Đường dẫn truy cập

Bất chấp cấm vận, hàng trăm công ty nước ngoài dự hội chợ ở Triều Tiên


Hội chợ Thương mại Quốc tế mùa Xuân ở Bình Nhưỡng vào ngày 22/5/2017.
Hội chợ Thương mại Quốc tế mùa Xuân ở Bình Nhưỡng vào ngày 22/5/2017.

Theo các nhà phân tích, hội chợ thương mại quốc tế tại Triều Tiên trong tuần này có thể là sự kiện lớn nhất trong lịch sử nước này, với hàng trăm nhà cung cấp Trung Quốc và nước ngoài khác tham gia, bất chấp áp lực trừng phạt.

Theo Reuters, Hội chợ Thương mại Quốc tế mùa Xuân Bình Nhưỡng lần thứ 22 khai mạc vào ngày 20/5 với một buổi lễ được chủ trì bởi các quan chức kinh tế hàng đầu, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin.

Hơn 450 công ty từ Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Pakistan, Ba Lan và “các quốc gia và khu vực khác” giới thiệu một loạt sản phẩm tại hội chợ, vẫn theo KCNA.

Con số đó khiến cho hội chợ này trở thành hội chợ thương mại lớn nhất mà Triều Tiên từng tổ chức, theo một phân tích các thông báo truyền thông nhà nước từ năm 2007 đến 2019 do NK News, trang web theo dõi các vấn đề Triều Tiên, thực hiện.

Năm ngoái, có 260 công ty tham gia hội chợ mùa xuân.

Trong số những công ty tham gia năm nay, có ít nhất 216 công ty Trung Quốc, NK News cho biết trong bài phân tích.

Khai mạc sự kiện, các quan chức Triều Tiên nói rằng đây là một cơ hội để xúc tiến thương mại, hợp tác kinh tế, trao đổi khoa học và công nghệ với các nước tham gia, truyền thông nhà nước đưa tin.

Các lệnh cấm vận áp đặt lên Triều Tiên vì các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng nghiêm cấm tất cả mọi liên doanh và hầu hết các hoạt động kinh doanh với Triều Tiên, trong khi một số cơ sở kinh doanh nước ngoài cho biết họ chỉ chuẩn bị để có thể sẵn sàng hoạt động, một khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

KCNA cho biết trong số các sản phẩm được trưng bày có kim loại, điện tử, máy móc, vật liệu xây dựng, giao thông, y tế công cộng, công nghiệp nhẹ và thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Hình ảnh về sự kiện được cả truyền thông nhà nước và những bên tham gia quốc tế công bố trên mạng xã hội cho thấy các nhà cung cấp còn triển lãm các chất bổ sung sức khỏe, TV màn hình phẳng, túi xách, máy lạnh và máy sưởi, quần áo, thiết bị nhà bếp và xe SUV thương hiệu Triều Tiên cùng các sản phẩm khác.

Những bức ảnh được đăng trên Facebook của Đại sứ quán Nga ở Bình Nhưỡng cho thấy Đại sứ Alexander Matsegora chụp hình tại một gian hàng trưng bày dược phẩm của Nga.

Kể từ năm ngoái, lãnh tụ Kim Jong Un đã ra tay tiến hành một chiến dịch ngoại giao nhằm thúc đẩy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và cho phép ông khởi động nền kinh tế.

Dưới quyền ông Kim, Triều Tiên đã chứng kiến sự trỗi dậy của các thị trường tư nhân trong khi chủ nghĩa tiêu dùng ngày càng phát triển, nhưng nước này phải đối mặt với sự kiểm soát chặt chẽ về chính trị và kinh tế.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông Kim Jong Un với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hồi tháng Hai tại Việt Nam đã kết thúc trong bế tắc. Washington nói ông Kim không hết lòng từ bỏ chương trình hạt nhân nhằm đảm bảo nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Kể từ đó, Triều Tiên bày tỏ nỗi bực dọc ngày càng tăng, trong khi đàm phán bị đình trệ và căng thẳng leo thang.

Trong một bài bình luận trên trang nhất hôm thứ Hai, tờ báo của đảng cầm quyền Triều Tiên nói các biện pháp trừng phạt được thiết kế nhằm tạo ra khó khăn kinh tế, và cảnh báo Triều Tiên không nên phụ thuộc vào việc dỡ bỏ các hạn chế đó.

Truyền thông nhà nước và các tổ chức viện trợ quốc tế khuyến cáo rằng những đợt hạn hán và thu hoạch thấp gần đây có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng cho nhiều người dân Triều Tiên trong năm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG