Nạn hạn hán, lụt lội và nhu cầu gia tăng đã đẩy giá lương thực tại Á châu lên cao hơn trong mấy tháng vừa qua và các chuyên gia cho rằng giá cả còn có thể tăng cao hơn nữa vì một trong các nước sản xuất lúa mì nhiều nhất thế giới là Trung Quốc đang gánh chịu một cơn hạn.
Hậu quả là một số nước đã áp dụng các biện pháp để tự túc. Ấn Độ cấm bán lúa mì ra nước ngoài từ năm 2007 và mặc dù vụ mùa bội thu năm nay, chính phủ vẫn tiếp tục tích trữ lúa mì.
Tuần này, Ngân hàng Thế giới cho biết giá lương thực đã tăng tới mức nguy hiểm và đẩy 44 triệu người vào cảnh nghèo khó. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick thúc giuc các chính phủ tránh việc ngăn cấm xuất khẩu để kiểm soát giá cả mà theo ông có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Một chuyên gia về an toàn lương thực thuộc Ngân hàng Phát triển Á châu ở Manila là ông Katsuji Matsunami. Ông nói rằng thế giới đang thúc tỉnh trước nguy cơ cung ứng thực phẩm mong manh.
Ông Matsunami cho biết: “Hệ thống cung ứng lương thực dễ bị tổn thương bởi tình trạng khí hậu khắc nghiệt, hạn hán, lụt lội v.v.. Trong mấy thập niên vừa qua chúng ta đã quy tụ được đủ tiền, và tất cả sức mạnh cũng như kiến thức, nhưng đơn giản là chúng ta đã không có đủ biện pháp để chống lũ trên những cánh đồng mênh mông của châu Á hay giúp các nông dân ở các trang trại nhỏ tránh hạn hán. Lẽ ra chúng ta có thể làm được điều đó. Nhưng chúng ta đã không làm.”
Theo ông Nagesh Kumar, Kinh tế gia trưởng của Uûy ban Kinh Xã LHQ đặc trách châu Á Thái Bình dương tại Bangkok thì cũng phải quy trách cho các chính sách yếu kém về nông nghiệp.
Ông Kumar nói: “Việc cung ứng không theo kịp tiến độ của nhu cầu ngày càng gia tăng vì sự lơi là đối với nông nghiệp trong các chính sách của chính phủ trong hai thập niên qua. Và vì thế mà sản lượng nông nghiệp bị đình đốn.”
Châu Á đã thực hiện cuộc Cách mạng Xanh về nông nghiệp trong hai thập niên 1960 và 1970. Nhưng kể từ đó sản lượng nông nghiệp thường giảm bớt vì nhiều đất đai đã được sử dụng để xây cất nhà cửa và nhà máy để phục vụ cho dân số gia tăng và công nghiệp hóa.
Mặc dù khu vực Á châu là nơi cư trú một số người trồng lúa lớn nhất trên thế giới, trên 64 phần trăm số người thiếu dinh dưỡng cũng sống trong khu vực này.
Để đáp lại với tình trạng thiếu hụt sẽ xảy ra, Trung Quốc cam kết sẽ giúp tiền mặt cho các nông dân tưới các ruộng lúa mì, trồng bắp và lúa mì và giải quyết các dịch bệnh của mùa màng. Trung Quốc cũng dành ra 180 triệu đôla để mua các thiết bị mới và trên 1 tỉ đôla đẻ hạ giảm cứu hạn.
Trung Quốc cũng áp đặt các biện pháp kiểm soát giá cả của một số thực phẩm để bảo vệ những người tiêu dùng nghèo khó ứng phó với nạn giá cả gia tăng tới 4,9 phần trăm trong tháng một vừa qua.
Tại Thái Lan, chính phủ đã định mức trần cho dầu cọ dùng để nấu ăn là 1 đôla rưỡi một lít sau khi những trận lụt đã khiến sản lượng trong nước sụt giảm mạnh.
Tuy thế, ông Kumar nói rằng trong khi sự can thiệp của chính phủ có thể cần để giúp giới dân nghèo thì các biện pháp như kiểm soát giá cả có thể khích lệ các hoạt động chợ đen.
