Đường dẫn truy cập

Bắc Kinh, Đài Bắc tìm cách tăng cường quan hệ trước cuộc bầu cử tổng thống


Chủ tịch Quốc Dân Đảng Chu Lập Luân gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 4/5/2015.
Chủ tịch Quốc Dân Đảng Chu Lập Luân gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 4/5/2015.

Các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Đài Loan và Trung Quốc hôm nay gặp nhau lần đầu tiên trong vòng 6 năm và tiến hành các cuộc thảo luận mà các nhà phân tích nói là để tranh thủ sự ủng hộ cho Quốc Dân Đảng đương quyền ở Đài Loan trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Theo tường thuật của thông tín viên Bill Ide của đài VOA tại Bắc Kinh, thông điệp chính của Chủ tịch Quốc Dân Đảng Chu Lập Luân gởi tới Trung Quốc là gia tăng các cơ hội kinh tế cho thế hệ trẻ ở Đài Loan.

Chuyến viếng thăm Trung Quốc lần đầu tiên của ông Chu Lập Luân là một chuyến đi quan trọng. Chẳng những đây là lần đầu tiên trong vòng 6 năm các nhà lãnh đạo của hai đảng đương quyền gặp nhau, mà bởi vì ông Chu là người rất có thể sẽ trở thành ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Đài Loan.

Ông Chu tới Trung Quốc hôm thứ bảy để thực hiện chuyến viếng thăm trong 3 ngày. Chuyến đi bao gồm những cuộc gặp gỡ với các giới chức cấp cao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tham dự một cuộc hội thảo giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản, và những cuộc thảo luận có tính chất thân mật với các học giả và sinh viên tại các trường đại học ở Bắc Kinh và Thượng Hải.

Hôm nay, khi gặp Tổng bí thư Tập Cận Bình, ông Chu đã tái khẳng định sự ủng hộ của đảng ông đối với việc Đài Loan và Trung Quốc rốt cuộc sẽ tái thống nhất, một lập trường then chốt đã giúp cho hai đảng cựu thù này có thể gặp nhau. Ông Chu cũng hô hào cho sự tham gia nhiều hơn của Đài Loan vào những nỗ lực nhằm thúc đẩy cho sự hợp nhất khu vực.

Ông Chu Lập Luân nói rằng thế hệ trẻ ở Đài Loan hy vọng thấy được sự thăng tiến của hoà bình khu vực, bất kể là việc đó có được nhờ những hành động nào và do tổ chức nào thực hiện. Ông cho biết trong những nỗ lực thăng tiến sự hợp nhất kinh tế khu vực có Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á châu do Trung Quốc thành lập và kế hoạch “một vòng đai, một con đường” do Bắc Kinh khởi xướng.

Trong chuyến viếng thăm, ông Chu đã lập lại yêu cầu của Đài Loan xin gia nhập ngân hàng cơ sở hạ tầng có số vốn nhiều tỉ đô la của Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và họ có những mối quan tâm về việc Đài Loan gia nhập ngân hàng này với một danh xưng có thể bao hàm ý nghĩa Đài Loan là một nước độc lập.

Trong cuộc gặp gỡ hôm nay, ông Tập Cận Bình cam kết thực hiện thêm những nỗ lực để mang lại lợi ích cho dân chúng Đài Loan, kể cả việc dành cho Đài Loan những sự ưu đãi trong lúc Trung Quốc tiếp tục mở cửa nền kinh tế của mình.

Ông Tập cũng nói với ông Chu rằng đôi bên nên giải quyết các sự khác biệt chính trị bằng cách tổ chức những cuộc thảo luận trên cơ sở bình đẳng. Nhưng ông nói thêm rằng những cuộc thảo luận như vậy chỉ có thể diễn ra với điều kiện Đài Loan chấp nhận đảo này là một phần của Trung Quốc.

Phe Cộng Sản đã đánh bại phe Quốc Dân Đảng năm 1949 trong cuộc nội chiến, khiến họ phải chạy sang Đài Loan. Cuộc họp hôm nay giữa các nhà lãnh đạo của hai đảng là cuộc họp thứ ba kể từ năm 1949 và là cuộc họp đầu tiên từ năm 2009.

Cuộc gặp gỡ diễn ra vào một thời điểm cực kỳ quan trọng đối với Quốc Dân Đảng, khi sự ủng hộ chính trị của dân chúng ở Đài Loan đối với họ bị tuột giốc trong lúc họ tăng cường các mối quan hệ với Trung Quốc.

Ông Trịnh Vũ Thạc, giáo sư môn chính trị của Đại học Thành phố Hồng Kông, cho biết mặc dù chuyến đi có những mối rủi ro cho ông Chu và cho Quốc Dân Đảng, nhưng Trung Quốc có phần chắc sẽ tìm kiếm những cách thức để ủng hộ cho đảng cựu thù này.

"Quốc Dân Đảng chắc chắn có thể nhận được những sự hỗ trợ nào đó từ mối quan hệ với Trung Quốc, và trong trường hợp cá biệt này, việc Đài Loan gia nhập Ngân hàng Cơ sở Hạ tầng Á châu có thể là một sự nhượng bộ mà Trung Quốc sẽ dành cho Đài Loan."

Từ khi giành lại quyền chấp chính qua cuộc bầu cử năm 2008, Quốc Dân Đảng đã đặt ưu tiên cho việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc và từ đó tới nay hai bên đã ký kết với nhau nhiều hiệp định kinh tế.

Nhưng một cuộc phản kháng qui mô lớn do sinh viên dẫn đầu hồi năm ngoái, với cao điểm là việc chiếm cứ trụ sở quốc hội để phản đối một hiệp định thương mại với Trung Quốc, đã động viên những cử tri trẻ tuổi ở Đài Loan và nêu lên nhiều câu hỏi về vấn đề lợi, hại của việc siết chặt quan hệ với Bắc Kinh.

Không lâu sau phong trào phản kháng đó, Quốc Dân Đảng đã bị đại bại trong các cuộc bầu cử chính quyền địa phương và bị mất 8 ghế thị trưởng và huyện trưởng, kể cả thủ đô Đài Bắc, vốn là căn cứ chính của Quốc Dân Đảng.

Đảng đương quyền này hiện giờ vẫn chưa chọn ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống. Nhưng nhiều người cho rằng ông Chu Lập Luân là người có cơ hội tốt nhất để giành được thắng lợi. Ông Chu năm ngoái đã tái đắc cử chức vụ thị trưởng Tân Bắc, thành phố lớn nhất Đài Loan. Ông tuyên bố sẽ không rời bỏ chức vụ này để ra tranh cử tổng thống.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG