Một ủy ban bầu cử thân Trung Quốc đã chọn bà Carrie Lam, một viên chức kỳ cựu, làm nữ đặc khu trưởng đầu tiên của Hồng Kông.
Uỷ ban này có 1.200 thành viên bao gồm các đại gia và các nhà lập pháp có quyền bầu chức đặc khu trưởng. Với quy chế này, hàng triệu người dân Hồng Kông không thể trực tiếp bỏ phiếu bầu lãnh đạo của họ.
Bà Lam, 59 tuổi, giành chiến thắng với 777 phiếu bầu. Chiến thắng của bà không gây ngạc nhiên vì Bắc Kinh đã vận động rất tích cực cho bà. Trước cuộc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật, bà là quan chức quan trọng thứ hai trong chính quyền Hồng Kông.
Các nhà hoạt động vì dân chủ lo lắng về chiến thắng của bà Lam và xu hướng thân Trung Quốc của bà. Họ nghi ngờ về sự can thiệp ngày càng tăng của Trung Quốc tại Hồng Kông và sợ mất đi chính sách "một quốc gia, hai hệ thống" của người Anh trước đây, một chính sách giúp Hồng Kông bảo đảm quyền tự do rộng khắp.
Hôm Chủ nhật, bà Lam nói rằng Hồng Kông "đang bị chia rẽ khá nghiêm trọng và tích tụ rất nhiều sự bất mãn". Bà nói rằng "ưu tiên của bà là hàn gắn sự chia rẽ.".
Các nhà phân tích chính trị nói rằng bà Lam cũng phải tìm cách khôi phục nền kinh tế Hồng Kông và giải quyết những bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng.
Anh Joshua Wong, một nhà hoạt động sinh viên nổi tiếng cho biết chiến thắng của Lam là "cơn ác mộng của Hồng Kông".
Anh Wong là một trong những nhà lãnh đạo các cuộc biểu tình của sinh viên năm 2014 đòi một nền dân chủ toàn diện, nói rằng "Về mặt lý thuyết, đặc khu trưởng là cầu nối giữa chính quyền trung ương và người dân Hồng Kông, nhưng bà Lam sẽ là một cây cầu bị nghiêng lệch". Anh nói rằng bà Lam "sẽ chỉ làm theo những gì Bắc Kinh muốn, và sẽ không phản ánh ý nguyện của người dân".
Cựu tổng trưởng tài chính John Tsang chỉ được 365 phiếu bầu, đứng vị trí thứ hai trong cuộc bầu cử lần thứ 4 của Hồng Kông kể từ khi Anh kết thúc quyền kiểm soát thuộc địa này.
Nhà lãnh đạo Hồng Kông hiện nay là ông Lương Chấn Anh. Ông Lương không tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.