Mới đây, Cục Báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã yêu cầu các cơ quan báo chí tăng cường quản lý nội dung trên các trang Facebook của họ.
Một công văn do Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc ký cách đây ít ngày viết rằng trong thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí trong nước đã mở fanpage trên Facebook, nhưng lại chưa “kiểm duyệt chặt chẽ” các ý kiến bình luận. Công văn cho rằng vì điều đó nên “một số đối tượng đã lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ uy tín, danh dự lãnh đạo cấp cao, gây dư luận xấu trên không gian mạng”.
Thông qua công văn, Cục Báo chí yêu cầu các cơ quan báo chí “rà soát toàn bộ hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên fanpage chính thức, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng”.
Lâu nay, nhiều người ở Việt Nam cho rằng có một thực thế là do nhà chức trách kiểm duyệt báo chí chặt chẽ và đôi khi có những động thái trừng phạt một số nhà báo có những bài viết mạnh bạo, nên trong nhiều trường hợp khi báo chí muốn chỉ trích hoặc phản đối một hành động hay chính sách nào đó của chính quyền, họ không dám viết thẳng trong bài, mà chỉ nêu ra các hàm ý, kích thích để độc giả phê phán, chỉ trích trong phần bình luận bên dưới bài.
Trong cái thời đại thông tin phát triển như hiện nay và ở một cái xã hội dân chủ thì chúng ta cũng phải tôn trọng những dư luận ngược chiều. Thế còn có những ý kiến trái chiều thì mình cũng có thể trao đổi lại. Điều đó là bổ ích.Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.
Cũng như nhiều người trong công chúng Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, một cựu đại biểu Quốc hội, cho rằng việc các cơ quan báo chí có fanpage và để cho độc giả bình luận là một cách làm báo mới, giúp mọi người thể hiện ý kiến về nội dung bài báo hoặc về các hành động, chính sách của nhà nước. Ở chiều ngược lại, các cơ quan báo chí khi nhận được các ý kiến độc giả sẽ rút kinh nghiệm về cách đưa tin, viết bài, còn các cơ quan công quyền có thể hiểu được suy nghĩ, tâm lý của một bộ phận dân chúng. Ông Thuyết lập luận rằng không cho công chúng bình luận trên các fanpage của báo chí có thể tạo ra hiệu ứng ngược:
“Nếu mà giả sử mình không cho người ta bình luận ở các trang fanpage của báo chí thì người ta cũng sẽ bình luận ở trên các mạng xã hội. Người ta không phải sẽ không bình luận. Mà như thế có thể còn bất lợi hơn”.
Vị giáo sư từng ở cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ ra rằng tuy cần phải có đội ngũ quản lý fanpage song công việc của họ chỉ nên là bảo đảm rằng các ý kiến được thể hiện bằng ngôn ngữ đúng mực, lành mạnh chứ không phải là ngăn các ý kiến trái chiều với nhà nước.
“Dĩ nhiên là cái bình luận nào mà nó quá tục tĩu hoặc là nó vi phạm những quy chuẩn về mặt đạo đức xã hội thì mình không nên đưa. Thế còn những ý kiến mà người ta bình luận nghiêm túc, kể cả những ý kiến trái chiều theo tôi cũng không có vấn đề gì mà mình phải lo lắng. Trong cái thời đại thông tin phát triển như hiện nay và ở một cái xã hội dân chủ thì chúng ta cũng phải tôn trọng những dư luận ngược chiều. […] Thế còn có những ý kiến trái chiều thì mình cũng có thể trao đổi lại. Điều đó là bổ ích. Qua trao đổi thì có thể hai bên cùng hiểu nhau hơn. Cái gì mà cơ quan báo chí nói chưa đúng hoặc là cái gì mà các cơ quan nhà nước hành xử chưa đúng cũng phải rút kinh nghiệm”.
Không lâu sau khi biết tin về công văn của Cục Báo chí đòi các cơ quan báo chí phải tăng cường quản lý fanpage, trên các trang mạng xã hội, nhiều người cho rằng về mặt kỹ thuật các báo, đài có thể làm được việc duyệt và xóa các lời bình luận, nhưng điều đó chỉ góp phần làm cho đa số các fanpage của họ vốn đã buồn tẻ sẽ càng trở nên đìu hiu hơn.