Australia chi khoảng 5 tỷ đôla cho viện trợ nước ngoài mỗi năm. Con số đó dự kiến sẽ tăng lên 8 tỷ đôla trước năm 2016, tức khoảng 0,5% tổng thu nhập quốc gia của Australia.
Để bênh vực cho sự gia tăng của ngân khoản viện trợ nước ngoài, ông Rudd nói rằng bản chất của nước Australia không phải là “thờ ơ đối với những khó khăn của người khác.”
Tuy nhiên, đã có những cáo giác về gian lận lan tràn trong hệ thống viện trợ nước ngoài, mặc dù số liệu của chính phủ cho thấy cứ mỗi 1.000 đôla chi cho viện trợ chỉ có 21 cent bị cắt xén.
Vị bộ trưởng ngoại giao nói rằng sẽ có một nỗ lực mới nhằm cải thiện sự minh bạch trong ngân sách và việc thực thi mọi chương trình viện trợ, và cũng sẽ có một ủy ban độc lập đánh giá các hoạt động này.
Ông Rudd nói rằng những thay đổi lớn nhất sẽ là chấm dứt viện trợ tài chính trực tiếp cho Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Rudd nói: “Chính bản thân những nước này đã có những nền kinh tế lớn và đáng kể – một nước là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, còn nước kia là nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới. Nếu chúng ta tiếp tục hỗ trợ các chương trình tại những nước này, chúng ta sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các cơ chế đa phương.”
Australia sẽ tập trung khoảng 75% khoản chi cho các chương trình ở Đông Nam Á và các Đảo quốc Thái Bình Dương.
Các nước láng giềng được gọi là “mong manh” của nước này – như Đông Timor, Indonesia, Quần đảo Solomon và Papua New Guinea – sẽ là trọng tâm trong nỗ lực của chính phủ ở Canberra nhằm cổ vũ cho bình đẳng giới cũng như viện trợ khẩn cấp và nhân đạo.
Khoảng 11% ngân sách viện trợ sẽ tài trợ cho các chương trình ở châu Phi và Trung Đông.
Ông Rudd cũng muốn các tổ chức từ thiện và phi chính phủ đóng vai trò lớn hơn trong việc giảm nghèo đói ở các nước ngoài. Các tổ chức từ thiện và phe bảo thủ đối lập đã hoan nghênh việc duyệt xét lại chương trình viện trợ mà theo họ, chứng tỏ rằng sự hào phóng của Australia là cứu mạng sống ở những nước nghèo hơn.
Chính phủ Australia cho hay họ dự định sẽ chấm dứt viện trợ trực tiếp cho Trung Quốc và Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình cải cách toàn bộ ngân sách viện trợ nước ngoài của nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Kevin Rudd cũng muốn các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò tích cực hơn trong chương trình viện trợ. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1