Đường dẫn truy cập

‘Tổng bí thư chỉ đạo vụ AVG’ có ẩn ý gì?


Cars are piled up by the water at a roundabout in the Belgian city of Verviers, after heavy rains and floods lashed western Europe.
Cars are piled up by the water at a roundabout in the Belgian city of Verviers, after heavy rains and floods lashed western Europe.

Cửa thoát của Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã bị hẹp lại đáng kể sau chỉ đạo ‘Bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng.

Chỉ đạo trên xuất hiện vào ngày 27/4/2018 khi ông Trọng chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng - để ‘thảo luận, cho ý kiến đối với Báo cáo về tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc và định hướng xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp 13 đến nay’.

Ai là trưởng ban?

Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng lại do người còn chưa trở thành ủy viên bộ chính trị là Phan Đình Trạc - Trưởng ban Nội chính trung ương - làm phó ban thường trực. Nhưng mối nguy hiểm lớn nhất dành cho các quan chức tham nhũng và đối thủ chính trị là chính Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng. Mà những vụ án tham nhũng đã bị trực tiếp tổng bí thư xem xét chỉ đạo thì đương nhiên bị xếp vào loại trọng án.

Theo thông lệ, những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng hoặc thất thoát có giá trị từ hàng ngàn tỷ đồng trở lên thường thuộc cơ chế theo dõi và chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương. Chẳng hạn, 13 dự án đầu tư ngàn tỷ nhưng trùm mềm của Bộ Công thương thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã dần có mặt trong ‘danh sách đen’ của ban này.

Từ giữa năm 2017 đến nay, vai trò của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng mới thật sự nổi bật, bên cạnh Ủy ban Kiểm tra trung ương của Trần Quốc Vượng - nhân vật mà vào đầu năm 2018 đã được đôn lên Thường trực ban bí thư và về thực chất đã trở thành quan chức có quyền lực đứng thứ hai chỉ sau Tổng bí thư Trọng.

Trong khi Ủy ban Kiểm tra trung ương và Bộ Công an thực hiện kiểm tra và điều tra từng vụ việc tham nhũng đơn lẻ, Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương có vai trò như một đầu mối tổng hợp các vụ án, tiến độ kiểm tra các vụ việc để tham mưu cho tổng bí thư.

Vào ngày 8 tháng Mười Hai năm 2017, Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương cũng đã họp một cuộc quan trọng với sự chủ trì của Tổng bí thư Trọng. Đến chiều thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội của ông Đinh La Thăng. Sau đó xuất hiện tin chính thức về Thăng phải tra tay vào còng.

Cũng kể từ thời điểm trên, những cuộc họp của Tổng bí thư Trọng với Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương đã thường mang tính tín hiệu cho một quan điểm và hành động quyết đoán và quyết liệt hơn trong ‘đốt lò’.

Nếu cuộc họp của Nguyễn Phú Trọng với Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương vào ngày 8 tháng Mười Hai năm 2017 phát ra thông điệp lần đầu tiên ông Trọng chính thức dùng bộ máy đảng để ‘khiển công an’, theo cách mà Tập Cận Bình đã làm được từ năm 2013 sau khi bắt giam Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang và ‘thay máu’ bộ này, cho đến nay vai trò và kể cả quyền lực của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương đã có phần nhỉnh hơn Bộ Công an Việt Nam khi đang dần trùm ản hưởng của các quyết định của ban này lên nhiều tỉnh thành.

Trọng án và nặng án

Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông vào thời đó là Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7000 tỷ. Còn Trương Minh Tuấn cũng bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi ông này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son.

Chỉ đạo mới đây của ông Trọng về ‘bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ khiến toát lộ ít nhất hai vấn đề:

- Trước chỉ đạo trên, vụ ‘Mobifone mua AVG’ chưa được xếp vào ‘diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’, tức những ‘nghi can’ trong vụ này vẫn còn cửa thoát. Đó cũng là khoảng thời gian xảy ra những động tác bi kịch xen hài kịch trong nội bộ đảng Cộng sản: ngay sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’, Bộ trưởng thông tin Trương Minh Tuấn đã ‘nhảy nhổm’ và làm văn bản phản bác kết luận thanh tra này, gửi cho các báo nhà nước như một cách ‘chỉ đạo đăng’. Nhưng nhân vật bộ trưởng thường tỏ ra ‘kiên định cộng sản’ và sẵn sàng bịt miệng báo chí phản biện đã bị một vố cay đắng: chính những tờ báo nhà nước đã lạnh lùng gỡ văn bản phản bác kết luận thanh tra của Trương Minh Tuấn chỉ sau vài giờ đồng hồ đăng tải.

Cũng vào thời gian trên, có tin cho rằng Trương Minh Tuấn đã tận dụng khoảng thời gian vài tuần lễ quý giá trên để ‘chạy án’. Không biết thông tin này có cơ sở đến mức độ nào, chỉ biết rằng Trương Minh Tuấn có vẻ đã ‘được cho’ xuất hiện trở lại trên cương vị Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông khi ông ta được chủ trì cuộc họp quản lý báo chí của bộ này cùng vài cuộc họp không quan trọng khác.

Trong khi đó, Nguyễn Bắc Son có vẻ biết thân biết phận hơn - không xuất hiện, không trả lời báo chí và cũng không công khai thanh minh.

- Chỉ đạo ‘bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ của ông Trọng đã gần như chung quyết về về vụ AVG sẽ thành án và sẽ được khởi tố điều tra.

4 ngày trước chỉ đạo trên, đã diễn ra cuộc bàn giao chính thức hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra Chính phủ và C46 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm của Bộ Công an) vào ngày 23/4/2018, sau một thời gian dường như bị kéo dài bởi những tranh cãi mang quan điểm khác xa nhau trong nội bộ đảng và nội bộ các cơ quan chấp pháp.

Mặc dù sau khi công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’ với đợt hoàn tiền đầu tiên là 2500 tỷ đồng, nhưng động tác này đã bị nhiều ý kiến cho là ‘chạy tội’.

Mới đây, đã xuất hiện một quan điểm trong nội bộ đảng: ‘tiền phải trả lại, còn án vẫn làm’.

‘Bài học kinh nghiệm’ gần nhất là vụ Đinh La Thăng. Tại phiên tòa xử vụ 800 tỷ mất trắng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi ở Ngân hàng Oacean Bank, Đinh La Thăng dù đã bị tòa tuyên phải bồi thường 600 tỷ đồng nhưng vẫn bị giáng cho cái án tù giam đến 18 năm.

Ai sẽ được ‘mời ngủ lại’ như Đinh La Thăng?

Xét theo logic đó, cơ hội để Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn ‘hạ cánh an toàn’ - tức ‘bị cách mọi chức vụ’ hoặc ‘luân chuyển cán bộ’ - là ít hẳn so với trước khi có chỉ đạo ‘bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ của ông Trọng. Tức triển vọng để hai nhân vật này ‘theo chân’ Đinh La Thăng là sáng sủa hơn bao giờ hết.

Những ngày gần đây, Nguyễn Phú Trọng đã công khai bày tỏ thái độ sốt ruột và bực tức trước tốc độ “chống tham nhũng” được các cơ quan triển khai như rùa bò.

Ngày 10/4/2018, ông Trọng đã lần đầu tiên công khai thái độ bực tức và sốt ruột với phát ngôn “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”.

Đến giờ này, đã hình thành một quy luật: thời điểm và mức độ sử dụng động từ mạnh của Nguyễn Phú Trọng thường kéo theo gần như ngay lập tức một cuộn khói mới và hầm hập trong “lò” của ông.

Khoảng thời gian từ lúc phát ra động từ “dẹp” trong phát ngôn trên cho đến vụ bắt tướng tình báo công an Phan Hữu Tuấn liên đới vụ Vũ ‘Nhôm’ chỉ có một tuần lễ.

Với vụ ‘Mobifone mua AVG’, vấn đề còn lại là Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an là sẽ khởi tố vụ này trước hay sau Hội nghị trung ương 7 của đảng cầm quyền - dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng Năm năm 2018.

Nhưng với những dấu hiệu và biểu hiện cho thấy ông Trọng đang ngày càng tỏ ra cương quyết với cả ‘phe ta’, và trong thực tế sẽ buộc phải ‘làm thịt’ một số nhân vật trong ‘phe ta’ chứ không chỉ là ‘phe củi’ để chiến dịch ‘đốt lò’ có tính khách quan và công bằng hơn, cảnh sắc bắt bớ cấp ủy viên trung ương sau Hội nghị trung ương 7 sẽ tái hiện hình ảnh Đinh La Thăng bất ngờ được cảnh sát mời ‘ngủ lại’ mà không thể đi đảo Cát Bà dự họp lớp vào tháng Mười Hai năm 2017.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG