Đường dẫn truy cập

Báo Apple Daily cổ súy dân chủ ở Hong Kong phát hành lần cuối hôm 24/6/2021


Biểu ngữ "Tôi yêu Apple Daily" được treo ở trụ sở tờ báo này đặt ở Hong Kong, 23/6/2021
Biểu ngữ "Tôi yêu Apple Daily" được treo ở trụ sở tờ báo này đặt ở Hong Kong, 23/6/2021

Apple Daily, tờ báo khổ nhỏ cổ súy cho dân chủ ở Hong Kong, cho biết họ sẽ phát hành ấn bản cuối cùng vào thứ Năm 24/6, sau một năm bão táp vì bị cảnh sát đột kích và vị đại gia là ông chủ tờ báo cùng với các nhân viên khác bị bắt theo luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc.

Cái kết của tờ báo khổ nhỏ được nhiều người yêu thích này gióng lên hồi chuông cảnh báo về quyền tự do truyền thông và các quyền khác ở thành phố bị Trung Quốc cai trị.

Nội dung của Apple Daily là sự pha trộn giữa các bài xã luận ủng hộ dân chủ, những câu chuyện phiếm về người nổi tiếng, và các bài điều tra về những người nắm quyền.

"Xin cảm ơn tất cả độc giả, người đặt mua báo, khách hàng quảng cáo và người dân Hong Kong trong 26 năm đầy ắp yêu thương và sự ủng hộ to lớn. Giờ đây, chúng tôi xin chào tạm biệt, quý vị hãy bảo trọng", Apple Daily bày tỏ trong một bài báo trực tuyến.

Việc Apple Daily ủng hộ các quyền dân chủ và tự do đã trở thành cái gai đối với Bắc Kinh kể từ khi ông chủ Jimmy Lai khai trương tờ báo vào năm 1995.

Ông Jimmy Lai là người tự mình làm nên sự nghiệp, trở thành đại gia sau khi được đưa lậu từ Trung Quốc đại lục vào Hong Kong trên một chiếc thuyền đánh cá năm ông mới 12 tuổi.

Tờ báo đã thay đổi môi trường truyền thông bằng Hoa ngữ của khu vực và trở thành một nhà đấu tranh vì dân chủ ngay trước mũi nhà nước Trung Quốc Cộng sản.

Mặc dù đôi khi bị một số nhà phê bình coi là tầm thường, tờ báo khổ nhỏ đã trở thành một ngọn hải đăng về quyền tự do truyền thông trong giới những người nói tiếng Trung Quốc. Độc giả của báo là những người bất đồng chính kiến và cộng đồng người Hoa có tư tưởng tự do hơn. Nó nhiều lần thách thức bộ máy chuyên chế của Bắc Kinh.

Ông Lai đã bị phong tỏa tài sản và phải ngồi tù từ tháng 12 năm ngoái với tội danh tham gia các cuộc tụ họp trái phép, xuất phát từ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.

Các nhóm nhân quyền, các tổ chức truyền thông và các chính phủ phương Tây, bao gồm cả Liên hiệp châu Âu và Anh, đã chỉ trích hành động chống lại tờ báo.

Trong khi đó, lãnh đạo Hong Kong, bà Carrie Lam, hôm thứ Ba 22/6 cho rằng những lời chỉ trích về cuộc đột kích vào tờ báo này là nỗ lực "tô hồng" các hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Các quan chức Trung Quốc đã lên án những lời chỉ trích đó và gọi chúng là một sự can thiệp.

Các quan chức Hong Kong và đại lục nhiều lần nói rằng quyền tự do truyền thông được tôn trọng nhưng không phải là tuyệt đối.

Một độc giả cho rằng việc đóng cửa tờ báo có lẽ báo trước cái kết của tự do báo chí ở Hong Kong. Ông Johny Ku, 55 tuổi, nói: “Nếu một tổ chức mạnh như vậy mà còn có thể bị mất tiếng nói, thì tôi nghĩ các tổ chức truyền thông khác sẽ sợ hãi đấy”.

Khoảng 200 cảnh sát đã đột kích tòa soạn của tờ báo này vào tháng 8 năm ngoái, khi ông Lai bị bắt vì bị tình nghi có thông đồng với thế lực nước ngoài. Tuần trước, tòa báo lại bị 500 cảnh sát đột kích một lần nữa, và có thêm 5 vị quản lý của tờ báo bị tạm giữ.

Liên quan đến cả hai vụ này, tờ báo đã tăng số lượng phát hành lên 500.000 bản vào ngày hôm sau, cao hơn nhiều so với mức thông thường là 80.000 bản, và mọi người đã xếp hàng dài tại các quầy bán báo để mua, thể hiện sự bất bình của họ đối với động thái đàn áp.

Giới truyền thông đưa tin rằng Apple Daily dự kiến sẽ in 1 triệu bản vào thứ Năm 24/6. Tờ báo cho biết họ cũng sẽ ngừng cập nhật phiên bản trực tuyến của họ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG