Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 22/12 chỉ trích Ấn Độ ‘thiển cận’ khi dùng vấn đề về Đức Đạt Lai Lạt Ma để thách thức Bắc Kinh.
Tờ Hoàn cầu Thời báo nói ngay cả quốc gia quyền lực như Hoa Kỳ còn phải thận trọng đắn đo trước các hành động liên quan đến những vấn đề cốt lõi của Trung Quốc như chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ.
Bài xã luận trên báo này viết rằng: “Ấn nên rút ra vài bài học từ các tương tác gần đây giữa Bắc Kinh với Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump về vấ đề Đài Loan.”
Bài báo xuất hiện sau khi Ngoại trưởng Mông Cổ hôm thứ ba tuyên bố rằng Ulaanbaatar sẽ không bao giờ cho phép lãnh tụ tinh thần Tây Tạng sang thăm nước ông nữa.
Chuyến thăm gần đây của Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Mông Cổ đã gây phẫn nộ Trung Quốc, bạn hàng lớn nhất của Mông Cổ, khiến Bắc Kinh đình hoãn 2 vòng đối thoại ngoại giao với Ulaanbaatar và Mông Cổ đã phải nhờ Ấn giúp đỡ.
Điều khiến Trung Quốc tức giận hơn là cuộc gặp hôm 11/12 giữaTổng thống Ấn Pranab Mukherjee với Đức Đạt Lai Lạt Ma, lần đâu tiên một Tổng thống đương nhiệm Ấn gặp Ngài trong nhiều chục năm nay.
Mô tả Ấn hành xử như ‘một đứa trẻ hư hỏng,’ bài xã luận của tờ báo quốc doanh Trung Quốc tố cáo rằng “New Delhi lâu nay xem vấn đề Đạt Lai Lạt Ma như một đòn bẩy có thể dùng để chống lại Trung Quốc.”
Bài viết còn chê bai Ấn rằng dù tiềm năng trở thành một đất nước vĩ đại nhưng cái nhìn của Ấn còn quá thiển cận.
Lãnh tụ tinh thần Tây Tạng hiện đang sống lưu vong tại Ấn từ năm 1959 và bị Trung Quốc xem là một phần tử ly khai.
Trước đây trong tháng, Ấn đã lên tiếng bác bỏ phản đối của Bắc Kinh về cuộc gặp giữa Tổng thống Ấn với Đức Đạt Lai Lạt Ma, nói rằng Ngài là một lãnh tụ tinh thần đáng kính và rằng cuộc gặp vừa qua không mang tính chính trị.
Theo The Hindu, Hindustan Times