Bắc Triều Tiên hôm thứ Sáu tuyên bố đã thử nghiệm thành công vụ thử hạt nhân “mạnh nhất từ trước tới giờ” và là vụ thứ hai trong năm nay. Sự kiện này diễn ra sau những vụ phóng phi đạn mới nhất mà nước này thực hiện vào đầu tuần này, thu hút sự chú ý tới nguồn tài chính mà họ huy động được trong những năm qua để chi tiêu cho chương trình hạt nhân và phi đạn tốn kém.
Bắc Triều Tiên đã chi gần 100 triệu đôla cho hơn 30 vụ thử nghiệm phi đạn kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011, tăng gần gấp đôi số lượng phi đạn được bắn trong 18 năm trước đó, khi người cha Kim Jong Il còn cai trị đất nước.
Nhật báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc ước tính chi phí của những phi đạn này một phần dựa trên điều mà tờ báo nói là mức giá mà những nước vùng Trung Đông đã chi trả để mua những vũ khí này.
Suốt hai thập kỷ qua, Bắc Triều Tiên được cho là đã bán hàng trăm phi đạn, vật liệu và công nghệ cho Ai Cập, Iran, Libya, Pakistan, Syria, Liên hiệp Các Tiểu Vương quốc Ả-Rập, và Yemen.
Chế tài thất bại
Việc Bắc Triều Tiên có thể thực hiện nhiều vụ thử nghiệm phi đạn đặt ra nghi vấn về tính hữu hiệu của những biện pháp trừng phạt hà khắc mà Liên Hiệp Quốc áp đặt vào tháng 3, bao gồm một lệnh cấm vận vũ khí toàn bộ và những hạn chế về việc bán nhiên liệu hàng không, cũng được sử dụng để phóng hỏa tiễn.
Ông Boo Hyeong-wook, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết Bình Nhưỡng đang mua những phụ tùng phi đạn thay thế nhờ việc thi hành lỏng lẻo những chế tài và nhờ những đối tác quốc tế sẵn lòng giúp đỡ.
Ông Boo cho biết: "Như truyền thông Ấn Độ đưa tin hồi tháng 6, Pakistan khi đó đang cung cấp nhiều phụ tùng cần thiết để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt cho Bắc Triều Tiên thông qua Trung Quốc. Vì thế trong tình hình này, tôi ngờ rằng Trung Quốc vẫn chưa tăng cường những biện pháp trừng phạt của mình đối với những phụ tùng mà Bắc Triều Tiên đang tìm cách có được."
Phi đạn Rodong hoặc Scud thường sử dụng nhiên liệu chứa dầu lửa chứ không phải nhiên liệu hàng không bị giới hạn. Ông Boo cho biết Bắc Triều Tiên đang sử dụng nguồn nhiên liệu được tích trữ cho những vụ thử nghiệm phi đạn hồi gần đây, và việc này có thể là một phần lý do vì sao chi phí nhiên liệu trong nước chưa tăng lên kể từ khi những biện pháp chế tài được áp đặt.
Thông điệp G-20
Chi phí ước tính của ba phi đạn Rodong mà Bắc Triều Tiên phóng hôm thứ Hai (5 tháng 9) nằm trong khoảng từ 3 triệu tới 6 triệu đôla.
Những phi đạn đạn đạo tầm trung này của Bắc Triều Tiên bay một quãng đường 1.000km trước khi rơi vào vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản. Những vụ phóng này đều bị Tokyo, Seoul và Washington lên án là một sự vi phạm nữa những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Hội đồng Bảo an hôm thứ Ba (6 tháng 9) đã mạnh mẽ lên án những vụ phóng này, nói rằng chúng góp phần vào việc Bình Nhưỡng phát triển những hệ thống vận chuyển vũ khí hạt nhân và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Không có chỉ dấu cho thấy những vụ phóng hôm thứ Hai được tiến hành để thẩm định những cải tiến kỹ thuật mới hoặc năng lực, như mục đích của một số vụ thử nghiệm hồi gần đây.
Thay vào đó, những nhà phân tích nhận định rằng chính quyền Kim Jong Un muốn làm suy yếu bất kỳ cuộc thảo luận nào về an ninh khu vực có thể diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G-20 của những nền kinh tế lớn nhất thế giới, diễn ra tại Trung Quốc và có sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga.
Ông Ahn Chan-il, một người đào tị và là nhà phân tích thuộc Viện Thế giới Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul, cho biết:
"Tôi nghĩ rằng Bắc Triều Tiên cố gửi đi một thông điệp nói rằng ‘Các người đừng trông mong hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trong khi phớt lờ chúng tôi, chúng tôi mới là nước sẽ khởi xướng bất kỳ nền hòa bình nào trên bán đảo Triều Tiên."
Hệ thống THAAD
Sau khi Bắc Triều Tiên phóng phi đạn hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan tránh thực hiện bất cứ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng lên tiếng phản đối việc hệ thống phi đạn Phòng thủ Khu vực Cao độ Giai đoạn Cuối (THAAD) của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc, trong những cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.
Theo Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc, ông Tập nói xử lý không tốt vấn đề THAAD "không có lợi cho sự ổn định chiến lược trong khu vực và có thể khiến tranh chấp gia tăng cường độ."
Bắc Kinh trước đây đã nêu lo ngại rằng radar cường độ mạnh của hệ thống phòng thủ phi đạn này của Mỹ sẽ được sử dụng để thâm nhập lãnh thổ Trung Quốc.
Trong cuộc hội kiến giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Hàn, bà Park đã tìm cách trấn an ông Tập rằng hệ thống THAAD sẽ chỉ tập trung vào những mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên, và nói thêm rằng nếu những "mối đe dọa này bị loại trừ thì sẽ không còn nhu cầu triển khai hệ thống THAAD nữa."