Đường dẫn truy cập

Aung San Suu Kyi lên án vi phạm nhân quyền ở bang Rakhine


Lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, phát biểu qua truyền hình hôm 19/9/2017.
Lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, phát biểu qua truyền hình hôm 19/9/2017.

Lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, lên án các vụ vi phạm nhân quyền diễn ra ở bang Rakhine ở miền tây, nơi bạo lực còn tiếp diễn đã khiến hơn 400.000 người thiểu số Hồi giáo Rohingya bỏ chạy sang nước láng giềng Bangladesh trong những tuần gần đây.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu được mong đợi trước quốc dân từ thủ đô Naypyitaw hôm 19/9, khôi nguyên giải Nobel Hoà bình đã tránh bàn về những lời quy trách nhiệm cho các lực lượng an ninh của Myanmar, họ bị cáo buộc đã "thanh lọc sắc tộc" nhằm vào người Rohingya.

Bà Aung San Suu Kyi bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ vì đã không lên tiếng quyết liệt về tình hình khủng hoảng.

Bà nói với một nhóm các nhà ngoại giao nước ngoài rằng nước bà không sợ sự giám sát chặt chẽ của quốc tế, và bà đảm bảo rằng mọi vi phạm nhân quyền hoặc "những hành động làm suy yếu sự ổn định và hòa hợp" sẽ bị xử lý "phù hợp với các quy định tư pháp nghiêm ngặt".

Nhà phân tích độc lập Richard Horsey nói với VOA rằng bà Aung San Suu Kyi phải giữ thăng bằng giữa mối quan tâm của quốc tế về nỗi thống khổ của người Rohingya và các cảm xúc dân tộc chủ nghĩa trong đa số dân theo đạo Phật ở trong nước.

Ông nói: "Tôi nghĩ nội dung của bài phát biểu đã thể hiện rất rõ rằng bà cảm thấy bà phải hết sức thận trọng đi trên ranh giới rất mong manh giữa những quan điểm của đa số người dân Myanmar mà thực sự trái ngược hoàn toàn với phần lớn cộng đồng quốc tế”.

Bên lề cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở New York hôm 18/9, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, Anh và các nước khác quan ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Rakhine đã kêu gọi chấm dứt bạo lực và muốn có các biện pháp để giảm bớt nỗi thống khổ của người tị nạn Rohingya.

Đại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley cho biết đã có một "cuộc họp hữu ích về tình hình rất xấu", bà cũng nói không thấy có cải thiện nào ở chính nơi những người Rohingya phải bỏ chạy sang Bangladesh.

Đại sứ Haley phát biểu: "Cộng đồng quốc tế cam kết tìm một giải pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng này và mang lại hòa bình, ổn định cho bang Rakhine cũng như phần còn lại của Myanmar. Hoa Kỳ tiếp tục thúc giục chính phủ Myanmar kết thúc các hoạt động quân sự, cho phép những người làm công việc nhân đạo được tiếp cận, và cam kết hỗ trợ việc thường dân trở về nhà an toàn".

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG