Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc, FAO, nói tại châu Á giá lương thực đã bị tác động bởi tình trạng tăng giá, nhưng không đáng kể như những khu vực khác.
FAO nói giá bán lẻ gạo, lương thực chủ yếu ở châu Á, tăng 33% so với năm ngoái tại Bangladesh và 23% tại Trung Quốc.
Nhưng các nước sản xuất gạo chính trong vùng là Thái Lan và Việt Nam đang được mùa và dự kiến sẽ giữ vững giá nói chung.
Đại diện FAO đặc trách khu vực châu Á Thái Bình Dương, ông Hiroyuki Konuma, nói rằng giá thực phẩm tăng cao ở châu Á chủ yếu tác động đến giới nghèo:
“Nhiều người nghèo nghèo đến nỗi họ chi từ 50% đến 70% lợi tức vào thực phẩm. Vì thế, nếu giá tăng lên 30% đến 40% thì sẽ tác động nghiêm trọng đến mãi lực về thực phẩm của họ. Và hậu quả là nạn đói triền miên.”
Ông Konuma nói sản lượng gạo trong vùng dự kiến sẽ tăng hơn 2% trong năm nay trong khi sản lượng lúa mì sẽ sụt khoảng 4%.
FAO nói giá thực phẩm thế giới đã lên đến mức cao kỷ lục hồi tháng 2 vào lúc giá dầu bị đẩy lên vì tình hình bất ổn chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi.
Bất kể số cung về gạo đầy đủ, một số quốc gia Á châu dường như lo ngại rằng giá dầu tăng chung cuộc có thể ảnh hưởng đến lượng thực phẩm cung ứng.
Tin cho hay tháng trước, Miến Điện đã đình chỉ mọi vụ xuất khẩu gạo.
Miến Điện không phải là một nước sản xuất gạo quan trọng nhưng quyết định đó cho thấy mối lo ngại rằng giá gạo có thể tăng khi giá chuyên chở tăng.
Ông Konuma cho biết FAO đang cẩn thận theo dõi các tác động của giá dầu ở châu Á:
“Còn hơi sớm để kết luận, nhưng nếu giá dầu tăng lên đến mức đã xảy ra vào năm 2007, 2008, tức là lên tới 140 đôla hay 150 đôla một thùng, thì sẽ tác động nghiêm trọng đến giá cả thực phẩm.”
Giá thực phẩm tăng trong năm 2007 và 2009 dã khiến một số nước trong khu vực dự trữ thực phẩm và tạm thời cấm xuất khẩu gạo.
FAO nói tuy việc dự trữ lượng cung khẩn cấp là điều có thể hiểu được, tích trữ đầu cơ lương thực chủ yếu và cấm xuất khẩu chỉ làm cho tình hình tệ hại thêm mà thôi.
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc cho rằng giá lương thực tăng cao ở châu Á đang gây thiệt hại cho giới nghèo nhưng chưa lên đến mức khủng hoảng. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên VOA Daniel Schearf từ Bangkok, cơ quan Liên Hiệp Quốc này nói rằng nếu giá dầu tiếp tục tăng thì giá lương thực trong vùng cũng sẽ lại tăng theo.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1