Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên tuyên bố ‘tình trạng tương tự như chiến tranh’ với miền Nam


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại một cuộc họp khẩn với Ban Quân ủy Trung ương ở Bình Nhưỡng.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại một cuộc họp khẩn với Ban Quân ủy Trung ương ở Bình Nhưỡng.

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã đặt quân đội nước này vào tình trạng báo động cao và tuyên bố “tình trạng tương tự như chiến tranh” ở các vùng tiền tuyến hôm 21/8 sau khi Bắc và Nam Triều Tiên bắn trọng pháo qua lại gần biên giới.

Theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên, tiếp theo một cuộc họp khẩn với ban quân ủy trung ương Bắc Triều Tiên, ông Kim nói các đơn vị tiền phương sẽ “đi vào tình trạng chiến tranh” bắt đầu từ 5 giờ chiều, giờ địa phương ngày thứ Sáu.

Bình Nhưỡng đã từng đưa ra những tuyên bố tương tự trước đây, kể cả trong những thời kỳ căng thẳng tăng cao vào năm 2010 và 2013. Trên nguyên tắc, hai nước vẫn ở trong tình trạng chiến tranh bởi lẽ lệnh hưu chiến kết thúc xung đột vào thập niên 1950 đã không trở thành một hòa ước.

Bạo động ngày hôm qua bắt đầu khi Bắc Triều Tiên pháo kích vào các vị trí quân sự của Nam Triều Tiên dọc theo biên giới phía tây. Miền Nam đã đáp lại bằng cách bắn đi mấy chục quả đại bác 155 ly nhắm vào miền Bắc.

Không có bên nào báo cáo thiệt hại hay thương vong vì đạn pháo phần lớn dường như rớt xuống dọc theo vùng phi quân sự 4 kilomet chia cách hai nước Triều Tiên.

Căng thẳng hai miền tăng cao

Quan hệ Nam - Bắc đã đặc biệt căng thẳng sau khi Seoul tố cáo Bình Nhưỡng cài những quả mìn đã phát nổ trong tháng này ở gần biên giới, làm 2 binh sĩ Nam Triều Tiên bị thương. Seoul đã đáp trả bằng cách tiếp tục phát đi những lời tuyên truyền chống miền Bắc bằng loa phóng thanh ở gần biên giới.

Hôm qua, miền Bắc cảnh báo sẽ tiến hành thêm các biện pháp quân sự nếu miền Nam không ngưng phát thanh trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Các giới chức Nam Triều Tiên nhấn mạnh rằng việc phát thanh sẽ tiếp tục.

Binh sĩ Nam Triều Tiên đứng gác tại một trạm kiểm soát dẫn tới làng đình chiến Panmunjom, nằm ở phía nam khu phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên hôm 21/8/2015
Binh sĩ Nam Triều Tiên đứng gác tại một trạm kiểm soát dẫn tới làng đình chiến Panmunjom, nằm ở phía nam khu phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên hôm 21/8/2015

Bắc Triều Tiên phủ nhận việc pháo kích. Nhưng các hành động khiêu khích của miền Bắc rất “rõ ràng”, theo lời phát ngôn viên Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Jeong Joon-hee.

Ông Jeong nói: “Sự phủ nhận có thể coi như một mưu toan lấy tay che mặt trời. Vì thế mà chúng tôi càng nghi ngờ về lòng thành thực của Bình Nhưỡng”.

Nhiều người trông đợi Bình Nhưỡng sẽ thực hiện lời đe dọa sẽ phát động một hình thức tấn công có giới hạn sau khi kỳ hạn 48 tiếng đồng hồ trôi qua vào ngày thứ Bảy.

Chuyên gia phân tích về Triều Tiên Daniel Pinkston thuộc Nhóm Khủng hoảng Kinh tế ở Seoul nói không bên nào cảm thấy có thể thoái lui, mà cũng không bên nào muốn có chiến tranh.

Ông Pinkston nói: “Tôi nghĩ cả hai bên đều muốn tránh một cuộc xung đột ở cường độ cao nhưng vẫn có khả năng tính toán sai hoặc vô tình leo thang”.

Hôm qua, Hoa Kỳ tỏ ý quan ngại về bạo động xuyên biên giới và các giới chức ở Washington nói họ đang theo dõi sát tình hình.

Hoa Kỳ kêu gọi tự chế

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao John Kirby tuyên bố những “hành vi khiêu khích” như thế của miền Bắc chỉ làm cho căng thẳng tăng cao hơn. Ông kêu gọi Bình Nhưỡng tự chế trước các hành động và lập luận đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực.

Căng thẳng diễn ra vào lúc các cuộc thao diễn hỗn hợp thường niên bắt đầu hôm thứ Hai và miền Bắc lên án là để chuẩn bị cho chiến tranh. Những cuộc tập trận này có sự tham gia của Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ và các nước đồng minh khác trong đó có Vương quốc Anh, Canada và Australia.

Ông Pinkston cho rằng sự hiện diện quân sự đa quốc trên bán đảo Triều Tiên có thể răn đe miền Bắc nhưng có cũng nhiều phần chắc sẽ có ảnh hưởng kiềm chế đối với miền Nam.

Ông Pinkston nói: “Các nước ấy không muốn bị mắc kẹt và lôi cuốn vào một cuộc xung đột quân sự chỉ vì một vài xô xát nhẹ và ít quả đại bác phóng qua vùng phi quân sự”.

Soeul nâng mức cảnh báo

Nam Triều Tiên đã đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng ở mức cao nhất, gọi là Jindogae 1, có nghĩa là nguy hiểm tức thời, có thể có tấn công hay xâm lược.

Hội đồng An ninh Quốc gia Nam Triều Tiên đã họp với Tổng thống Park Geun-hye về việc Bắc Triều Tiên pháo kích ở vùng biên giới. Hôm nay, bà Park đã đi thăm bản doanh của quân đoàn 3 ở phía Nam Seoul.

Hôm nay Nam Triều Tiên cũng hạn chế việc ra vào khu công nghiệp Kaesong, một liên doanh giữa hai nước nằm ngay biên giới phía Bắc.

Đây là vụ nổ súng qua lại đầu tiên giữa hai nước Triều Tiên kể từ tháng 10 năm ngoái, khi binh sĩ bắc Triều Tiên đến gần biên giới quân sự và không rút về sau khi miền Nam nổ súng cảnh báo, theo lời Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên khi đó. Các binh sĩ miền Bắc đã bắn trả trong cuộc nổ súng qua lại kéo dài 10 phút, mà không có thương vong.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG