Ban Tuyên giáo Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra chỉ thị yêu cầu tổ chức đảng của Bộ Giáo dục Đào tạo phải rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia tổ chức “Văn Đoàn Độc Lập” ra khỏi chương trình sách giáo khoa môn học ngữ văn mới.
Nhà văn Phạm Đình Trọng, một thành viên của Văn Đoàn Độc lập tại thành phố Hồ Chí Minh, nói với VOA rằng việc loại bỏ tác phẩm của các nhà văn tham gia Văn Đoàn Độc lập ra khỏi sách giáo khoa ngữ văn trong nhà trường là “việc làm nhỏ nhen, thiển cận và rất phi chính trị của những nhà chính trị cộng sản.”
“Đây là một quyết định của Ban Tuyên giáo, một việc làm nhỏ nhen, hẹp hòi và phi chính trị, vì một nền chính trị lành mạnh thì phải hướng đến nhân dân, hướng đến một nền văn hóa của nhân dân chứ không phải là của đảng phái, phe nhóm vì đó không phải là một chính trị chân chính.”
Đây là một quyết định của Ban Tuyên giáo, một việc làm nhỏ nhen, hẹp hòi và phi chính trị.Nhà văn Phạm Đình Trọng, thành viên của Văn Đoàn Độc Lập
Cựu nhà văn quân đội từng phục vụ dưới chế độ cộng sản nói thêm rằng quyết định này của lãnh đạo Ban Tuyên giáo là hành động “chống lại nhân dân, chống lại đất nước về văn hóa, làm méo mó, xấu xí, nghèo nàn gương mặt văn hóa đất nước với thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai.”
Trong tuần, trang Văn Việt, một diễn đàn của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập và trang facebook của nhà văn Nguyễn Quang Lập có đăng tải chỉ thị 4112 do Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông ký về việc “rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia Tổ chức ‘Văn Đoàn Độc lập’ ra khỏi Chương trình sách giáo khoa.”
Báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam cho biết vào tháng trước, hội này đã tổ chức cuộc Tọa đàm về chương trình sách giáo khoa ngữ văn mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành và xin ý kiến rộng rãi. Trong đó, Hội nhà văn Việt Nam cho rằng việc lựa chọn tác phẩm đưa vào sách giáo khoa “phải hết sức lưu ý đến tác giả,” từ “nhân cách” đến “văn cách.”
Nhà văn Phạm Đình Trọng nói rằng chỉ thị của Ban Tuyên giáo Trung ương là nhằm vào nhà văn Nguyên Ngọc, Trưởng ban Vận động Văn đoàn Độc lập.
“Tôi nghĩ rằng việc này nhằm vào Nguyên Ngọc bởi vì trong Văn Đoàn Độc Lập vì Nguyên Ngọc có nhiều tác phẩm trong sách giáo khoa nhất. Những tác phẩm của Nguyên Ngọc là những tác phẩm rất xứng đáng. Các tùy bút của Nguyên Ngọc thì sang sảng và đầy cảm hứng nghệ sĩ, đầy chất văn hóa. Rất xứng đáng để thế hệ trẻ học về nhân cách con người, học về lòng yêu nước, học về cảm ứng với cuộc sống hay những vấn đề của cuộc sống đặt ra.”
Tôi nghĩ rằng việc này nhằm vào Nguyên Ngọc bởi vì trong Văn Đoàn Độc Lập vì Nguyên Ngọc có nhiều tác phẩm trong sách giáo khoa nhất.Nhà văn Phạm Đình Trọng
VOA đã liên lạc với nhà văn Nguyên Ngọc nhưng chưa nhận được phản hồi.
Phản hồi trước quyết định của Ban Tuyên giáo, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết trong một bài viết cho Cali Today News: “Đây là hành động công kích chưa có tiền lệ của đảng cầm quyền nhắm vào nhà văn Nguyên Ngọc – người đang giữ cương vị “thủ lĩnh” của Ban vận động Văn Đoàn Độc Lập. Sau hành động này, có thể hiểu là những tác phẩm “Đất nước đứng lên” và “Rừng xà nu” trong sự nghiệp “chống Mỹ cứu nước” của ông Nguyên Ngọc sẽ không còn được nhìn thấy trong Sách giáo khoa môn học Ngữ văn mới.
Trên trang Facebook cá nhân, nhà văn Phạm Đình Trọng viết: “Rừng Xà Nu, Đường Chúng Ta Đi của nhà văn Nguyên Ngọc, chủ soái của Văn Đoàn Độc Lập là hào khí của một thời lịch sử bi tráng. Hào khí đó đã nâng một dân tộc đứng lên trong máu và nước mắt.”
Ông Phạm Đình Trọng nhận định thêm rằng một nền giáo dục cố tình “loại bỏ, ngăn chặn những tác phẩm văn chương đó, loại bỏ, ngăn chặn những tư cách nhà văn đó trong sách giáo khoa ngữ văn chỉ chứng tỏ đó là một nền giáo dục thấp kém, què quặt và độc tài.”
Nhà văn Nguyễn Quang Lập, một nhà văn không thuộc Văn đoàn độc lập, cũng không có tác phẩm trong sách giáo khoa, nhận định trên Facebook hôm 25/3 rằng ông lên tiếng trước quyết định của Ban Tuyên giáo Trung ương vì cho rằng đó là “chuyện nực cười và phi lý.”
Trong một diễn biến liên quan, vào tuần trước, nhà thơ Bùi Minh Quốc, một thành viên của Ban vận động Văn Đoàn Độc Lập nói với VOA rằng ông đã bị công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất hôm 20/3 cấm xuất cảnh sang Mỹ, vì lý do “an ninh.”
Ngay từ khi thành lập vào năm 2014, Ban vận động Văn Đoàn Độc Lập từng bị vu là tổ chức “phản động, do các thế lực thù địch giật dây”; các thành viên Ban vận động Văn Đoàn Độc Lập bị Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn Việt Nam xóa tên không cho tham dự đại hội Hội Nhà Văn Việt Nam.
Vào tháng 5/2015, nhà văn Nguyên Ngọc cùng khoảng 20 nhà văn, nhà thơ tại Việt Nam ra tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Người Việt, nhà văn Nguyên Ngọc nói ông “không coi văn học và nhà văn là công cụ của ai hết,” các thành viên Văn Đoàn Độc Lập đã “tập hợp những người cầm bút độc lập, sống, viết một cách độc lập và chịu trách nhiệm về cái viết của mình trước cuộc sống, trước đất nước và công chúng của mình.”
Từ khi thành lập cho đến nay, nhiều thành viên của Văn Đoàn Độc lập thường xuyên bị ngăn cản khi họ họp mặt hay tổ chức trao giải thưởng văn học hàng năm.