Nhiều nhà báo và người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam đang bày tỏ băn khoăn, lo ngại về Nghị định 15/2020 có điều khoản về phạt tiền tới 20 triệu đồng về hành vi chia sẻ tác phẩm báo chí mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu.
Nghị định 15/2020 của chính phủ Việt Nam về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin bắt đầu có hiệu lực hôm 15/4. Trong nghị định, một điều khoản viết rằng hành vi “cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu” có thể bị phạt 5-10 triệu đồng (đối với cá nhân), 10-20 triệu đồng (đối với tổ chức).
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ rằng có thể hiểu được khi nhà chức trách phạt đối với việc chia sẻ các sản phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật chưa được phép lưu hành hoặc bị cấm lưu hành, nhưng họ cảm thấy băn khoăn về quy định phạt đối với việc chia sẻ các bài báo “mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ”.
Ông Mai Phan Lợi, một chuyên gia về báo chí-truyền thông có 20 năm kinh nghiệm, nói với VOA rằng điều khoản của nghị định mới, mà nhiều người đang thắc mắc, có mục đích tốt là đưa ra chế tài để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
... nếu cơ quan thực thi là Bộ Thông tin-Truyền thông mà không có thông tư hay quyết định làm rõ về việc chia sẻ thông tin báo chí, thì việc lạm quyền, xử oan người chia sẻ hoàn toàn có thể xảy ra.Chuyên gia Mai Phan Lợi
Tuy nhiên, ông Lợi chỉ ra với VOA rằng câu chữ trong nghị định mới của chính phủ không làm rõ, không viết một cách chặt chẽ là việc sao chép bài báo khác như thế nào với việc chia sẻ đường dẫn trên mạng (link) của bài báo. Điều đó tạo ra cảm giác dường như “có sự vi phạm nào đó đối với quyền chia sẻ thông tin, quyền tự do thông tin”, theo lời ông Lợi.
Trong nhiều năm nay, các báo mạng và trang tin tức online của Việt Nam có nút “share” (chia sẻ) cạnh các tin, bài để người đọc dễ dàng lan truyền chúng đến bạn bè hoặc các nhóm, diễn đàn đặt trên nền tảng mạng xã hội.
Vài ngày vừa qua, theo quan sát của VOA, nhiều người bày tỏ trên mạng rằng lâu nay họ mặc nhiên cho rằng khi hiển thị nút “share” đó, các báo mạng và trang tin đã đồng ý cho công chúng có quyền chia sẻ miễn phí và tùy ý. Nhưng giờ đây, nghị định mới đang làm họ phải suy nghĩ lại.
Chuyên gia Mai Phan Lợi giải thích:
“Hai hành vi sao chép tác phẩm báo chí và share link bài báo là hai hành vi hoàn toàn khác nhau. Nhưng nghị định mới lại không làm rõ được điều này, dẫn tới những người sử dụng mạng xã hội cảm thấy cực kỳ băn khoăn, thậm chí là bức xúc”.
Dẫn lại thực tế mới xảy ra như là một tiền lệ xấu, khi chính phủ cách đây vài tuần ban hành quy định về cách ly xã hội để chống dịch Covid-19 nhưng mỗi địa phương hiểu một cách, buộc Văn phòng Chính phủ sau đó phải gửi ra một văn bản dài để làm rõ cách ly xã hội là gì, ông Mai Phan Lợi cảnh báo về nguy cơ một số lực lượng có thẩm quyền sẽ áp dụng Nghị định 15/2020 một cách máy móc. Ông nói:
“Lực lượng thực thi nghị định này, ví dụ như công an hay đặc biệt là lực lượng thanh tra, thì chưa chắc họ đã hiểu rành rẽ. Hoàn toàn có thể nghĩ rằng việc chế tài được áp dụng tùy tiện hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng đối với nghị định này, nếu cơ quan thực thi là Bộ Thông tin-Truyền thông mà không có thông tư hay quyết định làm rõ về việc chia sẻ thông tin báo chí, thì việc lạm quyền, xử oan người chia sẻ hoàn toàn có thể xảy ra”.
Không chỉ gây ra tâm lý e sợ, đề phòng ở phía người đọc, điều khoản không rõ ràng của nghị định mới còn sẽ dẫn đến thiệt hại cho các cơ quan báo chí, khi người sử dụng mạng xã hội dừng hoặc giảm chia sẻ đường link các bài báo.
Nếu quy định này không được làm rõ, số đông hiểu nhầm thì dẫn tới người sử dụng mạng xã hội không chia sẻ nữa, thì các bài báo Việt Nam chịu cảnh cơ hội đến với người đọc ít đi.Chuyên gia Mai Phan Lợi
Tính đến giữa năm 2010, Việt Nam có trên 60 triệu người dùng Facebook, chiếm 57% dân số.
Lâu nay, nhiều báo mạng ở Việt Nam chứng kiến lượng người truy cập sụt giảm, nhiều trang báo phụ thuộc vào người sử dụng mạng xã hội chia sẻ các bài báo của họ để tăng lượt xem, theo lời chuyên gia Mai Phan Lợi. Vì vậy, việc áp dụng cứng nhắc Nghị định 15/2020 có thể giáng đòn không mong muốn vào báo chí online, ông Lợi lưu ý.
Ông nói thêm:
“Nếu quy định này không được làm rõ, số đông hiểu nhầm thì dẫn tới người sử dụng mạng xã hội không chia sẻ nữa, thì các bài báo Việt Nam chịu cảnh cơ hội đến với người đọc ít đi. Những đài báo nước ngoài cho độc giả thoải mái chia sẻ họ lấy được thế trận và họ lan tỏa rất rộng”.
Gần như cùng thời điểm Nghị định 15/2020 được ban hành, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) công bố bảng xếp hạng tự do báo chí trên thế giới hôm 21/4, trong đó Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 quốc gia toàn thế giới, thuộc nhóm cuối bảng.
Việt Nam vẫn bị xếp vào số các nước là “kẻ thù của tự do báo chí” dù đứng trên hai nước cộng sản khác là Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng xếp dưới Lào.