Thông cáo của chính phủ nói rằng gần 3 triệu công nhân ngành may sẽ được tăng lương gần gấp đôi từ 25 đôla lên 43 đôla được trông đợi sẽ làm an lòng các công nhân đã dẫn đầu nhiều tháng biểu tình đòi tăng lương.
Thế nhưng thông cáo đó đã dẫn tới thêm các cuộc biểu tình bạo động. Ngày hôm nay, một ngày sau khi chính phủ chính thức loan báo về khoản tăng lương, hàng ngàn công nhân đã phong tỏa các xa lộ và xe cộ giao thông ở thủ đô Dhaka. Họ ném đá vào các nhà máy may, và phá phách các tòa nhà. Cảnh sát chống bạo động đã sử dụng hơi cay và dùi cui để giải tán những người biểu tình.
Giới công nhân tức giận vì khoản tăng lương ở mức 80% thấp hơn so với mức tăng gần gấp 3 lần mà họ đòi hỏi. Họ cho biết mức lương mà chính phủ đề nghị vẫn còn quá thiếu hụt, và đang đòi một mức tăng cao hơn.
Bangladesh hiện có hơn 4.000 xí nghiệp may, nơi sản xuất quần áo cho các hãng lớn của phương Tây như Wal-Mart, và Zara.
Kinh tế gia Mustafizur Rahman, giám đốc Trung tâm Đối thoại Chính sách ở Dhaka, nói rằng chi phí sinh hoạt tăng cao trong 4 năm gần đây đã ảnh hưởng tới đời sống của công nhân.
Ông Rahman nói: "Lương thực tế của công nhân đã sụt bởi giá cả tăng vọt, và vì vậy họ có nhu cầu rất lớn. Những gì được đưa ra là thấp hơn đòi hỏi của họ, vì vậy vẫn còn sự bất mãn về phía họ.”
Ngành công nghiệp dệt may cho biết việc tăng lương ồ ạt sẽ khiến chi phí sản xuất tăng cao và khiến khả năng cạnh tranh của họ giảm sút.
Mức lương thấp đã giúp ngành công nghiệp này của Bangladesh cạnh tranh một cách hiệu quả với các nhà sản xuất hàng dệt may chính ở châu Á như Trung Quốc và Việt Nam.
Tuy nhiên nhiều người công nhận rằng mức lương của công quá thấp. Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Sheikh Hasina phát biểu trước quốc hội rằng tiền lương trong lĩnh vực này không những không đủ mà còn thiếu nhân đạo.
Chính phủ đã hy vọng việc tăng gần gấp đôi tiền lương sẽ cải thiện mọi chuyện.
Ngành dệt may của Bangladesh là nguồn thu nhập chính từ xuất khẩu của nước này và đã thu về 12 tỷ đôla trong năm ngoái.
Ngày hôm nay, hàng ngàn công nhân ngành dệt may Bangladesh đã phong tỏa các đường phố và đập phá các tòa nhà ở thủ đô Dhaka sau khi mức tăng lương mà chính phủ đề nghị gần đây không đáp ứng đúng yêu sách của họ. Theo tường trình của thông tín viên Anjana Pasricha, các công nhân ngành may của nước này nằm trong số những công nhân may được trả lương thấp nhất thế giới.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1