Đường dẫn truy cập

Bắc Kinh – Phnom Penh: Bẫy nợ và chiến lược cân bằng


Hun Sen và Tập Cận Bình trong cuộc hội kiến tại Bắc Kinh năm 2019. (Madoka Ikegami/Pool via Reuters)
Hun Sen và Tập Cận Bình trong cuộc hội kiến tại Bắc Kinh năm 2019. (Madoka Ikegami/Pool via Reuters)

Sự thật trong bang giao Campuchia – Trung Quốc những năm gần đây vẫn cần giải mã tiếp. Đặc biệt là chuyến thăm cấp cao lần thứ hai (từ 9 đến 11/2) trong vòng ba năm trở lại đây của Thủ tướng Hun Sen sang “đại quốc”.

Hai chuyến thăm cùng bối cảnh

Theo TTXVN, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Campuchia thăm Trung Quốc từ ngày 9 – 11/2 nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác giữa hai nước. Chuyến thăm Bắc Kinh lần này được chính ông Hun Sen tiết lộ khá sớm, trước đây gần một tháng, vào ngày 14/1/2023, tại cuộc gặp thường niên giữa Thủ tướng nước này với giới truyền thông bản địa. Như vậy là hai nước đã có chuẩn bị khá sớm và khá kỹ lưỡng cho lần gặp cấp cao này. Bên cạnh những nội dung sáo mòn cũ theo quy định của lễ tân trong những dịp như thế này, giới thạo tin bên trong và bên ngoài CPC còn đặt ra nhiều nghi vấn với các bình luận, cảnh báo xoay quanh thời điểm và những mục tiêu không được công bố minh bạch trong chuyến công du đang diễn ra. Đặc biệt là những mục tiêu tìm nguồn viện trợ mới cho các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của CPC và tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo Bắc Kinh đối với kế hoạch chuyển giao quyền lực cho tướng Hun Magnet, trưởng nam của Thủ tướng. Giới quan sát cho rằng, Hun Magnet tuy là một tướng được đào tạo từ Mỹ nhưng con người lại thuộc về Trung Quốc. (Bài viết trên SCMP: Hun Manet, Cambodia’s leader in waiting: US military-educated, but China’s man?) Chuyến thăm lần này gợi nhớ lại chuyến thăm cách đây ba năm của hai cha con Hun Sen và Hun Magnet, hồi tháng 2/2020. Lúc bấy giờ hai cha con Hun Sen thăm Trung Quốc giữa bối cảnh mọi người đều né tránh Bắc Kinh do lo sợ dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở quốc gia này. Một sự trùng lặp chắc chắn không ngẫu nhiên, việc công bố đến thăm Trung Quốc lần này của ông Hun Sen cũng đúng vào thời điểm Trung Quốc lại tái bùng phát Covid-19. Điều này thể hiện sự trung thành của Hun Sen và lãnh đạo CPC với Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Quốc. Cả hai chuyến đi là một biểu tượng đáng giá cho tình hữu nghị với “người bạn thép” như ngôn ngữ báo chí và ngoại giao của Phnom Penh dành cho Bắc Kinh. Ông Hun Sen không dấu diếm, chọn thời điểm cho chuyến thăm lần này khi Hiệp định Thương mại Tự do Campuchia – Trung Quốc đã có hiệu lực, hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai nước đang được đẩy mạnh với các nội dung phong phú hơn.

Vào ngày 10/2, Samdech Techo Hun Sen gặp Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang. Samdech và Li Keqiang cùng đồng chủ tịch lễ ký kết 12 văn kiện quan trọng, bao gồm quan hệ hợp tác, chính trị, kinh tế, thương mại… và bảo đảm TQ sẽ là hậu phương vững chắc cho công tác phòng chống Covid-19 thông qua cung cấp vắc-xin và vật tư y tế. TQ cũng là trụ cột chính, giúp đảm bảo rằng CPC tuân thủ một chế độ chính trị trung lập và độc lập. Cũng trong ngày 10/2, ông Hun Sen sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội Nhân dân Lý Transhu. Sau các cuộc tiếp xúc, Tập Cận Bình sẽ mở tiệc chiêu đãi Thu tướng Hun Sen và phái đoàn cấp cao CPC. Hai nước cũng đang hướng đến kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao CPC – TQ, một hoạt động được đánh giá mang tính bước ngoặt lịch sử.

Xây dựng cộng đồng chung vận mệnh

Thông cáo báo chí có tiêu đề “Campuchia – Trung Quốc làm sâu sắc hơn nữa công cuộc xây dựng cộng đồng chung vận mệnh” khẳng định chuyến thăm đang diễn ra sẽ mở ra cơ hội để chính phhur hai nước tăng cường quan hệ hợp tác “đối tác chiến lược toàn diện”. Điều này được giới phân tích đánh giá là một thắng lợi vượt trội của Trung Quốc, vì chưa có mấy nước trong ASEAN lấy khẩu hiệu này làm sứ mệnh. Đáng chú ý, trong nội dung làm việc tại TQ của Thủ tướng Hun Sen. Theo trang foreignbrief.com, chuyến thăm TQ của ông Hun Sen diễn ra khi khoản nợ quá mức của CPC đối với TQ tiếp tục tăng lên hàng năm. Khoản nợ này của CPC đã vượt quá 10% GDP và ước tính khoảng 5,3 tỷ USD đang được đầu tư vào CPC như một phần của “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI). Hơn nữa, CPC là quốc gia sẵn sàng nhất trong tất cả các quốc gia thành viên ASEAN bày tỏ công khai liên kết với các lợi ích chiến lược của TQ.

Trong bối cảnh có thông tin cho rằng CPC có khả năng vay hơn 4 tỷ USD cho tuyến đường sắt cao tốc, các nhà quan sát cho rằng sự phụ thuộc ngày càng tăng vào TQ có thể dẫn đến “bẫy nợ” với những hệ lụy kinh tế và địa-chính trị lâu dài. Theo Bộ Kinh tế và Tài chính CPC vào tháng 12/2022, nợ nước ngoài của CPC ở mức gần 10 tỷ USD, 41% trong số đó là nợ TQ. Sophal Ear, Phó Gsư tại Đại học Bang Arizona cho rằng con số này sẽ khiến CPC lo lắng. “[Hơn cả] mức nợ: CPC nên lo ngại về việc trở nên quá tập trung vào một chủ nợ: Trung Quốc,” Ear nói, đồng thời cho biết thêm rằng “điều đáng lo ngại” ở đây là một số dự án cơ sở hạ tầng do TQ xây dựng đã đổ vỡ. Năm 2019, một tòa nhà đang được xây dựng ở Sihanoukville bởi một công ty TQ đã sụp đổ khiến hơn 28 người thiệt mạng. Vào năm 2020, các nhà chức trách cho biết họ sẽ không công bố các tài liệu phê duyệt công việc xây dựng của một công ty TQ nếu công ty này không tuân theo các tiêu chuẩn xây dựng phù hợp như đã nêu trong hợp đồng.

Chiến lược “cân bằng” đang dở dang

CPC mong đợi tiền Trung Quốc sẽ được bơm nhiều hơn vào cỗ máy phát triển kinh tế của Vương quốc. Bắc Kinh dự kiến cấp vốn mới cho Phnom Penh để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối CPC với các điểm ở biên giới Thái Lan và Việt Nam. Ngược lại, Trung Quốc sẽ “lén lút” mở rộng phạm vi chiến lược của mình, với Căn cứ Hải quân Ream đi đầu, để chống lại chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Washington. Bunna Vann, đồng sáng lập The Thinker CPC, một diễn đàn quốc tế phân tích và bình luận kỹ thuật số về các vấn đề, cho biết chuyến đi của Hun Sen cũng được lên kế hoạch trước cuộc tổng tuyển cử của đất nước vào tháng 7/2023. Vann cho biết Hun Sen có thể sẽ tìm kiếm “sự đảm bảo chính trị từ Trung Quốc nếu các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu, đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng đối với chế độ, do cuộc đàn áp chính trị đối với các nhân vật và các nhà hoạt động đối lập”. Ông nói thêm rằng Hun Sen cũng sẽ cần sự hỗ trợ chính trị đáng kể từ Trung Quốc để đảm bảo quá trình chuyển giao chính trị suôn sẻ cho con trai ông Hun Manet, người hiện là phó Tổng tư lệnh quân đội.

Vào tháng 12/2022, Hun Sen đã cùng đi Đại sứ Hoa Kỳ Patrick Murphy trong một chuyến thị sát được truyền thông mô tả là “cử chỉ hiếm hoi” nhằm để cải thiện mối quan hệ giữa CPC và Hoa Kỳ, nhờ sự ủng hộ của Phnom Penh dành cho Ukraine, chứ không ủng hộ Nga trong cuộc chiến đang diễn ra. Washington thường cảnh báo CPC về mối quan hệ quân sự ngày càng tăng với Trung Quốc và thành tích nhân quyền tồi tệ của Phnom Penh, bao gồm các vụ bắt giữ và bỏ tù những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động chính trị và các chính trị gia đối lập. Abdul Rahman Yaacob, một nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc cho biết “chuyến thị sát chung hiếm hoi” giữa Hun Sen và Murphy có thể gây ra một số lo ngại ở Bắc Kinh. Ông nói: “Chuyến thị sát cùng Đại sứ Mỹ có thể báo hiệu cho TQ rằng, Hun Sen có các lựa chọn khác, nếu quan hệ với TQ không mang lại lợi ích kinh tế như mong đợi,” đồng thời cho biết thêm, Hun Sen đang chơi trò “cân bằng” trong việc đối phó với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Vẫn theo Yaacob, mặc dù CPC dựa vào TQ để đáp ứng nhiều nhu cầu quốc phòng và hiện đại hóa năng lực hàng hải, nhưng điều này không có nghĩa là nước này đang xích lại quá gần Trung Quốc về mặt quân sự. Ông Yaacob cho biết: “CPC hiểu rõ sự cần thiết phải thận trọng trong việc phát triển quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Trung Quốc, vì nước láng giềng kế bên của họ, Việt Nam, đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Chỉ ra việc CPC phản đối các đề xuất cụ thể của TQ trong các cuộc thảo luận về việc nâng cấp căn cứ Hải quân Ream, Abdul Rahman Yaacob nói thêm rằng, Phnom Penh muốn có nhiều đối tác an ninh nước ngoài hơn. CPC hiện cũng kẹt giữa cuộc đụng độ Mỹ - Trung về các căn cứ ở Biển Đông. Ông nói thêm: “Vấn đề là liệu những đối tác nước ngoài này có ý chí và khả năng thúc đẩy quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với CPC hay không”. Norén-Nilsson, Giảng viên cao cấp và Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Đông và Đông Nam Á tại Đại học Lund của Thụy Điển cho biết, CPC đã đa dạng hóa hơn nữa chính sách đối ngoại của mình bằng cách tăng cường quan hệ với Nhật Bản và có lập trường khác với Trung Quốc về cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

  • 16x9 Image

    Trần Đông A

    Trần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Các bài viết của Trần Đông A là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG