Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sẽ ra tòa ngay sau Tết Nguyên đán cùng với 85 bị cáo khác trong vụ án kinh tế lớn nhất lịch sử Việt Nam liên quan đến rút ruột ngân hàng SCB, theo thông báo từ Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh được báo chí trong nước dẫn lại.
Bà Lan, can phạm chính trong vụ án, bị Viện kiểm sát truy tố về 3 tội danh là ‘Đưa hối lộ’, ‘Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng’ và ‘Tham ô tài sản’ với khung hình phạt lên đến tử hình. Bà đã bị bắt hồi đầu tháng 10/2022 và bị tạm giam để điều tra từ đó đến nay.
Ngoài ra, nữ chủ tịch này còn bị truy tố về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ liên quan đến việc phát hành trái phiếu rác nhằm chiếm đoạt trên 1 tỷ đô la của hàng chục ngàn nạn nhân trên khắp cả nước. Tuy nhiên, vụ án này đã được tách ra để điều tra và sẽ được xét xử riêng.
Chánh Tòa hình sự thuộc Tòa án Nhân dân Tp.HCM – thẩm phán Phạm Lương Toản – đã được chỉ định làm quan tòa xét xử vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm này. Hiện tòa đang gấp rút chuẩn bị nhân sự và an ninh cho phiên tòa, trang mạng VnExpress dẫn lời ông Phạm Ngọc Duy, chánh văn phòng tòa án, cho biết.
Tòa án này cũng mở phòng riêng được bảo vệ cẩn mật làm nơi chứa tài liệu của vụ án, mà theo lời ông Duy nói với báo chí, ‘có gần 2.500 tập, đóng trong 104 thùng với khối lượng nặng 6 tấn cùng khoảng 1 triệu bút lục’.
Ông Duy cho hay căn phòng này được lắp đặt camera giám sát cùng hệ thống phòng cháy chữa cháy để đảm bảo an toàn.
Chưa đầy một tuần sau khi bà Lan bị bắt hồi năm 2022, đã xảy ra một vụ cháy tại tòa nhà Vạn Thịnh Phát nằm trên đường Nguyễn Huệ, Quận 1. Tuy nhiên vụ cháy đã nhanh chóng được dập tắt và không có thiệt hại đáng kể.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát được truyền thông trong nước trích dẫn, bà Lan bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng của ngân hàng SCB mà bà nắm giữ đến 91,5% cổ phần trong tổng số hơn 1 triệu tỷ đồng mà ngân hàng này đã cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty con trong hệ sinh thái của tập đoàn này vay.
Cùng ra tòa với bà Lan là 85 bị cáo, trong đó có các cán bộ của các cơ quan Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước, cùng 45 người là lãnh đạo, quan chức của SCB qua các thời kỳ. Những người này bị truy tố về các tội danh ‘Tham ô tài sản’, ‘Nhận hối lộ’, ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’, ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng’.
Vụ án Vạn Thịnh Phát là đại án trọng điểm thuộc diện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Trong các phiên họp trước đây, cơ quan này cho biết sẽ sớm đưa vụ án này ra xét xử.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VOA qua các diễn đàn của các nạn nhân SCB, hơn 40.000 nạn nhân bị dính vào vụ lừa đảo trái phiếu của bà Lan thông qua ngân hàng SCB vẫn đang mòn mỏi chờ lấy lại được tài sản đã bị mắc kẹt trong vụ án trong gần hai năm qua. Họ đang mong chờ Tòa đưa vụ án ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ của bà Lan ra xét xử nhưng hiện giờ vẫn chưa rõ đến khi nào vụ án này mới được điều tra xong và đưa ra xét xử.
Bộ Công an vào cuối tháng trước cho biết họ đã chuyển sang giai đoạn 2 của đại án Vạn Thịnh Phát và xác định được rằng bà Lan đã sử dụng hàng trăm nghìn tỷ đồng để “rửa tiền” thông qua bất động sản và chuyển ra nước ngoài. Bộ này nói họ đang tích cực mở rộng điều tra và sẽ sớm thông báo kết quả.
Diễn đàn