Quốc hội Myanmar đang lập ra một vai trò mới cho nhà lãnh đạo của đảng cầm quyền mới đắc cử, bà Aung San Suu Kyi.
Những nhà lập pháp hôm thứ Ba bỏ phiếu thành lập vị trí Cố vấn Nhà nước, thu hút sự chống đối từ những đại biểu của phe quân sự tại quốc hội. Quyết định đưa bà Aung San Suu Kyi lên làm nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước trên thực tế, được khởi xướng hồi tuần qua, là đạo luật đầu tiên của quốc hội mới.
Bà Aung San Suu Kyi, người trong suốt chiến dịch tranh cử nói rằng bà sẽ giữ một vị trí "cao hơn tổng thống," cũng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống. Bởi vì hai người con của bà là công dân nước ngoài, theo hiến pháp bà bị cấm trở thành tổng thống của Myanmar, còn được gọi là Miến Điện.
Những đại biểu phe quân sự, những người nắm 25% số ghế theo quy định của hiến pháp được soạn thảo bởi chính quyền quân sự cũ, nói rằng vị trí mới là vi hiến. Nhưng luật mới được thông qua một cách dễ dàng vì đa số quốc hội do đảng của bà Aung San Suu Kyi, Liên đoàn Dân chủ Toàn quốc, nắm giữ sau cuộc bầu cử gần đây vào cuối tháng 11 năm ngoái.
Dự luật này giờ phải được Tổng thống Htin Kyaw, một đồng minh thân cận của Suu Kyi, ký thành luật.
Ngoài ra hôm thứ Ba, bà Aung San Suu Kyi đã hội kiến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ông Vương chúc mừng đất nước về chính phủ dân sự mới được thành lập và hứa Trung Quốc sẽ theo đuổi những dự án có lợi cho cả hai nước.
Trung Quốc, một đồng minh của chính quyền quân sự cũ, đã bị chỉ trích vì theo đuổi những dự án bị cáo buộc là mang tính bóc lột và nguy hiểm đối với môi trường, chẳng hạn như một con đập khổng lồ ở vùng phía bắc, một đường ống dẫn khí đốt qua bang Rakhine, và những mỏ khoáng sản.
Trong một cuộc họp báo sau cuộc họp này, cả hai ngoại trưởng không ai cho biết là những chủ đề gây tranh cãi này có được thảo luận hay không.