Các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu ở châu Á, lệ thuộc vào dầu nhập khẩu, đang chuẩn bị đối phó với tình trạng tăng giá cao hơn vào lúc giá dầu trên thế giới lên tới 100 đôla một thùng.
Ông Aynul Hasan là một kinh tế gia kỳ cựu thuộc Ủy ban Kinh Xã châu Á Thái bình dương của Liên Hiệp Quốc. Ông cho rằng giá dầu nay phụ thuộc vào cách thức tình hình hỗn loạn chính trị diễn biến ở Trung Đông.
Ông Aynul cho biết: “Giá dầu tăng cao lệ thuộc rất nhiều vào cách mọi sự lắng xuống ra sao. Rõ ràng trong tình trạng bất định này, sẽ có sự rối loạn ngắn hạn. Nhiều nước có lượng dự trữ có thể kéo dài được vài tuần lễ. Nhưng nếu tình trạng tiếp tục lâu hơn, thì dứt khoát sẽ có ảnh hưởng. Hy vọng rằng sẽ không như thế.”
Ông Hasan nói giá dầu có thể thúc đẩy giá thực phẩm tăng thêm, do thu hoạch kém ở một số khu vực và mức cầu gia tăng ở nhiều nước.
Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng giá dầu đang cao ở mức nguy hiểm và có vẻ như sẽ tiếp tục tăng. Giá dầu cao hơn đã ảnh hưởng đến hàng triệu người nghèo ở châu Á. Ngân hàng Thế giới và các kinh tế gia trong Ủy ban Kinh xã châu Á Thái bình dương của Liên Hiệp Quốc tiên liệu sẽ có thêm nhiều người rơi vào tình trạng nghèo khó vì giá thực phẩm tăng cao hơn trong năm tới.
Ông Supavud Saicheua, một kinh tế gia thuộc tổ chức môi giới chứng khoán Phatra Securities của Thái Lan, nói rằng tăng trưởng kinh tế của châu Á – vốn lệ thuộc nặng vào xuất khẩu – rất dễ bị tác động bởi hiện tượng giá dầu tăng vọt.
Ông Supavud nói: “Nếu lý luận rằng giá dầu cao chủ yếu là một sự biến động về mức cung bởi vì mối quan ngại về Libya và các nước sản xuất dầu khác không sản xuất được thì tình hình sẽ rất xấu bởi vì ta vừa phải đối phó với tình trạng suy thoái toàn cầu, lẫn giá dầu tăng cao và như thế Thái Lan cùng các nước còn lại trong khu vực sẽ bị tác động rất mạnh.”
Đa số các nước ở châu Á đều là các nước thuần nhập khẩu dầu, kể cả nguồn lực sản xuất là Trung Quốc.
Hồi tháng 7 năm 2007, công nghiệp hàng không đã bị tác động mạnh khi giá dầu lên đến mức kỷ lục là 147 đôla một thùng. Sau đó, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về số khách đi lại và thêm thua lỗ cho công nghiệp. Cổ phiếu hàng không đã sụt giảm trong mấy ngày qua, vào lúc giới đầu tư lo ngại rằng lợi nhuận về hàng không có thể lại sụt giảm nay mai.
Ông Supavud cho rằng thị trường dầu giao trong tương lai dự kiến sẽ bất định trong ít nhất 6 tháng trước khi trở lại bình thường.
Nhu cầu về dầu trên thế giới lên tới khoảng 90 triệu thùng mỗi ngày. Libya đóng góp khoảng 1 triệu thùng.
Giá thực phẩm tăng cao và tình trạng kinh tế nghèo khó đã góp phần gây bất mãn trong nhiều người biểu tình khắp Trung Đông. Tại Đông Á, nhiều chính phủ đang chuẩn bị theo dõi tình hình tăng giá và đã tiến hành các biện pháp như nâng cao lãi suất và hạn chế luồng vốn đổ vào.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1