giới các nước ở châu Á. Thực vậy, chi phí giao thương giữa các nước đông nam Á thuộc ASEAN với các nền kinh tế Ðông Bắc Á cao hơn chi phí giao thương giữa các nền kinh tế Ðông Bắc Á với Hoa Kỳ đến 30%.”
Bà Heyzer cho biết khu vực này đứng trước những bất trắc, gồm biến đổi khí hậu, giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, hối suất giao động và mức cầu chì chậm tại các quốc gia đã phát triển.
Bà cũng cảnh báo niềm tin vào doanh nghiệp trong khu vực cũng bị suy giảm vì Hoa Kỳ không thỏa thuận được về việc gia tăng mức giới hạn về nợ. Các quốc gia Á châu, do Trung Quốc và Nhật Bản dẫn đầu, có mặt trong số những quốc gia mua nhiều công khố phiếu nhất của Hoa Kỳ.
Một phúc trình mới của Liên Hiệp Quốc cảnh báo là mức tăng trưởng về xuất khẩu tại các quốc gia Á châu và Thái Bình Dương có thể sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm nay vì tăng trưởng chậm tại châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Người đứng đầu Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á của Liên Hiệp Quốc cho biết trong khi viễn ảnh kinh tế nói chung vẫn khả quan, những bất trắc về khả năng thanh toán nợ nần của chính phủ Hoa kỳ đã hủy hoại lòng tin.