Ông Kumar nói tiếp: “Nếu có biện pháp điều hành, biện pháp giám sát đi cùng với việc kiểm soát giá cả thì có thể rất có hiệu quả, nhất là nếu việc tăng giá là do tích trữ hay đầu cơ tạo ra.”
Từng chính phủ riêng rẽ đối phó với tình hình có thế khiến tình trạng trở nên tệ hại hơn. Đầu năm 2008, giá gạo tăng hơn gấp đôi. Campuchia, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc lo ngại về việc cung ứng, đã cắt số gạo xuất khẩu. Cùng thời gian đó, chính phủ các nước nhập cảng gạo ra lệnh dự trữ thêm trong thị trường quốc tế khiến giá cả tăng thêm nữa.
Ông Matsunami cho biết không có lý do thực sự để giá gạo tăng vọt trong năm 2008.
Ông Matsunami nói: “Một số chuyên gia nói rằng đó là do việc tích trữ gạo ở mọi cấp. Nhưng theo tôi thì quan trọng hơn là đã có nhiều biện pháp hạn chế được áp dụng, như cấm xuất khẩu và những biện pháp đại loại như thế.”
Cho tới nay thì ngoại trừ Ấn Độ, các chính phủ Á châu đã không hạn chế việc xuất khẩu gạo hay các mặt hàng quan trọng. Các nhà trồng lúa mì Aân Độ đang gây áp lực đòi chính phủ cho phép bán ra nước ngoài, hành động có thể giúp gia tăng mức cung cho toàn cầu.
Giá gạo dự kiến sẽ vừa phải hơn vì một mùa thu hoạch đầy đủ và mức cầu thấp hơn từ Philippines, là nước mua nhiều gạo nhất trong khu vực.
Ông Matsunami nói rằng có các thông tin đầy đủ về thị trường giúp ngăn tình trạng giá cả bất ổn. Thí dụ, ông cho biết việc mua bán gạo có thể có lợi hơn nếu các chính phủ thông tin liên lạc với nhau tốt hơn về mức cung cầu.
Ông Matsunami nói thêm: “Một phần quan trọng trong việc mua bán gạo được thực hiện trong khu vực Đông nam Á là giữa các nước trong khu vực đó. Vậy thì có một diễn đàn đa quốc để các nước xuất khẩu và nhập khẩu gạo nói chuyện với nhau hay không? Họ không cần chia sẻ những bí mật quốc gia lớn nhất. Nhưng liệu họ có thể ngồi lại nói chuyện thoải mái với nhau hay không? Hỏi nhau về triển vọng, về thị trường hiện tại. Chưa có được một diễn đàn như thế.”
Các chuyên gia cũng vận động ráo riết để thành lập các ngân hàng lương thực trong khu vực mà các nước có thể dựa vào trong những lúc thiếu hụt như là một cách để đề phòng giá gạo bất chợt tăng vọt.
Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á với 10 thành viên, cùng Trung Quốc, Nam Triều Tiên và Nhật Bản đã lập quỹ dự trữ gạo nhưng chỉ dành cho các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp.
Ngân hàng lương thực của Hiệp hội Hợp tác Nam Á gồm 8 thành viên thì vẫn chưa hoạt động đầy đủ bất chấp một thỏa thuận đạt được vào năm 2007.
Giá lương thực đang tăng cao tại châu Á và chính phủ các nước đang tiến hành nhiều biện pháp khác nhau để kiểm soát giá cả – từ mức trần giá cho tới hạn chế xuất khẩu. Nhưng theo bài tường trình từ Bangkok của Thông tín viên VOA Heda Bayron, những đáp ứng thiếu sự phối hợp của các chính phủ có thể khiến cho tình thế trở nên trầm trọng hơn.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Việt Nam phạt nặng lỗi giao thông: đường sá rối loạn, dân tình ta thán
2Phái đoàn Đài Loan sẽ mang 'lời chúc tốt đẹp nhất' đến lễ nhậm chức của Trump
3TikTok đối mặt với hạn chót trước khi lệnh cấm có hiệu lực ở Mỹ
4TT Biden duyệt tên mới cho bưu điện ở Westminster, tôn vinh cựu binh Chiến tranh Việt Nam
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!