Đường dẫn truy cập

30/4: Hứa hẹn ngày ấy và bây giờ


Thành phố HCM đã phát triển mạnh sau 42 năm, đi kèm là những vấn đề về tệ nạn, ùn tắc, ô nhiễm (ảnh tư liệu, 18/11/2015)
Thành phố HCM đã phát triển mạnh sau 42 năm, đi kèm là những vấn đề về tệ nạn, ùn tắc, ô nhiễm (ảnh tư liệu, 18/11/2015)

Ngày 30/4/1975 đánh dấu sự kiện mà những người cộng sản Việt Nam và các ủng hộ viên gọi là “giải phóng miền nam, thống nhất đất nước”.

Để chiến thắng miền nam được Mỹ hậu thuẫn, cuộc chiến của những người từ miền bắc cần nguồn nhân lực khổng lồ. Để huy động nguồn lực này, miền bắc không chỉ dựa vào chuyên chế mà cả những biện pháp tuyên truyền.

Dịch giả Phạm Nguyên Trường, 66 tuổi, quê ở Thái Nguyên, nhớ lại:

“Người ta thuyết phục là đế quốc Mỹ xâm lược miền nam Việt Nam và đồng bào miền nam của chúng ta bị đế quốc Mỹ xâm lược, đàn áp các thứ. Lúc ấy tôi ở miền bắc mà. Cho nên là nhân dân miền bắc phải đóng góp việc giải phóng miền nam. Theo tôi hiểu thì cái chính nó là như thế, còn tất nhiên những cái bên dưới nó là ‘xóa bỏ chế độ người bóc lột người’, rồi xây dựng chế độ ‘tươi đẹp’ như ở miền bắc”.

Xã hội “tươi đẹp” mà Đảng Cộng sản hứa hẹn với nhân dân là một đất nước công bằng, không có kẻ giàu người nghèo, không còn nạn người bóc lột người, không có ăn mày, trộm cướp, mại dâm, nghiện ngập, và thất nghiệp.

thành phố HCM vào cuối tháng 4 năm 2015, 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc (ảnh tư liệu)
thành phố HCM vào cuối tháng 4 năm 2015, 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc (ảnh tư liệu)

Những viễn cảnh quá ư tốt đẹp này, thông qua tuyên truyền, đã là một phần động lực quan trọng về tinh thần để hàng triệu người dấn thân vào cuộc chiến khốc liệt, kết thúc bằng ngày 30/4/1975.

Nhiều sách báo, tác phẩm văn nghệ vẫn còn lưu lại những lời hứa hẹn này. Doanh nhân Lê Đình Hùng, sinh năm 1973, hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, nói:

“Những sáng tác của các nghệ sĩ hoặc rất nhiều thành phần của Việt Nam trong thời kỳ đó, hay những bộ phim như ‘Mối tình đầu’, hay là ‘Mùa gió chướng’ hay các bộ phim lớn của Việt Nam thì đều nói như vậy. Hay những tác phẩm báo chí bây giờ vẫn còn lưu trên internet. Và tôi cũng có đọc được rất nhiều những thông tin như vậy”.

Không lâu sau ngày chịu sự kiểm soát của chính quyền cộng sản, người miền nam “làm quen” với hai khái niệm mới là “sở hữu tập thể” và “chuyên chính vô sản”. Kể từ đó, chất lượng cuộc sống đã xuống dốc khác xa so với chính mức sống cũ, chưa nói đến những lời hứa tốt đẹp.

Dịch giả Phạm Nguyên Trường, hiện sống ở Vũng Tàu, diễn giải:

“Xã hội khi dựa vào sở hữu tập thể và chuyên chính vô sản thì sở hữu tập thể chỉ làm cho người ta ngày một gian dối hơn. Sở hữu tập thể làm cho xã hội băng hoại một cách rất nghiêm trọng. Đồng thời cái chuyên chính vô sản nó lại dành cho một số người những quyền mà ở một xã hội bình thường họ không thể có được. Họ có thể làm những điều không nằm trong những quy định nào của luật pháp mà sau đó họ cũng chẳng chịu trách nhiệm gì cả. Vì vậy, theo tôi hiểu thì xã hội đã xuống cấp một cách rất nghiêm trọng, kể cả miền bắc lẫn miền nam”.

Luật sư Trần Quốc Thuận, một cán bộ quốc hội đã nghỉ hưu ở Tp.HCM, mô tả tóm tắt về tình hình cách đây hơn 40 năm:

“Trong cương lĩnh của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nói là khuyến khích sản xuất công nông nghiệp, nhưng mà sau đó thì cải tạo công thương nghiệp dẫn đến hậu quả như chúng ta biết là nền kinh tế bị tê liệt và bao nhiêu người phải bỏ đất nước ra đi. Tình trạng kéo dài rồi sau đó may mà có đổi mới nên có phát triển lại”.

Cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam, thường được gọi tắt là “đổi mới”, bắt đầu từ năm 1986, 11 năm sau ngày bắc-nam thống nhất.

Sau nhiều sai lầm về điều hành kinh tế và những bất lợi về địa chính trị khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường, mặc dù nhà nước vẫn kiểm soát một số lĩnh vực trọng yếu.

Đất nước chúng tôi được phát triển một cách vượt bậc. Dân giàu lên trông thấy. Ngay thủ đô Hà Nội không còn có đất mà để ô tô ấy chứ. Nhiều thành phố lớn nhà cao tầng mọc lên nhiều lắm ... Những thành quả sau hơn 40 năm thống nhất đất nước so với trước đã vượt bậc lắm rồi
Cựu đại tá công an Đinh Đình Phú

Sau hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức tài chính quốc tế đánh giá là có tốc độ tăng trưởng vào hàng nhanh nhất ở châu Á và trên thế giới.

Trong giai đoạn 1991 đến 2016, tăng trưởng trung bình đạt gần 7%/năm. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người năm 1991 là 188 đôla, thuộc nhóm nước nghèo nhất. Con số này của năm 2016 đã tăng gần 11 lần, đạt 2.050 đôla, đưa Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.

Đại tá công an về hưu Đinh Đình Phú ở Hải Phòng nói về sự phát triển kinh tế này:

“Đất nước chúng tôi được phát triển một cách vượt bậc. Dân giàu lên trông thấy. Ngay thủ đô Hà Nội không còn có đất mà để ô tô ấy chứ. Nhiều thành phố lớn nhà cao tầng mọc lên nhiều lắm. Hải Phòng chúng tôi đang phát triển. Nông thôn mới bây giờ đang ngày càng giàu có. Xã hội rất là văn minh. Những thành quả sau hơn 40 năm thống nhất đất nước so với trước đã vượt bậc lắm rồi”.

Khi chúng ta không so sánh Việt Nam với các nước khác, thì chúng ta thấy Việt Nam rất là tốt, rất là đẹp, rất là phát triển, rất là tuyệt vời. Khoảng 20 năm trở lại đây, tôi đi hầu như các nước trên thế giới thì thấy rõ ràng Việt Nam còn hạn chế về nhiều mặt. Các mặt còn rất là yếu kém so với các nước phát triển, về văn hóa, kinh tế, chính trị ...
Doanh nhân Lê Đình Hùng

Tuy nhiên, luật sư Trần Quốc Thuận và doanh nhân Lê Đình Hùng cho rằng để đánh giá sự tiến bộ, không nên chỉ so hiện tại với quá khứ của bản thân Việt Nam mà cần có sự so sánh rộng hơn.

Ông Thuận, người có hơn 40 năm tuổi đảng, cho rằng điều đáng suy nghĩ là dù Việt Nam đã tăng trưởng mạnh, song trong cùng khoảng thời gian hơn 4 thập kỷ, nhiều nước khác, kể cả đa số các nước láng giềng, đã đạt được những thành tựu to lớn hơn.

Ông Hùng, chủ Công ty vàng bạc đá quý Cửu Long, đưa ra ý kiến:

“Khi chúng ta không so sánh Việt Nam với các nước khác, thì chúng ta thấy Việt Nam rất là tốt, rất là đẹp, rất là phát triển, rất là tuyệt vời. Khoảng 20 năm trở lại đây, tôi đi hầu như các nước trên thế giới thì thấy rõ ràng Việt Nam còn hạn chế về nhiều mặt. Các mặt còn rất là yếu kém so với các nước phát triển, về văn hóa, kinh tế, chính trị. Những người lãnh đạo hay nói lấy cột mốc biến thành một Thượng Hải, biến thành một Singapore, rồi biến thành hòn ngọc Viễn Đông. Tức là những cái điều mà cho thấy rằng đảng, nhà nước, chính phủ, đặc biệt là nhân dân đã cố hết sức nhưng rõ ràng sự phát triển của Việt Nam vẫn có một khoảng cách khá xa với mặt bằng chung của những nước ASEAN hoặc những nước văn minh phát triển hàng đầu”.

Điều khiến nhiều người Việt trăn trở là sự thịnh vượng tăng lên sau 42 năm có mang lại xã hội tươi đẹp, công bằng cho tất cả mọi người như những lời hứa trong quá khứ của Đảng cộng sản? Ông Trần Quốc Thuận nhận xét:

“Nhiều người giàu có, nhưng nhiều lúc không giải thích được tại sao họ giàu kinh khủng thế. Mà nhất là cái nạn tham nhũng, cái nạn hà hiếp nhân dân ngày càng xấu. Bao nhiêu nghị quyết của đảng về chống tham nhũng thì tham nhũng ngày càng lớn. Lúc đầu thì mấy triệu [đồng], rồi sau mấy trăm triệu, giờ là mấy tỉ, lên đến hàng trăm hàng ngàn tỉ [đồng]. Niềm tin của nhân dân tin vào người lãnh đạo, người cầm quyền, tin vào đảng là nó sa sút nghiêm trọng”.

Trong nhiều diễn đàn mạng xã hội, nhiều ý kiến “bất bình”, “nhức nhối” vì bất công ngày càng tăng, chênh lệch giàu nghèo mỗi lúc một nới rộng, nạn người bóc lột người, trộm cướp, mại dâm, nghiện ngập, thất nghiệp không những không bị xóa bỏ mà dường như còn nặng nề hơn xưa.

Dân số tăng lên nhiều trong khi công ăn việc làm không được tạo ra tương xứng khiến nhiều người tìm cách đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài để có nguồn sống, đa phần là các công việc vất vả, nặng nhọc.

Nguy cơ đói nghèo đẩy nhiều phụ nữ đến chỗ lấy chồng ngoại quốc hoặc làm gái mại dâm cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài.

Đầu năm 2016, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính Việt Nam có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó có nhiều phụ nữ hoạt động ở các nước trong vùng. Việt Nam nói con số trong hồ sơ quản lý được là hơn 11.000 người bán dâm ở 63 tỉnh thành.

Trong gần 10 năm trở lại đây, con số phụ nữ Việt lấy chồng ngoại với mục đích ‘đổi đời’ ước tính khoảng 100.000 người mỗi năm. Cô dâu Việt thường kết hôn với người Hàn Quốc, Đài Loan và gần đây ngày càng nhiều người lấy chồng Trung Quốc, khi mức sống của nước láng giếng phương bắc đã gấp 4 lần Việt Nam, theo các con số chính thức.

Cuộc khủng hoảng này muốn giải quyết nó thì phải trở lại với những cái thế giới hiện nay người ta đang làm. Tức là xã hội dân chủ, tự do. Trong đó có đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập. Rồi thì nhà nước không can thiệp, không áp đặt hệ tư tưởng vào hệ thống giáo dục. Tóm lại, sự độc quyền của Đảng Cộng sản hiện nay chính là nguyên nhân chính gây ra những cái tệ nạn mà chúng ta đang thấy hiện nay
Dịch giả Phạm Nguyên Trường

Về lao động xuất khẩu, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2016, có hơn 126 nghìn người làm việc ở 29 quốc gia, kể cả ở các nước Bắc Phi lẫn Lào và Campuchia, hai nước láng giềng thường được coi là không phát triển bằng Việt Nam. Số người Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở các nước láng giềng được ước tính cũng lên đến hàng vạn người.

