Các khoa học gia tại Trung tâm Nghiên cứu các vỉa đá san hô của Australia, đặt cơ sở tại trường Đại học James Cook ở Queensland, báo cáo rằng những khu vực đá san hô rộng lớn đã bị huỷ diệt vì hiện tượng được gọi là tẩy trắng.
Nguyên do gây ra sự tẩy trắng đó là một luồng nước ấm lớn tràn vào Ấn Độ Dương hồi tháng 5. Tình trạng ấm hơn này khiến đá san hô làm rơi ra lớp rêu nuôi sống loại đá này. Nếu nguồn lương thực này không được tái tạo thì san hô sẽ chết vì thiếu ăn.
Các nhà khảo cứu nói rằng hiện tượng tẩy trắng đã làm hư hại các vỉa đá từ Indonesia cho đến quần đảo Seychelles, và cũng đã tác động đến san hô ở Miến Điện, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Sri Lanka.
Hậu quả có thể là việc mất đi các chủng loài cá và san hô, gây thiệt hại cho các công nghiệp cá và du lịch.
Ông Andrew Baird, một nhà khảo cứu tại trường Đại học James Cook ở Townsville, nói rằng vùng Aceh ở Indonesia đã bị tác động nặng nề nhất và ngư dân ở đó đứng trước sự tàn phá.
Ông Baird nói: “Họ đã quản lý các vỉa đá ở một số khu vực một cách rất hiệu quả, giữ cho san hô được lành mạnh và trữ lượng cá hợp lý. Thảm kịch là hiện tượng này có một quy mô rất lớn, khối nước ấm quá vĩ đại và ngư dân ở Aceh không có mấy biện pháp để đối phó. Tác động của họ đối với môi trường quá nhỏ và một lần nữa tôi nghĩ rằng nó nhấn mạnh đến sự cần thiết của các chính phủ như Australia phải có biện pháp mau chóng để ngăn chặn việc thải khí.”
Các vỉa đá san hô là nơi sinh cư của hàng ngàn chủng loài thuỷ sinh vật, mà chúng lại là thực phẩm nuôi sống các loài cá lớn hơn.
Lần chót xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô quan trọng là vào năm 1998, khi ấy có chừng 16 phần trăm các vỉa đá san hô trên thế giới bị xuống cấp trầm trọng. Các nhà khoa học Úc cảnh báo rằng nạn ô nhiễm do con người gây là nguyên do một phần của tình trạng đó.
Các loại khí có hiệu ứng nhà kính như carbon dioxide do việc đốt các nhiên liệu như dầu hỏa, bị cho là góp phần gây ra hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu.
Ông Baird nói rằng nhiệt độ ấm hơn ở đại dương “gần như chắc chắn là một hậu quả của tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.
Toán khảo cứu nói rằng hãy còn quá sớm để biết rõ liệu Vỉa đá Great Barrier của Úc, cấu trúc sinh vật lớn nhất thế giới, có bị hư hại hay không. Người ta trông đợi rằng việc tẩy trắng sẽ tác động đến các vỉa đá trong Biển Andanman, ở phía tây Thái Lan, và những vỉa đá ở trung bộ Thái Bình Dương.
Các nhà khảo cứu Úc nói rằng những vỉa đá san hô ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương đang bị hủy diệt vì tác động tẩy trắng trong hơn 1 thập niên. Họ cho rằng nguyên do một phần là sự ô nhiễm do con người gây ra và đã lập lại lời kêu gọi các chính phủ phải có thêm biện pháp để giảm thiểu việc thải khí có hiệu ứng nhà kính mà nhiều khoa học gia tin là đã gây ra tình trạng tăng nhiệt. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer ghi nhận thêm chi tiết.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1