Hôm nay, Ngoại trưởng Clinton ca ngợi Ấn Độ về việc giảm dần lượng dầu nhập khẩu từ Iran, và nói rằng các quyết định như thế tạo thế mạnh cho cộng đồng quốc tế để kéo chậm đà phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran.
Bà Clinton nói: “Tôi hoan nghênh tiến bộ Ấn Độ đang thực hiện để giảm thiểu lượng dầu mua của Iran và hy vọng nhìn thấy tiến bộ tiếp tục, bởi vì chúng tôi không tin rằng Iran sẽ trở lại bàn thương nghị trừ phi có áp lực không ngừng của các biện pháp chế tài quốc tế.”
Phát biểu với giới truyền thông bên cùng với bà Clinton trong một cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna thận trọng tránh mô tả việc giảm dầu nhập khẩu như một biện pháp trừng phạt Iran. Thay vì thế, ông lồng khung việc cắt giảm trong một quyết định theo hướng kinh doanh do giới quản trị công nghiệp dầu đề xướng.
Ông Krishna cho biết: “Xét về nhu cầu ngày càng tăng, điều tự nhiên đối với chúng tôi là tìm cách đa dạng hóa các nguồn nhập dầu khí để đáp ứng các mục tiêu an toàn năng lượng. Chung cuộc thì sự kiện này phản ánh quyết định mà các nhà máy lọc dầu đưa ra dựa vào các yếu tố kỹ thuật, tài chính và thương mại.”
Ấn Độ có một mối quan hệ phức tạp và nói chung là thuận lợi với Iran, dựa trên nhiều thế kỷ chia sẻ về văn hóa, tôn giáo và văn minh. Hôm nay, ngoại trưởng Krishna lập lại chính sách của Ấn Độ là Iran có quyền sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình, nhưng nhắc nhở Iran nên tôn trọng các nghĩa vụ theo Hiệp ước Cấm phổ biến Hạt nhân để đừng trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Clinton lập lại đề nghị của Hoa Kỳ treo giải thưởng 10 ởtriệu đôla cho ai cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt giữ nghi can khủng bố người Pakistan Hafiz Saeed, mà Washington cho là đóng một vai trò chính trong việc hoạch định các vụ tấn công gây chết người năm 2008 tại Mumbai. Saeed đang sống công khai ở Pakistan. Bà Clinton nói nhân dân Pakistan xứng đáng được có các nỗ lực chống khủng bố vững mạnh hơn của chính phủ Pakistan.
Bà Clinton nói: “Chúng tôi trông đợi chính phủ Pakistan có nhiều biện pháp hơn. Pakistan cần phải bảo đảm rằng lãnh thổ của mình không được dùng như các bệ phóng cho các vụ tấn công khủng bố ở bất cứ nơi nào kể cả bên trong Pakistan. Đó là vì người dân Pakistan phải được hưởng quyền đi chợ, hay đến nhà thờ, sống cuộc đời của mình và chúng ta cần phải có các nỗ lực vững mạnh và phối hợp nhiều hơn.”
Hai người đứng đầu ngành ngoại giao cũng thảo luận một điểm gai góc chính trong công cuộc hợp tác về năng lượng hạt nhân dân sự. Đó là một bộ luật mà Ấn Độ thông qua cách đây 2 năm đòi các công ty chế tạo thiết bị hạt nhân phải trả tiền bảo hiểm cao hơn trong trường hợp xảy ra tai nạn. Ông Krishna hứa sẽ giải quyết các khiếu nại của Hoa Kỳ cho rằng bộ luật này thiên vị thị trường Ấn Độ chống lại các công ty tư nhân Mỹ và bênh vực các công ty hạt nhân của các nước khác thuộc quyền sở hữu của chính phủ hay được trợ cấp nhiều.
Ông Krishna nói: “Tôi đã bảo đảm với bà ngoại trưởng về cam kết của Ấn Độ là cung cấp một sân chơi công bằng cho tất cả các công ty của Hoa Kỳ, trong khuôn khổ luật pháp quốc gia và các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của chúng tôi.”
Cuộc họp của các ngoại trưởng là tiền đề cho một diễn đàn sách lược dự trù diễn ra tại Washington vào tháng tới. Hai nước dự kiến sẽ tái khẳng định quan hệ đối tác về ổn định tại Afghanistan sau khi quân đội Hoa Kỳ rút đi vào năm 2014, và về các nỗ lực chung chống khủng bố.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã kết thúc chuyến thăm Ấn Độ bằng một cuộc thảo luận về nhiều vấn đề sách lược chung. Theo bài tường thuật từ New Delhi của thông tín viên VOA Kurt Achin, các cuộc thảo luận gồm các vấn đề từ dầu khí của Iran cho đến các nỗ lực chống khủng bố của Pakistan.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1