Chính phủ Australia ước tính sẽ tốn khoảng 5,6 tỉ đôla để sửa chữa những hư hại trong các trận lụt vừa qua ở hai tiểu bang Queensland và Victoria. Chính phủ nói rằng số tiền này sẽ có được từ việc cắt giảm chi tiêu công và việc trưng thu thuế lụt. Khoản thuế trưng thu một lần này có thể gây được một phần ba ngân quỹ cho công cuộc phục hồi này.
Hội đồng doanh nghiệp Úc chống lại việc thu thuế. Thay vào đó, họ muốn chính phủ cắt giảm ngân sách nhiều hơn để trang trải công cuộc tái thiết.
Hội đồng doanh nghiệp, đại diện cho 100 công ty quan trọng nhất của Australia, nói rằng việc cắt giảm viện trợ cho nước ngoài là một phương cách hợp lý để giúp trang trải chi phí tái thiết.
Chủ tịch Hội đồng này, ông Graham Breadley, nói rằng một trong các lựa chọn là giảm thiểu các chương trình hỗ trợ giáo dục cho Indonesia.
Ông Breadley nói: "Tôi nghĩ rằng nhiều người Úc sẽ khá ngạc nhiên khi biết rằng gần 500 triệu đôla đang được chi tiêu cho các trường học Indonesia, nhưng tôi không nghĩ rằng việc tài trợ đó là một chi tiêu không tốt. Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn vào giá trị thật sự và mức độ quan trọng tương đối của nó so với các nhu cầu khác của chính phủ. Cho nên chúng tôi hoan nghênh việc duyệt lại toàn bộ chi tiêu về viện trợ để xem chi tiêu của chúng ta có đạt được giá trị đầy đủ hay không."
Hội đồng doanh nghiệp cũng đề nghị cắt giảm trợ cấp cho những người Australia bị mất năng lực làm việc.
Chính phủ Úc đang ra sức vận động để quốc hội chấp thuận dự luật về thuế lụt gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên những người chỉ trích nói rằng chính phủ nên hoặc là mượn tiền hoặc là cắt giảm chi tiêu nhiều hơn nữa.
Thủ tướng Julia Gillard bác bỏ lời kêu gọi cắt giảm viện trợ nước ngoài. Bà nói rằng Australia có nghĩa vụ giải quyết tình trạng nghèo khó và các nước đối tác trong khu vực được yên ổn và thịnh vượng là phù hợp với lợi ích của Australia.
Năm nay Australia sẽ cung cấp 4,3 tỉ đôla viện trợ phát triển chính thức, phần lớn tập trung vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, là nơi cư trú của hai phần ba số người nghèo khó nhất trên thế giới.
Trong vòng 5 năm, các giới chức cho biết ngân sách ngoại viện của Úc có thể lên tới 8 tỉ đôla. Australia cũng viện trợ cho châu Phi, các nước ở vùng biển Caribê, châu Mỹ La Tinh và Trung Đông. Viện trợ của Canberra dành cho châu Phi đã gia tăng trong mấy năm vừa qua và chiếm khoảng 5% tổng số ngân sách viện trợ của Australia.
Hội đồng doanh nghiệp Úc có nhiều ảnh hưởng, muốn chính phủ Úc cắt giảm viện trợ nước ngoài để giúp chi trả cho công cuộc tái thiết đất nước sau những trận lụt vừa qua. Hội đồng này nói rằng việc cắt giảm nên được thực hiện trước khi chính phủ áp dụng đạo luật thuế về lụt gây nhiều tranh cãi. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer gửi về bài tường thuật chi tiết sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1