Nhà lãnh đạo bị lật đổ của Myanmar, Aung San Suu Kyi, vừa ra tòa hôm 14/6 và trông có vẻ không được khỏe khi các nhân chứng đầu tiên đứng ra chống lại bà vì sở hữu trái phép các máy bộ đàm và phá vỡ quy định về COVID-19, Reuters dẫn lời luật sư của bà cho biết.
Bà Suu Kyi, 75 tuổi, phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc kể từ khi bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 1/2, cắt ngắn một thập niên cải cách dân chủ dự kiến và khiến cho đất nước Đông Nam Á rơi vào hỗn loạn.
“Bà Aung San Suu Kyi có vẻ không khỏe lắm. Nhưng trong suốt phiên điều trần, bà có vẻ khá quan tâm và chú ý”, người đứng đầu nhóm pháp lý của bà, Khin Maung Zaw, cho biết trong một tuyên bố sau ngày ra toà.
Những người ủng hộ bà Suu Kyi nói rằng các cáo buộc có động cơ chính trị và được thiết kế để kết thúc cuộc đời chính trị của một người phụ nữ đã ủng hộ nền dân chủ trong nhiều thập niên trong thời các chính quyền quân sự trước đây, và phần lớn thời gian bà bị quản thúc tại gia.
Khôi nguyên Nobel Hòa bình đã phải đối mặt với ba vụ án vào ngày 14/6 tại tòa án được xây dựng đặc biệt ở thủ đô Naypyidaw, nơi bà đã xuất hiện tại các phiên xử sơ bộ.
Hai trong số các vụ án là có liên quan đến việc sở hữu máy bộ đàm và một vụ theo Luật Quản lý Thiên tai vì vi phạm các quy định về COVID-19 trong lúc vận động cho cuộc bầu cử mà bà giành chiến thắng vào tháng 11 năm ngoái.
Bà cũng phải đối mặt với cáo buộc kích động - với các phiên xử được ấn định vào ngày 15/6 - và các cáo buộc nghiêm trọng hơn là vi phạm Luật Bí mật Quốc gia và Luật Chống tham nhũng.
Cựu Tổng thống Win Myint cũng phải đối mặt với cáo buộc vi phạm quy định COVID-19.
Thiếu tá cảnh sát Myint Naing đã bày tỏ lập trường chống lại ông và bà Suu Kyi. Thiếu tá cảnh sát Kyi Lin sau đó cũng làm chứng trong các vụ án về máy bộ đàm.
Phiên xử ngày 14/6 kéo dài hơn năm giờ.
Đội ngũ pháp lý của bà Suu Kyi phủ nhận mọi hành vi sai trái của bà và luật sư trưởng của bà, Khin Maung Zaw, gọi những cáo buộc tham nhũng gần đây nhất là “lố bịch”.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói trong một tuyên bố rằng những cáo buộc mà bà Suu Kyi phải đối mặt là “không có thật, và có động cơ chính trị” và “cần được bãi bỏ, đưa đến việc bà được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện”.
Quân đội nói rằng họ lên nắm quyền bằng vũ lực vì đảng của bà Suu Kyi thắng cử thông qua gian lận, một cáo buộc đã bị ủy ban bầu cử trước đó và các cơ quan giám sát quốc tế bác bỏ.