Liên Hiệp Quốc cho hay dân số toàn cầu dự kiến sẽ tăng 47 phần trăm trong thời gian 50 năm, từ 6,1 tỷ người vào năm 2000 lên đến 8,9 tỷ người vào năm 2050. Kèm theo sự gia tăng đó là nhu cầu về thực phẩm và giá cả tăng thêm. Ông Joachim von Braun là giám đốc Trung tâm Khảo cứu Phát triển tại trường Đại học Bonn.
“Mỗi năm, chỉ trừ có một năm, giá thực phẩm quốc tế lại tăng cao hơn năm trước đó. Vì thế mà tình hình thực phẩm trên thế giới lại trở nên căng hơn. Và người nghèo trên thế giới ở châu Á và châu Phi đặc biệt phải chịu những tác động tai hại.”
Và ông Braun cho rằng số người không có đủ thực phẩm thực là khủng khiếp:
“Vào ngày Thực phẩm Thế giới, 16 tháng 10 năm nay, chúng ta nên nhớ rằng 1 tỷ người đang thiếu ăn, và 60 phần trăm trong số người này sống ở châu Á, và vấn đề thực phẩm ở châu Á cũng chủ yếu là một vấn đề trẻ em thiếu dinh dưỡng.”
Tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu hồi gần đây đã tác động đến gần như mọi thị trường, trong đó có thực phẩm. Tình trạng bất ổn giá cả thực phẩm ở nhiều nơi trên thế giới đã gây khó khăn cho việc giải quyết các vấn đề thiếu ăn. Ông Katsuji Matsunami là một nhà lãnh đạo và cố vấn về Nông nghiệp, An toàn thực phẩm và Phát triển Nông thôn thuộc bộ phận Phát triển Bền vững Khu vực của Ngân hàng Phát triển Á châu.
“Về ngắn hạn, tình trạng bất ổn thị trường vẫn tiếp tục. Và có rất nhiều phần chắc là có thể xảy ra tình trạng bất ổn và tăng giá không ngờ trước được. Về dài hạn, như tất cả chúng ta đều biết dân số tiếp tục gia tăng. Và các tập quán về thực chế, hoặc nhu cầu tiêu thụ về thực phẩm, cũng thay đổi.”
Ông Matsunami nói giải pháp rõ ràng là phải trồng tọt thêm. Nhưng đạt được mục tiêu đó không phải là đơn giản và đòi hỏi sự đầu tư liên tục.
“Thế giới cần phải sản xuất thêm thực phẩm cho người và cho súc vật, và thêm nhiên liệu vì các mối quan ngại về tình trạng biến đổi khí hậu. Vì thế, nông nghiệp phải sản xuất nhiều hơn. Nhưng, các nguồn lực cần thiết để làm việc đó bị hạn chế, nhất là nước. Và đầu tư cần thiết cho việc hiện đại hóa nông nghiệp không được đổ vào như chúng ta hy vọng.”
Trong khi tình trạng suy thoái kinh tế đã có tác động đối với đầu tư vào nông nghiệp, ông Joachim von Braun nói có một số diễn biến hồi gần đây đem lại hy vọng cho việc cải thiện nạn đói trên thế giới.
“Trong 3 năm vừa qua, đã có nhiều sự kiện tốt xảy ra. Các nước đang phát triển đã đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp và đã đặt nông nghiệp lên cao hơn trong chương trình hoạt động. Chẳng hạn như Ấn Độ đã phát động cách đây 2 năm một chương trình 6 tỷ đôla. Trung Quốc còn đầu tư nhiều hơn. Và ít nhất 20 nước ở châu Phi cũng đã làm như thế. Cộng đồng phát triển như Hoà Ky với chương trình Feed the Future qua USAID cũng đã tái khởi động đầu tư vào nông nghiệp với trọng điểm nhắm vào các nông trại nhỏ.”
Ông Jatsuji Matsunami hy vọng các chương trình có thể mở rộng sang các kế hoạch và các cuộc thảo luận trong khu vực, nhất là ở châu Á.
“Có thể nào Khối ASEAN, cộng với 3 nước, ngồi vào bàn họp và thảo luận công khai các triển vọng về gạo. Ai cần đến gạo, số lượng là bao nhiêu, và ai có thể có số thặng dư về gạo có thể đưa vào thị trường được? Không có những cuộc thảo luận thuộc loại này. Tất cả các cuộc thảo luận đều có tính cách song phương, chính phủ này nói chuyện với chính phủ kia. Và chúng tôi nêu câu hỏi là có thể nào biến thành một khung sườn khu vực hay không?”
Ông Matsunami nói rằng cách giải quyết trong khu vực để cung cấp đủ thực phẩm là điều cấp thiết, bởi vì các khu vực đô thị tiếp tục phát triển với các mức độ không thể tưởng tượng được.
“Các chính phủ phải làm cách nào để những nhà nông nhỏ này có phương tiện sinh sống. Đồng thời, có những khối dân gia tăng, và đa số còn nghèo hơn nữa, ở các thành phố, và họ cần thực phẩm rẻ tiền. Vì vậy, một mặt các chính phủ phải bảo đảm là nông dân có được giá cả thích đáng, và đủ cao để nông dân mong muốn và có khả năng sống còn bằng nghề sản xuất gạo. Nhưng, qua việc đưa gạo vào thị trường tiêu thụ, phải làm sao cho giá rẻ vừa đủ để người tiêu thụ nghèo có thể mua được.”
Tình trạng thiếu hụt đã được liên hệ với các nhu cầu khác như cơ sở hạ tầng, nước và kỹ thuật tốt hơn, để có thể giúp hạ giá thành sản phẩm và đưa thêm thực phẩm vào thị trường với giá rẻ hơn, trong khi vẫn duy trì lợi tức cho nông dân. Ông Joachim von Braun nói rằng các dự án của chính phủ đã cho thấy các kết quả cụ thể tại nhiều nơi ở châu Á.
“Việt Nam đã tỏ ra đặc biệt thành công trong việc giải quyết nạn đói và tình trạng bất ổn về thực phẩm và dinh dưỡng. Sau Trung Quốc, Việt Nam thực sự là một gương sáng về tiến bộ trong việc giải quyết tình trạng đói kém.”
Ông Von Braun đã đề xuất 2 biện pháp tập thể toàn cầu để giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng giá cả thực phẩm giống như hồi năm 2007-2008. Ông nói nên thành lập một kho dự trữ thực phẩm cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho một sự đáp ứng suôn sẻ với các trường hợp khẩn cấp về thực phẩm. Thứ hai, nên thiết lập một biện pháp hiện đại để ngăn chặn các vụ tăng vọt giá cả trên thị trường.
Chỉ trong lịch sử gần đây, toàn bộ các xã hội mới có khả năng thoát ra khỏi tình trạng thiếu ăn kinh niên và mối đe dọa triền miên của nạn đói. Nhưng, ngay cả với thành quả đó, nhiều nước ở châu Phi và Nam Á vẫn tiếp tục phải vật lộn với vấn đề ấy. Các tiến bộ về kỹ thuật đã giúp cải tiến sản luợng nông nghiệp. Nhưng, theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Jim Stevenson, giá cả thực phẩm vẫn còn là trở ngại lớn nhất cho việc nuôi những người thiếu ăn.