Ngành Công nghiệp sản xuất plastic châu Á đang trên đà phát triển, với mức cầu gia tăng tại Trung Quốc và Ấn Độ, lý do là cả người tiêu dùng lẫn các công ty sản xuất đều trông chờ là chất plastic sẽ còn đóng một vai trò rộng lớn hơn, từ 1 cái bao khiêm nhường tại các tiệm nhỏ cho đến những bộ phận máy móc tinh vi.
Thị trường plastic thế giới ước lượng vào khoảng 200 triệu tấn và mỗi năm lại tăng lên 5%.
Khoảng hai triệu trong số 14 triệu tấn chất thải thể rắn của Thái Lan là loại plastic không phân hủy được.
Trước đây không lâu, plastic được coi là một chất rẻ tiền và tiện dụng để thay thế cho những thứ như giấy, hoặc thậm chí tấm lá chuối từ lâu vẫn được dùng để gói hàng tại nhiều nước châu Á.
Nhưng nhà hoạt động Ply Pirom cho tổ chức Greenpeace cho biết, dần dà, nhận thức về tác hại của plastic đối với môi trường gia tăng:
“Mọi người bắt đầu dùng bao plastic mà không hay biết về ảnh hưởng của nó đối với môi trường cho tới 10 năm qua khi vấn đề rác không có chỗ đổ ngày càng gia tăng. Thế là người ta bảo nhau, ‘thật sự có vấn đề rồi!’. Nếu quan sát xu hướng lựa rác để riêng các chai, hộp và bao làm bằng plastic để đem tái chế biến, người ta sẽ thấy chẳng có tiến bộ mấy, nhưng bề gì khuynh hướng này cũng đang gia tăng."
Thái Lan hiện nay là nước chính trong khu vực sản xuất nguyên liệu dùng làm plastic cũng như các loại thành phẩm khác. Hiệp Hội Công Nghiệp Plastic Thái Lan có 500 công ty hội viên.
Vào năm 2009, ngành xuất khẩu sản phẩm plastic của Thái được xếp vào hàng 10 nước trong khu vực công nghiệp này và ngành xuất khẩu sản phẩm plastic của Thái thu về hơn 2,37 tỉ đô la, nhắm tới những thị trường quan trọng như Nhật, Hoa Kỳ, Australia và Indonesia.
Mức sản xuất các sản phẩm plastic trong toàn khu vực châu Á cũng đang gia tăng, với Trung Quốc và Ấn Độ cũng được coi như những nước sản xuất chính chế tạo ra hàng triệu tấn sản phẩm plastic mỗi năm.
Nhưng cả hai phía gồm các nhà hoạt động môi trường cũng như các nhà công nghiệp đều nhất trí một điều, là cần phải tìm ra những chất thay thế cho plastic. Họ nêu ra cái giá ngày càng tăng mà con người phải trả cho vấn đề môi trường, kêu gọi tìm các nguồn thay thế có thể tái chế biến và những giải pháp hạ giảm khí thải nhà kính, yếu tố chính gây nên tình trạng tăng nhiệt toàn cầu và khiến khí hậu biến đổi.
Ông Kriangli thuộc Hiệp Hội Công Nghiệp Plastic Thái cho biết những loại plastic có thể phân hủy và loại plastic sinh học là mục tiêu tương lai của công nghiệp plastic.
Ông nói: “Trong tương lai, mục tiêu sau cùng phải là plastic phân hủy được 100% và ngay lúc này chúng tôi đang cố gắng tiến tới đích đó. Chúng tôi mua chất hỗn hợp phân hủy được và trộn với loại plastic thường, tỉ lệ khoảng 50/50; loại này có thể phân hủy được, nhưng không nhanh bằng loại có thể phân hủy 100%.”
Công việc của họ đang tiến hành tốt. Hiện nay, các nguyên liệu chế tạo plastic phân hủy rút từ bắp được dùng để sản xuất acid poly-lactic và rút từ những loại cây có chứa nhiều tinh bột, như bắp (ngô) và khoai mì (sắn).
Plastic sinh học được coi như sắp là một bước đột phá lớn, và đã được sử dụng để đóng gói, chế tạo hàng điện tử, xe hơi và nông phẩm.
Tại Furano, Nhật Bản, người ta dùng những bao làm bằng loại plastic phân hủy để thu gom loại rác phân hủy được, để sau đó những bao rác này được dùng làm phân bón. Một dự án thí điểm, tại một cộng đồng thuộc Bắc Thái Lan gồm 730 gia đình, cũng đang tiến hành sử dụng plastic sinh học để xử lý rác.
Ông Krianglit nói sức mạnh của Thái Lan nằm trong lãnh vực nông nghiệp đóng góp nhiều vào tương lai của plastic sinh học.
Ông nói: “Chúng tôi là một nước sản xuất nông phẩm, có bắp, có sắn, có mía, tất cả mọi nguyên liệu sống được trồng ở Thái Lan và xuất khẩu. Khi công nghệ hoàn chỉnh để có thể ứng dụng, chúng tôi sẽ là một nước xuất khẩu rất tốt cho thị trường thế giới.”
Ông Daniel Loh, đứng đầu một nhánh của công ty hóa chất BASF chuyên xử lý plastic tại Singapore, nói rằng thách thức trong tương lai là đảm bảo tất cả các cộng đồng đều tham gia vào cuộc bàn thảo về plastic phân hủy.
Ông nói: “Hãy gửi thông điệp chính xác đến thẳng những người tiêu dùng, giới làm luật, rằng nhựa phân hủy phục vụ cho 1 mục tiêu chắc chắn. Đây không phải chỉ là vấn đề thay thế những bao plastic thông thường. Nếu không có các phương pháp thu gom rác, và người tiêu dùng cứ giữ thói quen xả bao nhựa bừa bãi, thì sẽ không có thay đổi. Đó là những thách thức mà chúng ta phải đối mặt.”
Ông nói, các nước khắp châu Á ngày càng có nhận thức về vấn đề rác plastic và xử lý chất thải plastic, trong đó có Nhật, Nam Triều Tiên, Singapore và Malaysia. Nhưng tại Đông Nam Á, Thái Lan đã có những cố gắng nhiều nhất để đối phó với vấn đề.
Công ty BASF đã hợp tác với cơ quan viện trợ GTZ của Đức, cùng với các hiệp hội plastic phân hủy từ châu Âu, Nhật, Triều Tiên, Đài Loan và Hoa Kỳ, để cùng cộng tác nghiên cứu với Cơ Quan Cải Tiến Quốc Gia của Thái, gọi tắt là NIA.
Thái Lan hiện đang có một kế hoạch phát triển công nghệ plastic phân hủy sẽ hoàn tất hạn chót là năm 2012, với ngân sách 54 triệu đô la, nhằm xúc tiến việc nghiên cứu và triển khai loại plastic này.
Về phần các nhà hoạt động môi trường, họ muốn thấy các chính phủ có những nỗ lực hỗ trợ nhiều hơn đối với việc triển khai plastic sinh học, cũng như buộc những người tiêu dùng chịu trả giá đắt hơn khi sử dụng bao plastic.
Ngành công nghiệp plastic của châu Á đang tăng trưởng, với 2 nước Trung Quốc và Ấn Độ đang thách thức những nước đã sản xuất từ rất lâu như Thái Lan chẳng hạn. Ngày nay, người ta càng quan tâm đến ảnh hưởng của plastic đối với môi trường. Theo tường trình của thông tín viên VOA Ron Corben, các nhà hoạt động môi trường cũng như giới điều hành công nghiệp đều đồng ý rằng loại plastic có thể phân hủy cần phải chiếm lĩnh vai trò quan trọng hơn trong tương lai công nghiệp.
Đọc nhiều nhất
1