Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina hôm thứ Hai đến dự lễ tưởng niệm 20 con tin và 2 cảnh sát viên thiệt mạng trong vụ một nhà hàng hạng sang ở Dhaka bị những kẻ hiếu chiến tấn công hôm thứ Sáu.
Tại lễ trưởng niệm có treo cờ và đại sứ của các nước có nạn nhân trong vụ tấn công này đến dự, bao gồm Ấn Ðộ, Italia, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Thủ tướng Hasina thăm hỏi các gia đình các nạn nhân.
Tang lễ được cử hành vào ngày thứ hai của hai ngày quốc tang.
Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công, nhưng chưa có liên hệ trực tiếp nào với nhóm cực đoan này được xác nhận, và các giới chức chính phủ bác bỏ việc Nhà nước Hồi giáo liên quan trong vụ này.
Bộ trưởng Nội vụ hôm Chủ nhật nói rằng những kẻ tấn công hoàn toàn không có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo. Bộ trưởng Asaduzzaman Khan ngược lại nói rằng những kẻ thánh chiến Hồi giáo này là thành viên của một nhóm hiếu chiến trong nước Jumatul Mujahedeen Bangladesh (JPM), nhóm đã bị cấm hoạt động ở Bangladesh hơn một chục năm qua. Ông Khan nói tất cả những kẻ tấn công này đều là những người có học và xuất thân từ những gia đình khá giả.
Tổng trưởng cảnh sát quốc gia, ông Shahidul Hoque, nói rằng nhà chức trách đang điều tra khả năng những kẻ tấn công này có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo.
Ngoại trưởng Mỹ gọi điện cho Thủ tướng Hasina
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry hôm Chủ nhật đã gọi điện cho Thủ tướng Hasina để bày tỏ phân ưu và ngỏ lời ủng hộ. Thông báo của Bộ Ngoại giao nói rằng ông Kerry “khuyến khích chính phủ Bangladesh xúc tiến điều tra với những chuẩn mực quốc tế cao nhất”. Ông Kerry cũng ngỏ lời rằng cơ quan thực thi luật pháp Mỹ, trong đó có Cục Điều tra Liên bang (FBI) có thể hỗ trợ.
Cảnh sát Bangladesh công bố hình và họ tên của 5 trong số 6 kẻ tấn công đã chết. Cảnh sát cho hay thân nhân của những tên này đã mất liên lạc với bọn chúng nhiều tháng qua.
Chính phủ Bangladesh lâu nay vẫn khẳng định là Nhà nước Hồi giáo không hiện diện trên lãnh thổ của họ. Chính quyền của Thủ tướng Sheikh Hasina quy lỗi hàng loạt vụ tấn công hồi gần đây cho các đối thủ chính trị của bà Hasina, và nói rằng họ hậu thuẫn cho các nhóm hiếu chiến nhằm gây bất ổn.
Trong số 11 người đàn ông và 9 phụ nữ thiệt mạng có 9 người Ý, 7 người Nhật, 2 người Bangladesh, 1 người Mỹ và 1 người Ấn Ðộ. Ba nạn nhân trong số này là các sinh viên đại học ở Mỹ. Hai cảnh sát viên Bangladesh trước đó cũng thiệt mạng trong cuộc bao vây. Các lực lượng an ninh giải cứu được 13 con tin.