Đường dẫn truy cập

Australia, Campuchia ký thoả thuận gây nhiều tranh cãi về người tị nạn


Dân Campuchia biểu tình gần Đại sứ quán Australia trong thủ đô Phnom Penh, phản đối thỏa thuận về người tị nạn giữa Australia và Campuchia, 26/9/14
Dân Campuchia biểu tình gần Đại sứ quán Australia trong thủ đô Phnom Penh, phản đối thỏa thuận về người tị nạn giữa Australia và Campuchia, 26/9/14

Hôm nay, Campuchia và Australia kỳ một thoả thuận gây nhiều tranh cãi theo đó Campuchia đồng ý nhận một số không giới hạn những người tị nạn đang bị tạm giữ tại các cơ sở ở ngoài khơi của Australia. Thoả thuận đã bị nhiều người lên án ở cả hai nước và những nước khác, theo ghi nhận của thông tín viên VOA Robert Carmichael:

Phó thủ tướng Campuchia Sar Kheng đã ký thoả thuận hôm nay với Bộ trưởng Di trú Úc Scott Morrison trong một buổi lễ ngắn tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Lễ ký kết, bị lu mờ vì một khay rượu champagne bị đổ và vỡ tan, kéo dài chỉ vài phút và sau một vòng vỗ tay ngắn ngủi của những người tham dự trên sân khấu, cả hai nhân vật đại diện cho hai bên đều làm lơ trước các câu hỏi của giới truyền thông và rời khỏi phòng họp.

Một thông cáo chung phát cho giới truyền thông sau đó nói rằng Campuchia sẽ quyết định khi nào và bao nhiêu người tị nạn họ sẽ nhận, và cho biết thêm rằng hai nước đã đồng ý về “một sắp xếp thử nghiệm với một nhóm nhỏ người tị nạn, tiếp theo sẽ là việc tái định cư thêm những người khác dựa vào khả năng của Campuchia.

Trước đó trong ngày, ông Morrison nói với mạng lưới truyền thông ABC của Australia rằng Canberra sẽ chi trả cho Campuchia một khoản tương đương với chừng 35 triệu đôla trong vòng 4 năm tới.

Thoả thuận đã bị nhiều người lên án tại Campuchia và các nước khác. Vào cuối ngày thứ sáu, Cao Uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tuyên bố ông hết sức quan ngại trước việc ký thoả thuận và hy vọng Australia sẽ xét lại. Trong một thông cáo, ông Guterres nói thoả thuận này là “một sự vi phạm đáng lo ngại các quy tắc quốc tế,” và nói thêm rằng các nước không được dời chuyển trách nhiệm đối với người tị nạn.

Các mối quan ngại đó được sự hưởng ứng của nhà lập pháp đối lập của Campuchia, ông Son Chhay, người đã nói chuyện với các phóng viên sáng nay tại một cuộc biểu tình phản đối thoả thuận ở gần đại sứ quán Australia tại Phnom Penh.

Ông Son Chhay cũng chỉ trích mức độ bí mật bao trùm các cuộc thương thuyết và rủi ro tham nhũng có liên quan đến 40 triệu đôla mà Campuchia sẽ nhận được. Ông nói dùng Campuchia làm “nơi đổ những người tị nạn không ai muốn nhận” là điều sai trái.

“Bởi vì chúng tôi tin rằng thoả thuận này không những vi phạm Công ước về Người tị nạn, mà nó còn tuỳ thuộc một số nước có tiền có khả năng mua bán trách nhiệm đối với người tị nạn, và có thể tạo ra một thói xấu cho nhiều nước bắt chước.”

Cao Uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR nói có khoảng 1 ngàn 200 người trên đảo Nauru ở Thái Bình Dương và gần 1 ngàn 100 người đang bị giữ ở đảo Manus của Papua New Guinea theo một thoả thuận với Australia. Đa số được cho là xuất thân từ các nước ở Nam Á và Trung Đông.

Trước đó trong ngày hôm nay, ông Morrison nói với đài ABC rằng có khoảng 200 người trên đảo Nauru đã được xếp loại là người tị nạn và hội đủ điều kiện để được gửi đến Campuchia. Ông nói sẽ không có giới hạn về số người tị nạn tự nguyện theo chương trình này. Ông cũng ca ngợi thoả thuận là cung cấp một giải pháp khu vực cho một vấn đề trong vùng.

Phnom Penh từ lâu vẫn nhấn mạnh sẽ chỉ nhận người tị nạn tự nguyện đến Campuchia.

Thoả thuận tái định cư được đề nghị đã là đề tài của nhiều tháng thương nghị bí mật, và đã khơi ra sự chỉ trích của các tổ chức nhân quyền, các giáo hội và các chính trị gia đối lập ở cả hai nước.

Hôm qua, Ông Alastair Nicholson, một cựu thẩm phán của Toà án Gia đình Australia nói thoả thuận này là “bất xứng, vô đạo đức và có thể là phi pháp,” và cảnh báo rằng nó có thể gây nguy cơ cho người tị nạn và con em họ. Ông Nicholson phát biểu nhân danh một liên minh các tổ chức phi lợi nhuận, trong đó có Hội Ân xá Quốc tế, Hội Cứu Trẻ em, và Hội đồng Người tị nạn Australia.

Một số người Campuchia cũng phản đối thoả thuận, một phần với lý do là Campuchia phải giải quyết các vấn đề thâm căn của chính mình trước khi nhận người tị nạn. Trong số người biểu tình trước Đại sứ quán Australia ở Phnom Penh hôm nay, có luật sư Son Chum Chuon. Ông nói:

“Tôi nghĩ chính phủ Australia không nên gửi người tị nạn đến Campuchia bởi vì hiện nay Campuchia chưa có đủ khả năng nhận người tị nạn bởi vì nếu chúng ta nghĩ đến hệ thống nhân quyền, hay chế độ dân chủ ở Campuchia, thì nước này vẫn còn yếu kém. Đó là lý do một số người biểu tình tụ tập trước Đại sứ quán Úc hôm nay.”

Là một nước ở thời kỳ hậu chiến với các dịch vụ xã hội còn yếu kém, Campuchia có thành tích xấu về nhân quyền, và một số người đã nêu thắc mắc về lý do vì sao một trong các nước giàu nhất lại tìm cách gửi người tị nạn đến một trong các nước nghèo nhất và tham nhũng nhất. Các dịch vụ chủ yếu như y tế và giáo dục ở trong tình trạng xấu, và có rất ít công ăn việc làm. Suy dinh dưỡng và nghèo khó rất phổ biến.

Về phần mình, là một trong các nước cấp viện cho Campuchia, chính phủ bảo thủ ở Australia đã lên nắm quyền cách đây 1 năm với lời hứa sẽ có chính sách gắt gao với người xin tị nạn. Các giới chức Úc khẳng định rằng nhiều người xin tị nạn là di dân kinh tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG