Bà Aung San Suu Kyi chưa hề rời khỏi Miến Điện kể từ năm 1988, là năm mà bà từ London về nước để thăm người mẹ đang đau yếu. Không lâu sau đó bà trở thành người lãnh đạo phong trào đòi dân chủ của sinh viên. Cuộc nổi dậy bị quân đội đàn áp dã man, và người phụ nữ mảnh dẻ này đã được thế giới biết đến như một biểu tượng của nỗ lực dân chủ hóa Miến Điện.
Vì lo ngại sẽ không được phép trở về nước một lần nữa, nên từ đó tới nay bà Suu Kyi tiếp tục ở lại Miến Điện và không chịu ra nước ngoài ngay cả lúc chồng bà sắp qua đời ở Anh vì bệnh ung thư. Tuy nhiên, sau khi giàng được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội bổ túc hồi đầu tháng này, bà Suu Kyi dường như sắp sửa phá bỏ lệnh cấm du hành mà bà tự áp đặt cho mình.
Ông Svein Michelsen, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết bà Suu Kyi dự định đến thăm nước ông vào tháng 6.
Ông Michelsen nói: "Điều mà tôi có thể xác nhận là Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy đã nói chuyện với bà Aung San Suu Kyi hôm chủ nhật vừa qua, và họ đã thảo luận về những kế hoạch để bà đến thăm Na Uy. Và giờ đây chúng tôi đang chuẩn bị đón tiếp bà vào tháng 6. Nhưng dĩ nhiên chúng tôi rất nôn nóng muốn thấy bà đến thăm Na Uy."
Bà Suu Kyi, theo dự liệu, cũng sẽ đến thăm Anh quốc, nơi hai người con trai của bà hiện đang sinh sống và cũng là nơi bà đã gặp ông Michael Aris, người chồng quá cố của bà. Tuần trước bà cho biết bà đã thảo luận về việc đi thăm nước Anh với ông David Cameron, vị Thủ tướng Anh đã đến thăm bà tại Rangoon.
Nhưng phát ngôn viên của Liên minh Dân chủ Toàn quốc, ông Nyo Myint, cho biết Na Uy là nước đầu tiên m bà Suu Kyi muốn đến thăm.
Ông Nyo Mynt giải thích như sau: "Lý do là vì bà ấy thật sự rất cảm kích sự ủng hộ của Na Uy cho công cuộc dân chủ hóa Miến Điện. Và dĩ nhiên là bà ấy cũng đã đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991. Vì vậy cho nên bà ấy muốn du hành tới đó."
Khi bà Suu Kyi đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991, bà đang bị quản thúc tại gia ở Rangoon. Tuy lệnh quản thúc không cấm bà thực hiện những chuyến du hành ra nước ngoài, bà đã từ chối không chịu đích thân đến nhận giải vì e rằng bà sẽ bị buộc phải sống lưu vong.
Và vì thế cho nên bà đã không thể đọc bài diễn văn nhận giải Nobel, một việc mà ông Sigrid Langebrekke của Viện Nobel nói là lẽ ra đã được thực hiện từ lâu.
Ông Langebrekke nói: "Chúng tôi đang bàn tới tuần lễ bắt đầu từ ngày 25 của tháng 6. Nhưng chúng tôi chưa có ngày giờ chính xác và chúng tôi chưa nhận được sự xác nhận của chính bà Suu Kyi. Chúng tôi đã mời bà nhiều lần và bà nói rằng nước đầu tiên mà bà sẽ đến thăm là Na Uy, bà sẽ tới Na Uy và sẽ đọc bài diễn văn nhận giải Nobel."
Bà Aung San Suu Kyi và các đồng minh chính trị của bà dự kiến sẽ chính thức tham gia chính phủ Miến Điện vào tuần sau, khi họ bắt đầu nhận chức đại biểu quốc hội vào ngày 23 tháng tư. Sau đó, Liên minh Dân chủ Toàn quốc sẽ trở thành đảng đối lập chính trong quốc hội vẫn nằm dưới sự kiểm soát các đảng phái do quân đội hậu thuẫn.
Lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi sắp du hành nước ngoài
- Danielle Bernstein
Lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi chuẩn bị thực hiện chuyến du hành nước ngoài đầu tiên trong vòng 24 năm. Từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên Danielle Bernstein cho biết người phụ nữ đoạt giải Nobel hòa bình này sẽ đến Na Uy vào tháng 6.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1