Đường dẫn truy cập

Các tiết lộ của Wikileaks đặt ra những vấn đề pháp lý mới cho ông Assange


Sáng lập viên WikiLeaks Julian Assange
Sáng lập viên WikiLeaks Julian Assange

Ông Julian Assange sinh quán ở Úc và là người sáng lập trang web WikiLeaks chuyên tiết lộ những bí mật, có thể bị truy tố tại Australia sau khi thêm 251,000 công điện ngoại giao mật của Hoa Kỳ lại được tung lên mạng hôm thứ Năm tuần trước. Các giới chức Úc đang xem xét các tài liệu để tìm những thông tin nhạy cảm về các cơ quan an ninh của Australia, theo bài tường trình của Thông tín viên VOA Phil Mercer từ Sydney.

Việc công bố khoảng 251,000 công điện ngoại giao Mỹ bao gồm những tên tuổi mà Australia coi là bí mật.

Theo các giới chức ở Canberra, có ít nhất một nhân viên tình báo được nêu tên, trong khi có 23 người hiện cư ngụ ở Australia có liên hệ với một giáo sĩ chủ chiến ở Yemen, cũng bị nhận diện. Những người này đã bác bỏ bất cứ liên hệ gì với các nhóm cực đoan.

Bộ trưởng Tư Pháp Australia Robert McClelland tin rằng cả hai trường hợp này có thể phương hại đến an ninh quốc gia, và đã khuyến cáo rằng sáng lập viên WikiLeaks, Jullian Assange, một công dân Úc, có thể bị bắt giữ nếu ông về nước.

Văn phòng Bộ trưởng Tư Pháp Úc hôm nay cho hay là đang xem xét các tài liệu bị tiết lộ. Một người phát ngôn nói rằng trong khi chính phủ tin rằng luật pháp nước Úc đã bị vi phạm, hiện chưa rõ liệu ông Assange có sẽ bị truy tố ra các tòa án ở Australia hay không.

Trong khi WikiLeaks nhấn mạnh rằng không phải chỉ có một mình họ phải chịu trách nhiệm về vụ công bố ồ ạt các bản thảo công điện ngoại giao, ông Assange đã đáp lại những chỉ trích của Canberra trong một email gửi tới Hệ thống Truyền thông Australia, ABC, mà chúng ta nghe qua giọng đọc của một phóng viên Úc.

Trong email này, ông Assange nói Bộ trưởng Tư Pháp Australia Robert McCllelland than van về vụ bộ của ông bị bắt quả tang nói xấu 23 công dân Úc với đại sứ quán Hoa Kỳ, mà không thông qua các thủ tục pháp lý chính đáng. Ông Assange nói nếu Bộ trưởng McCllelland bất mãn vì đã bị bắt quả tang, thì có lẽ ông McClelland nên xét tới việc ngưng cấp hộ chiếu cho ông Assange thêm một lần nữa, bởi vì tài liệu này không mấy ích lợi gì trong thời gian 267 ngày ông bị câu lưu mà không bị buộc tội. Ông Assange còn mỉa mai rằng có lẽ tốt hơn cho mọi người, ông McClelland nên bỏ sổ hộ chiếu của ông, và tự trục xuất ra khỏi Australia.

Việc phổ biến các công điện ngoại giao Mỹ đã bị các báo chí từng ủng hộ WikiLeaks cực lực đả kích. Các nhóm bênh vực nhân quyền cũng tin rằng tổ chức này có thể lôi ra ánh sáng hàng ngàn người bị nhận diện trong tài liệu, khiến họ có nguy cơ bị bắt giữ hoặc tệ hơn nữa. Các tên tuổi bị tiết lộ gồm có những người cung cấp tin tức cho Mỹ trên khắp thế giới Ả rập, cũng như tại Afghanistan, Trung Quốc và Iran.

Tuy nhiên, WikiLeaks nhấn mạnh rằng không nên quy lỗi cho họ về việc công bố hàng loạt tài liệu chưa được biên tập. Tổ chức này tố cáo tờ The Guardian của Anh và một ký giả Anh đã cho phép mọi người tự do tiếp cận các tài liệu đó trên mạng, trong khi trước đây, các tài liệu này được bảo vệ bằng những mật khẩu.

Ông Assange hiện đang vận động để tránh bị dẫn độ từ Anh sang Thụy Điển, nơi nhà chức trách muốn thẩm vấn ông về những cáo trạng liên quan tới tội tấn công tình dục. Người đứng đầu tổ chức WikiLeaks nói những lời cáo buộc đó có động cơ chính trị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG