Đám mây tro núi lửa này đã thổi đi 10.000 kilomét ngang qua Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, và bay qua nhiều khu vực ở phía nam Australia và New Zealand gây xáo trộn việc du hành của hàng ngàn người đi lại.
Ông Gordon Jackson, một nhà khí tượng học tại Trung tâm nghiên cứu tro núi lửa ở Darwin cho biết.
Ông Jackson nói: “Khối lượng tro chính bay ngang qua New Zealand ngày hôm qua và bay vào Thái bình Dương, nhưng vẫn còn những đám tro nhỏ tách ra tác động tới ngành hàng không của Australia.”
Mấy chục chuyến bay đã bị hủy bỏ trong hai ngày vừa qua, gây gián đoạn cho các chuyến bay giữa Australia và New Zealand, cũng như nhiều chuyến bay nội địa của cả hai nước.
Hãng hàng không quốc gia Qantas cho biết tất cả các chuyến bay đến và đi từ đảo Tasmania phía nam, và các chuyến bay tới New Zealand đều không cất cánh được trong ngày hôm nay.
Tuy nhiên nhiều hãng hàng không khác quyết định tiếp tục lại các chuyến bay. Hãng Virgin Australia cho biết họ tin là các chuyến bay tới thành phố Melbourne, Tasmania và New Zealand sẽ an toàn và cho biết thêm máy bay của công ty sẽ bay vòng quanh, hoặc phía dưới những đám tro.
Hãng Air New Zealand đã tiếp tục phục vụ hành khách các chuyến bay bằng cách đổi đường bay và cho máy bay bay ở độ cao thấp hơn để có thể hoàn toàn tránh khỏi những đám tro. Công ty này cho biết sẽ theo dõi sát các diễn biến.
Giáo sư Richard Arculus, một giáo sư Địa chất học tại Đại học quốc gia Úc tin là đám mây tro sẽ sớm bay trở lại hướng Nam Mỹ.
Ông Arculus nói: "Quý vị có thể thấy tro đang bay tới. Đám tro này đã bay suốt Đại Tây Dương ngang qua khu vực đại dương phía Nam, Ấn Độ Dương và gần như tự tạo thành một vòng tròn.”
Đám khói này sẽ hướng trở lại Nam Mỹ. Vì thế sẽ phải mất một vài hôm mới tan. Dĩ nhiên vấn đề đối với hành khách là độ dầy đặc của bụi tro trong mỗi mét khối là bao nhiêu, đó là điều khiến cho các hãng hàng không lo ngại.
Núi lửa Puyehue tại Chile đã phún xuất từ tuần trước, gây đảo lộn việc du hành bằng đường hàng không của Nam Mỹ khi tung những đám tro cao lên không trung.
Tại nước Argentina bên cạnh, tro bụi đã khiến nhiều đường lộ phải đóng cửa, phủ đầy những đồng cỏ cho gia súc và một khu vực trượt tuyết. Lịch trình các chuyến bay nội địa và quốc tế bị gián đoạn.
Năm ngoái, một ngọn núi lửa ở Iceland đã đưa một cuộn khói khổng lồ lên không trung ở nhiều khu vực Châu Âu, làm cho hơn 100.000 máy bay không cất cánh được vì các giới chức sợ rằng những hạt tro li ti có thể làm hư các động cơ phản lực.
Hồi tháng 11, núi lửa Merapi của Indonesia phun lửa cũng khiến cho mấy chục chuyến bay bị hủy bỏ.
Một đám mây tro núi lửa từ Chile thổi tới đã khiến hàng ngàn hành khách bị kẹt tại Australia và New Zealand sang ngày thứ nhì. Gió mạnh đã thổi tro bay xa trên nửa vòng trái đất từ khi núi lửa Puyehue của Chile phun cách đây một tuần lễ. Từ Sydney, Thông tín viên VOA, Phil Mercer gửi về bài tường trình sau đây.