Cựu đại tá công an Đinh Đình Phú, người từng đấu tranh chống tham nhũng đất đai, tỏ ra bình tĩnh trước tất cả những thông tin này:

“Bây giờ không ai dùng cái từ ‘người bóc lột người’. Tại vì đã là kinh tế thị trường, người nào có tài thì người đấy có tiền. Thế còn kinh tế thị trường tất nhiên là cái giàu nghèo, những cái tiêu cực là hai mặt của vấn đề. Nhà nước phải khắc phục cái đó. Thế giới bây giờ là mái nhà chung rồi, cái quyền tự do của người lao động, nơi nào người ta thu nhập cao thì nhà nước này sẵn sàng cho họ đi, cho họ làm. Tiền cao hơn họ lại gửi về xây dựng quê hương đất nước, xây dựng gia đình. Còn trong cặn bã của xã hội thì có những cái thế lực bảo thủ, lạc hậu tác động từ bên ngoài vào thì tránh làm sao khỏi những cái tiêu cực xã hội được. Cái đó là đương nhiên thôi”.

Nhưng doanh nhân Lê Đình Hùng lại thấy lo ngại:

“Nếu nói về mặt xã hội, về mặt bất công, chúng ta có quá nhiều vấn đề đã xảy ra. Những sự bất công đó đã và đang làm cho xã hội biến đổi, biến dạng, xung đột, mâu thuẫn. Sau cuộc cách mạng internet, công nghệ là nền tảng kết nối, nó xóa nhòa mọi ranh giới, người dân có cơ hội mở mang tầm mắt của mình. Nó làm cho người dân hiểu được vấn nạn của xã hội, của đất nước, của dân tộc, đã và đang là một trong những cái bức xúc mà người ta đang đấu tranh để đòi lại cái quyền lợi của mình”.

Dịch giả Phạm Nguyên Trường thậm chí đánh giá bi quan hơn. Ông cho rằng hàng chục năm áp dụng các chính sách chính trị, kinh tế, giáo dục đầy những khiếm khuyết đã đưa Việt Nam đến tình trạng mà ông gọi là “cuộc khủng hoảng toàn diện”.

Ông nói:

“Cuộc khủng hoảng này muốn giải quyết nó thì phải trở lại với những cái thế giới hiện nay người ta đang làm. Tức là xã hội dân chủ, tự do. Trong đó có đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập. Rồi thì nhà nước không can thiệp, không áp đặt hệ tư tưởng vào hệ thống giáo dục. Tóm lại, sự độc quyền của Đảng Cộng sản hiện nay chính là nguyên nhân chính gây ra những cái tệ nạn mà chúng ta đang thấy hiện nay”.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của internet, doanh nhân Lê Đình Hùng tin rằng theo thời gian, người dân biết cách tác động để chính quyền thay đổi và cải thiện tình hình:

“Chính người dân sẽ nhờ vào khoa học công nghệ, internet để điều chỉnh và làm áp lực cho chính quyền, cho chính phủ, cho nhà nước, để buộc họ đi theo sự văn minh tiến bộ, đó là tự do dân chủ trong tương lai”.

một góc khác của TpHCM (ảnh tư liệu, tháng 3/2012)
một góc khác của TpHCM (ảnh tư liệu, tháng 3/2012)

42 năm đã qua, những người cộng sản đã thực hiện được lời hứa ‘thống nhất đất nước,’ nhưng đối với nhiều người dân, lời hứa về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, không có tệ nạn vẫn còn cách xa thực tế cả một khoảng cách lớn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG