Đường dẫn truy cập

Châu Á chia rẽ về các vụ phóng thử phi đạn của Bắc Triều Tiên


Một người đàn ông đang theo dõi chương trình tin tức đưa tin về vụ phóng rocket của Bắc Triều Tiên, nhà ga Seoul, Hàn Quốc, ngày 28/4/2016.
Một người đàn ông đang theo dõi chương trình tin tức đưa tin về vụ phóng rocket của Bắc Triều Tiên, nhà ga Seoul, Hàn Quốc, ngày 28/4/2016.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn chưa nhất trí về cách nên đáp ứng như thế nào trước những vụ thử nghiệm phi đạn ngày càng có tính khiêu khích hơn của Bắc Triều Tiên, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục đối mặt với những sự chống đối ở trong và ngoài nước vì chính phủ hai nước này theo đuổi các chính sách quân sự quyết liệt hơn.

Ngày hôm qua, theo yêu cầu của Nhật Bản và Hoa Kỳ, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã hội họp sau khi Bắc Triều Tiên phóng đi hai phi đạn sớm hơn trong cùng ngày. Hai phi đạn này đã rơi xuống trong hay gần các vùng biển do Nhật Bản kiểm soát.

Đại sứ Nhật tại Liên Hiệp Quốc Koro Bessho nói với các phóng viên: “Đây chắc chắn là một vấn đề lớn đe dọa an ninh và sự an toàn của khu vực chúng ta.”

Ông Stephane Dujarric, Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói việc các vùng biển của Nhật Bản bị xâm nhập là điều “đang quan ngại sâu xa.”

Ông nói: “Theo tôi, ông Tổng thư ký sẽ nhắc lại lời kêu gọi, đòi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngưng bất cứ hành động nào loại này, những hoạt động mà theo ông rõ ràng không làm giảm bớt những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.”

Bắc Triều Tiên lại phóng phi đạn
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:01 0:00

Vào tháng 3 năm nay, Liên Hiệp Quốc đã áp đặt những biện pháp chế tài khắc nghiệt mới đối với Bắc Triều Tiên về vụ thử nghiệm hạt nhân thứ tư và một vụ phóng rocket tầm xa khác, là những hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, nghiêm cấm Bắc Triều Tiên không được phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo.

Đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hiệp Quốc Oh Joon nói Bắc Triều Tiên đã đáp trả các biện pháp chế tài của quốc tế, bằng cách thực hiện 13 vòng thử nghiệm phi đạn đạn đạo trong năm nay, phóng đi 29 loại rocket khác nhau.

Tuy nhiên phiên họp hôm qua của Hội đồng Bảo an không đạt được đồng thuận để áp đặt những biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power bày tỏ tin tưởng là Hội đồng Bảo an sẽ đưa ra một lời lên án gay gắt đối với Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Lưu Kết Nhất nói không nên làm gì khác vì như vậy chỉ làm tăng thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên mà thôi.

Đại sứ Power của Mỹ nói bất cứ ai tin rằng Bắc Triều Tiên thử nghiệm phi đạn là do bị khiêu khích bởi quyết định của Hàn Quốc cho triển khai một hệ thống phòng thủ phi đạn tiên tiến của Mỹ, là “không hiểu những gì diễn ra trong thực tế và không thấu hiểu lịch sử.”

Bà Power nói một mình Bắc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm vì đã nhiều lần phóng thử nghiệm phi đạn đạn đạo, và làm như vậy là vi phạm những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Trung Quốc chỉ trích việc triển khai hệ thống THAAD trên bán đảo Triều Tiên vì cho rằng động thái này làm tình hình an ninh của khu vực xấu đi.

Có quan ngại ngày càng tăng là sự chống đối của Bắc Kinh đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD có thể khiến Trung Quốc gia tăng mức độ ủng hộ đối với Bắc Triều Tiên và giảm các liên hệ kinh tế với Hàn Quốc.

Một số các nhà lập pháp thuộc đảng đối lập tại Seoul trong tuần này cũng đã lên tiếng chống lại hệ thống THAAD, nói rằng nguy cơ gây thù nghịch với Trung Quốc vượt trội các lợi ích của lá chắn phi đạn này.

Người Hàn Quốc biểu tình chống lá chắn phi đạn THAAD vì sợ bị phóng xạ
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:43 0:00

Vài giờ sau khi Bắc Triều Tiên phóng phi đạn, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bổ nhiệm một bộ trưởng quốc phòng gây nhiều tranh cãi trong một động thái có thể làm tăng thêm căng thẳng trong vùng.

Truyền thông Trung Quốc và Hàn Quốc đều xem bà Tomoni Inada, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản mới được bổ nhiệm, là một chính trị gia hữu khuynh, phủ nhận những hành động bạo tàn của Nhật Bản trong chiến tranh trước đây, kể cả bắt làm nô lệ tình dục hàng ngàn phụ nữ châu Á để phục vụ trong các động mại dâm dành cho lính Nhật.

Bà Inada thường xuyên viếng thăm Đền Yasukuni, đền thờ các tử sĩ Nhật trong đó có một số bị kết án là tội phạm chiến tranh.

Những quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc đã chịu đựng nhiều thống khổ dưới sự cai trị của Nhật Bản, cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo Tokyo viếng thăm đền Yasukuni để ủng hộ chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong quá khứ.

Vào năm 2011 bà Inada là một trong ba nhà lập pháp Nhật Bản bị từ chối nhập cảnh Hàn Quốc vì những người này đã có kế hoạch đi thăm các đảo nhỏ có tên Triều Tiên là Dokdo và tên Nhật Bản là Takeshima. Cả hai nước đều tuyên bố có chủ quyền trên những đảo nhỏ này.

Bộ trưởng Quốc phòng ủng hộ kế hoạch của Thủ tướng Abe duyệt xét lại Hiến pháp chủ hòa của nước này và gia tăng sức mạnh cho quân đội.

Bà Inada nói việc phóng phi đạn vào ngày hôm qua của Bắc Triều Tiên phản ánh một môi trường an ninh ngày càng tồi tệ.

Bà Tomomi Inada, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Nhật Bản.
Bà Tomomi Inada, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Nhật Bản.

Tuy nhiên việc bổ nhiệm bà có thể phương hại tới liên minh quân sự với Hàn Quốc và gây nguy hại cho các mối quan hệ với Trung Quốc. Những quan hệ này đã được cải thiện sau khi ông Abe công khai xin lỗi hồi năm ngoái về những hành động tàn bạo do quân đội Nhật Hoàng thực hiện trong Thế Chiến Thứ Hai.

Ông Hosaka Yuji, một nhà phân tích về Nhật Bản tại trường đại học Sejong ở Seoul nói: “Nếu tân bộ trưởng quốc phòng Nhật đưa ra những phát biểu gây xung đột với Hàn Quốc, thì sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực hợp tác giữa hai bên.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG