Đường dẫn truy cập

‘Bảo hộ công dân’ và câu chuyện công dân tự… bảo hộ!


Một phần trang đầu của website Tôi và Sứ Quán.
Một phần trang đầu của website Tôi và Sứ Quán.

“Bảo hộ công dân” không mới, thỉnh thoảng, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn dùng! Gần đây, sau khi Anh Quốc phát hiện thảm nạn Essex và có tin một số hoặc toàn bộ 39 nạn nhân thảm tử trên đường xâm nhập Anh Quốc là người Việt, “bảo hộ công dân” được hệ thống công quyền Việt Nam đề cập nhiều hơn.

Tuần trước, trong một bài viết về thảm nạn Essex, kẻ viết bài này từng đề nghị, muốn biết “bảo hộ công dân” là thật hay do… hoàn cảnh, hãy vào trang “Tôi và Sứ quán” trên facebook, xem những công dân Việt Nam cư trú, học hành, làm việc trên xứ người đang rên siết ra sao khi vẫn bị các cơ quan ngoại giao đại diện chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hành hạ, dùng đủ mọi cách để ép phải ói ra tiền nếu muốn đổi hộ chiếu, hay có một số loại giấy tờ như khai sinh, hôn thú,…

Hôm nay, nhóm điều hành “Tôi và sứ quán” loan báo với 32.000 thành viên: Rên siết của họ đã có người nghe! Chỉ có điều người nghe không phải là Thủ tướng Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người nghe cũng không phải là bất kỳ viên chức hữu trách nào thuộc lĩnh vực ngoại giao ở Việt Nam.

Ông Hoàng Hùng – một trong những Quản trị viên của “Tôi và sứ quán” vừa giới thiệu với 32.000 thành viên website “Tôi và Sứ quán” (1). Theo đó, những người thực hiện website này là “một nhóm người Việt Nam đang sống và làm việc ở Silicon Valley” (California – Mỹ). Từ nhiều năm nay, họ là nạn nhân tệ nạn nhũng nhiễu của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Franciso. “Đồng bệnh tương lân”, họ gia nhập nhóm “Tôi và sứ quán” trên facebook và phát giác nhũng nhiễu công dân tha hương là vấn nạn “diễn ra nhiều năm nay, ở khắp mọi nơi, chứ không riêng gì ở Mỹ”.

Bởi “có chút nghề trong nghề”, họ quyết định làm trang web “Tôi và Sứ quán” như “một cách để góp lửa với các anh chị em diễn đàn Tôi và Sứ quán trên facebook”. Họ bỏ thời gian “viết chương trình để tự động tải về các bài viết” trên diễn đàn tại facebook, rồi “thống kê theo địa điểm sứ quán, phân loại nhũng nhiễu, tạo thành một báo cáo minh bạch để chứng minh đó là lỗi hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, ở khắp mọi nơi, chứ không phải riêng lẻ như Bộ Ngoại giao giải thích”.

Từ lâu, diễn đàn “Tôi và Sứ quán” trên facebook vốn là nơi công dân Việt Nam tư vấn cho nhau về các qui định luật pháp, cách thức đối phó với nhũng nhiễu. Những người thực hiện trang web “Tôi và Sứ quán” hỗ trợ đã tổng hợp, phân loại để đồng bào tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn qua mục “Hướng dẫn làm giấy tờ”.

Hệ thống công quyền Việt Nam vẫn thao thao bất tuyệt về “bảo hộ công dân”. Các thành viên của diễn đàn “Tôi và Sứ quán” lẫn những người thực hiện website “Tôi và Sứ quán” thì đã cũng như đang hỗ trợ lẫn nhau để thoát khỏi cảnh bị hệ thống “bảo hộ công dân” của Cộng hòa Xã họi chủ nghĩa Việt Nam ở bên ngoài Việt Nam “chặt đầu, lột da”.

Những người thực hiện trang web “Tôi và Sứ quán” khẳng định “đấu tranh với sứ quán là chuyện lâu dài và cam kết sẽ duy trì trang web này cho đến khi nào không còn nạn nhũng nhiễu lạm thu”. Báo cáo Minh bạch Sứ quán sẽ được công bố 2 kỳ/năm và sẽ còn dành nhiều thời gian, sức lực cho công việc này.

Ngoài giới thiệu mục tiêu, “Báo cáo minh bạch”, “Hướng dẫn làm giấy tờ”, những người thực hiện trang web “Tôi và Sứ quán” còn tạo ra các mục: “Đánh giá Sứ quán”, “Triển lãm biên lai”, “Biểu tình chống lạm thu” và một thư mục về những gì mà hệ thống truyền thông quốc tế từng đề cập về tình trạng hệ thống sứ quán thuộc hệ thống công quyền Việt Nam lợi dụng chức trách “bảo hộ công dân” để “chặt đầu, lột da” công dân cư trú, học hành, làm việc bên ngoài Việt Nam.

***

Có quốc gia nào “bảo hộ công dân” tới mức công dân phải lập những diễn đàn, những trang web như “Tôi và Sứ quán”? Có quốc gia nào mà hàng chục ngàn công dân sống bên ngoài lãnh thổ phải kêu gọi nhau “chung tay, góp sức cho bộ mặt đại diện của tổ quốc nước ngoài luôn luôn được trong sáng” (2)?

Bao giờ thì những viên chức hữu trách như Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước thôi tự đắc vì đất nước chưa bao giờ “được” như thế này về “tiềm lực, vị thế và uy tín” (3)? Bao giờ thì những cá nhân đại diện cho “nguyện vọng và ý chí của nhân dân như Chủ tịch Quốc hội thôi hối thúc đồng bào phải tự vấn “đã làm được gì cho đất nước” (4) để tự vấn chính mình và các đồng chí của mình? Bao giờ “bảo hộ công dân” trở thành thực chất chứ không nằm ở đầu môi, chót lưỡi”?

Chú thích

(1) https://www.toivasuquan.org/

(2) https://www.facebook.com/groups/toivasuquan/permalink/2504225476293981/

(3) https://vnexpress.net/thoi-su/tong-bi-thu-dat-nuoc-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-nhu-ngay-nay-3877029.html

(4) https://thanhnien.vn/gioi-tre/chu-tich-quoc-hoi-sua-luat-de-giup-thanh-nien-thay-minh-da-lam-gi-cho-to-quoc-1124649.html

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG