Đường dẫn truy cập

Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: Cử tri gốc Việt với chính sách di dân


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Ngọc Lễ


Chính sách di dân là một trong những bận tâm của cử tri gốc Việt bên cạnh chủ đề kinh tế và chính sách đối ngoại cũng như các vấn đề khác khi họ quyết định lá phiếu của mình trong kỳ bầu cử giữa kỳ sắp tới. Tuy nhiên, trên hồ sơ này, cử tri gốc Việt nhìn chung chia rẽ đối với chính sách nhập cư cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng như Đảng Cộng hòa.

Vòng ‘knock-out’ của kỳ bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 ở tất cả các cấp độ của chính quyền Mỹ: từ liên bang, tiểu bang cho đến cấp thành phố. Cử tri Mỹ sẽ đi bầu các dân biểu, thượng nghị sĩ liên bang; dân biểu và thượng nghị sĩ tiểu bang, thống đốc các tiểu bang và thị trưởng các thành phố. Một số tiểu bang đã tổ chức xong bầu cử sơ bộ để chọn ra hai ứng cử viên cuối cùng cho mỗi vị trí và hai ứng cử viên này sẽ đối đầu nhau trực tiếp trong vòng chung kết diễn ra vào ngày 6/11.

Kỳ bầu cử này diễn ra khi nhiệm kỳ bốn năm của Tổng thống Donald Trump đã đi được nửa chặng đường nên cũng được xem là sự sát hạch lòng tin của cử tri đối với những chính sách của ông Trump, nhất là các chính sách về kinh tế, thuế má, di dân, an ninh quốc gia và đối ngoại.

Hai kịch bản có thể xảy ra: hoặc là cử tri bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền của ông Trump bằng cách bầu cho các ứng viên Đảng Cộng hòa để họ có thể củng cố thế đa số ở Lưỡng viện Quốc hội để ông Trump có thể dễ dàng thông qua chương trình nghị sự của mình và thực thi các chính sách ở các cấp độ tiểu bang và địa phương; hoặc là họ bác bỏ các chính sách này bằng cách bầu cho Đảng Dân chủ để đảng này nắm thế đa số chi phối tại Quốc hội mà qua đó đè nặng áp lực lên ông Trump trong nửa nhiệm kỳ còn lại và gây khó khăn cho việc thực thi chính sách của ông ở cấp độ tiểu bang và địa phương.

Nếu có ứng cử viên nào lấy đi quyền tự do lựa chọn, chẳng hạn tự do chọn lựa có nên giữ đứa con khi có thai, quyền được sở hữu súng với một số hạn chế nhất định, nếu có ứng viên nào muốn tước đi những quyền đấy thì tôi sẽ không ủng hộ người đó.
Cử tri họ Đặng, ủng hộ Dân Chủ

Một trong những chính sách lớn mà ông Trump và Đảng Cộng hòa thực hiện kể từ năm 2016 là siết chặt vấn đề di dân. Ông Trump khi còn là ứng cử viên tổng thống đã nêu lên quan điểm cứng rắn để hạn chế di dân, trong đó có đề xuất xây dựng bức tường biên giới với Mexico. Sau khi lên cầm quyền: ông đã có hàng loạt các động thái như tăng cường truy lùng dân nhập cư bất hợp pháp, chấm dứt bảo vệ cho những di dân bất hợp pháp đến Mỹ khi còn nhỏ (DACA) và cấm công dân một số nước có đông dân Hồi giáo đến Mỹ, trục xuất những người chưa và không phải công dân Mỹ (kể cả những người có thẻ xanh) có tiền án tiền sự cũng như đề xuất chấm dứt cho bảo lãnh dây chuyền (tức là chỉ cho bảo lãnh vợ chồng, con cái) và chấm dứt chương trình xổ số visa tới Mỹ. Phần lớn các chính sách này của ông Trump đều gây tranh cãi và gây ảnh hưởng đến nhiều cộng đồng di dân, trong đó có cộng đồng di dân gốc Việt.

Tuy nhiên, ông Trump và Đảng Cộng hòa đang xem những chính sách di dân cứng rắn này là một điểm vận động cử tri tiềm năng trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới, nhất là với những cử tri chống di dân của ông Trump. Bản thân ông Trump cũng đã tổ chức nhiều sự kiện trong những tháng gần đây để hướng sự chú ý của mọi người đến các chính sách cấp tiến của bang California vốn là thành trì của Đảng Dân chủ vốn có quan điểm chống đối quyết liệt đối với chính sách di dân của chính quyền liên bang. Ông Trump đã phê phán chính sách dung chấp di dân bất hợp pháp của bang California là ‘chết người và vi hiến’.

Mới đây nhất, hôm 16/5, ông Trump chào đón đến Nhà Trắng các thị trưởng, cảnh sát trưởng và các lãnh đạo địa phương khác của California vốn bất đồng với chính sách di dân của tiểu bang và ca ngợi những nỗ lực cứng rắn của ông Trump. Tại đây, ông gọi những thành viên băng đảng MS-13 nhập cư bất hợp pháp sang Mỹ là ‘súc vật’. Hôm 18/5, ông cũng công khai bày tỏ sự ủng hộ cho ứng cử viên John Cox trong cuộc đua giành ghế Thống đốc bang California thay cho ông Jerry Brown sắp mãn nhiệm. Ông Trump gọi ông Cox là người ‘hiểu về biên giới, hiểu về tội phạm và giảm thuế’ xứng đáng là thống đốc của bang giàu nhất nước Mỹ.

Kiểm tra "ID" trước khi bỏ phiếu bầu chọn.
Kiểm tra "ID" trước khi bỏ phiếu bầu chọn.

VOA tìm hiểu lập trường của một số cử tri gốc Việt ở vùng ven thủ đô Washington DC về chính sách di dân của ông Trump cũng như quan điểm bầu cử của họ trong kỳ bầu cử sắp tới.

‘Cần trục xuất người xấu’

Về vấn đề gây nhiều xáo trộn trong cộng đồng di dân gốc Việt là trục xuất khỏi nước Mỹ những người có tiền án tiền sự dù đã được hưởng quy chế thường trú nhân (thẻ xanh), một bác sĩ chỉ biết tên là Dũng, 52 tuổi, ở tiểu bang West Virginia, cho biết ông hoàn toàn ủng hộ.

“Tôi không nghĩ chính quyền hiện nay khắt khe về vấn đề di dân,” ông Dũng nói bằng tiếng Anh do vốn tiếng Việt hạn chế, “Nếu anh đã đến được đất nước này thì anh đã có cơ hội bằng vàng, anh có nên nghĩ rằng mình nên sống ngay thẳng và không phạm tội hay không?”

Đảng Dân chủ nhiều chương trình xã hội hơn. Họ cho rất nhiều trợ cấp, phiếu thực phẩm. Tôi không tin vào việc giúp đỡ mọi người nhiều như vậy.
Bác sĩ Dũng từ West Virginia

Ông Dũng nói ông không tin chính sách trục xuất của ông Trump, vốn làm cho một số người phải bị ly tán gia đình và đưa về Việt Nam nơi họ không có việc làm và khó hòa nhập, ‘là bất nhân’.

“Nếu đó là chính sách của chính quyền, chúng ta phải chấp nhận,” ông nói.

Cũng đồng quan điểm với ông Dũng, cô Hoàng H. H., 31 tuổi, sống tại thành phố Alexandria, Virginia, và làm việc cho một cơ quan chính quyền liên bang, nói rằng ‘khi mình đã qua nước người ta thì phải chấp hành luật pháp của người ta nếu không sẽ ảnh hưởng đến những người tuân thủ luật pháp’. Cô Hoàng đưa ra ví dụ nếu một người lái xe không có bằng lái, không có bảo hiểm đụng phải người khác ‘thì lấy gì đền bù cho người ta?’.

Riêng ông Phạm Hồng Vinh, 64 tuổi, vốn là thuyền nhân hiện đang cư trú tại bang Virginia và là chủ một quán cà phê ở trung tâm thương mại Eden, cho biết ông là người ủng hộ nhiệt thành của chính sách trục xuất này mà ông cho là ‘người xấu trục xuất, người tốt ở lại’.

“Mấy người tội phạm như bạo hành gia đình hay buôn bán xì ke ma túy thì phải trục xuất,” ông nói.

Cô Hoàng cho rằng “về tình cảm, những người bị trục xuất gia đình ly tán thì cũng tội nghiệp vì tôi cũng có gia đình nên tôi hiểu” nhưng “cái gì về luật pháp thì phải theo luật pháp thôi, nếu nghiêng về tình cảm thì còn nhiều trường hợp còn tội hơn”.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Ngọc Mai, 60 tuổi, cư dân vùng Falls Church, Virginia, hiện đang làm công việc vận hành máy, nói bà không đồng tình với việc trục xuất này. Bà nói rằng những người bị đưa về Việt Nam là ‘mệt lắm vì ‘không công ăn việc làm, không nhà cửa, không ai dám mướn’.

“Dù gì cũng là người Việt với nhau. Người ta đã cực khổ để qua được đây dù là diện HO, con lai hay vượt biên. Tôi hy vọng tổng thống kế tiếp sẽ chấm dứt việc trục xuất này,” bà Mai nói.

Còn anh T. D. Đặng, một kỹ sư 29 tuổi ở Silver Springs, Maryland, thì nói rằng việc trục xuất những người có thẻ xanh là ‘không đúng’ trong khi trục xuất những người vì tội họ phạm trong quá khứ là ‘không công bằng’.

“Nếu họ đã có thẻ xanh thì tôi không nghĩ chính quyền nên trục xuất họ vì họ đến đây một cách hợp pháp,” anh nói bằng tiếng Anh vì vốn tiếng Việt ít ỏi, “Nếu họ đã bị pháp luật trừng phạt rồi thì không cần thiết trừng phạt họ một lần nữa.”

Bản thân ông Phạm Hồng Vinh cho rằng ‘nên cứu xét’ cho những người có tiền sử tội phạm, những người đã thọ án tù và đã hoàn lương.

“Tôi cũng biết ở đây có vài người thí dụ giết người có – họ thọ án tù mười mấy, hai chục năm nhưng mà giờ đây người ta trở về làm ăn đàng hoàng rồi – mà trục xuất thì cũng tội nghiệp người ta,” ông nói. “Còn ai đã thọ án mà tái phạm thì mới trục xuất.”

Hạn chế di dân

Về việc chính quyền Tổng thống Donald Trump hạn chế di dân, cô Hoàng nói cô ủng hộ. Cô đơn cử việc “di dân bất hợp pháp từ Mễ (Mexico) qua Mỹ ồ ạt như vậy thì không an toàn cho nước Mỹ” vì “người ta làm những chuyện bất hợp pháp mình đâu có biết được đâu”.

“Hay là việc mình phải chờ đợi, diện chị em bảo lãnh chờ đợi 13, 14 năm thì có những người qua một cách dễ dàng như vậy thì không công bằng,” cô Hoàng, người mới bảo lãnh em gái mình qua được một tháng, nói.

Riêng việc hạn chế bảo lãnh dây chuyền, cô Hoàng cho biết cô không ủng hộ vì bản thân vẫn còn thân nhân ở Việt Nam. “Tôi ủng hộ vẫn để mở chính sách bảo lãnh như trước đây. Nếu người được bảo lãnh qua đi làm và đóng thuế thì OK. Còn nếu như họ qua ăn welfare (trợ cấp xã hội) thì lại là vấn đề khác vì mình phải đi làm đóng thuế nuôi họ. Như vậy không công bằng.”

Tôi rất thích chính sách cứng rắn của Đảng Cộng hòa.
Ông Vinh, chủ một quán cà phê trong Thương Xá Eden, Virginia

Ông Vinh cũng có cùng quan điểm với cô Hoàng về việc hạn chế di dân bất hợp pháp từ Mexico mặc dù ông cho rằng ý tưởng xây bức tường biên giới với Mexico là ‘quá tốn kém’.

“Dân Mễ qua đông chiếm hết công ăn việc làm của người Việt thì cũng khổ chứ. Người ta làm 15 đô la (một giờ), dân Mễ họ làm 7 đô thì làm sao cạnh tranh cho lại?” ông giải thích.

Theo ông Vinh thì nên trục xuất di dân bất hợp pháp, nhất là đối với trường hợp du học rồi trốn ở lại, nhưng đối với những người đã có gia đình, con cái ở Mỹ thì ‘nên cứu xét cho từng trường hợp’.

Bác sĩ Dũng ở West Virginia cũng đồng ý với ông Vinh về việc không nên xây bức tường biên giới với Mexico vì ‘nếu có xây tường thì di dân lậu cũng tìm cách khác qua được mà thôi’. Thay vào đó, ông cho rằng ‘chính quyền nên chi thêm tiền cho việc tuần tra biên giới’.

“Chúng tôi đã đến đây một cách hợp pháp, vậy thì anh cũng phải đến đây hợp pháp chứ đừng băng qua biên giới là xong,” ông Dũng nói về di dân từ Mexico.

Riêng kỹ sư Đặng thì cho biết anh “sẽ bầu cho ứng cử viên nào cởi mở với di dân”.

“Đây là nước Mỹ. Nước Mỹ được xây dựng nên từ rất nhiều người đến đây với tư cách di dân. Có lập trường chống di dân ắt hẳn không phản ánh tinh thần đất nước này,” anh nói và cho biết cả gia đình anh cũng chia sẻ quan điểm này của anh.

Người gốc Việt biểu tình trước Tòa Bạch Ốc trước chuyến thăm của ông Nguyễn Xuân Phúc đến Hoa Kỳ, 31 tháng Năm, 2017.
Người gốc Việt biểu tình trước Tòa Bạch Ốc trước chuyến thăm của ông Nguyễn Xuân Phúc đến Hoa Kỳ, 31 tháng Năm, 2017.

“Một khi anh đã cư trú hợp pháp ở Mỹ, thì anh có quyền với tư cách là một công dân nếu anh muốn bảo lãnh cho người thân đến Mỹ miễn là anh có khả năng hỗ trợ cho cuộc sống của họ trong giai đoạn đầu,” anh Đặng nói về việc hạn chế bảo lãnh, “Đó là quyền của mỗi công dân.”

Bà Mai nói bà không đồng ý chính sách hạn chế bảo lãnh gia đình. “qua đây nói chung mọi người đều có công ăn việc làm, đều đóng thuế, con cái họ cũng có nhiều người thành đạt. Dĩ nhiên chỉ có một số ít thôi là không thành đạt,” bà nói.

Về lệnh cấm đến Mỹ đối với công dân một số nước Hồi giáo, trong khi cô Hoàng nói lệnh cấm này ‘giúp cô cảm thấy an toàn hơn’ vì ‘khủng bố đều đến từ những nước Hồi giáo’ thì anh Đặng cho rằng nó hoàn toàn sai vì ‘không phải vì họ là Hồi giáo mà cấm họ đến đây’.

Ông Vinh cũng có cùng ý kiến với anh Đặng và nói rằng lệnh cấm này đi quá xa vì không phải ai đến từ một nước nào đó cũng là khủng bố cho nên lệnh cấm này khiến nhiều người không bảo lãnh được thân nhân họ sang Mỹ còn ông Dũng thì cho rằng thay vì cấm ngặt công dân một số nước, chính quyền nên rà soát kỹ lưỡng từng trường hợp vì ‘không phải ai cũng có tư tưởng bạo lực khi đến đây’.

Chính sách kinh tế

Ngoài vấn đề di dân thì các cử tri gốc Việt cũng rất quan tâm đến vấn đề kinh tế. Đối với ông Dũng ở West Virginia thì kinh tế sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông khi ông đi bầu cử giữa kỳ.

“Tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức rất thấp, dưới 4 phần trăm. Hãy nhìn thị trường chứng khoán xem, nó đang bùng nổ,” ông Dũng nói về thành tích kinh tế của chính quyền hiện tại.

“Tôi muốn mọi người Mỹ đều có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi muốn ai cũng trở thành tầng lớp trung lưu, đủ khả năng mua trả góp nhà, đủ khả năng mua xe và cho con cái ăn học,” ông nói về ưu tiên vấn đề kinh tế của ông.

Cô Hoàng thì tán đồng với chính sách cắt giảm thuế của ông Trump vì cô được hưởng lợi từ việc giảm thuế này. Giống như ông Dũng, kinh tế là bận tâm hàng đầu của cô bên cạnh vấn đề di dân.

Riêng ông Vinh thì nói rất hoan nghênh ‘chính sách kinh tế thương mại cứng rắn không lệ thuộc Trung Quốc’ của Tổng Thống Donald Trump.

“Tám năm của (Tổng thống) Obama hàng Trung Quốc tràn lan, toàn đồ rẻ tiền, trong khi người Mỹ mất việc làm, cơ sở sản xuất ở Mỹ sa thải công nhân,” ông Vinh nói, “Nay ông Trump hạn chế thương mại với Trung Quốc thì tôi khoái lắm.”

Dân chủ hay Cộng hòa?

Về lập trường bầu cử, trong khi bà Mai nói bà và gia đình chỉ bầu cho Đảng Dân Chủ thì cô Hoàng và ông Vinh nói lâu nay họ vẫn trung thành với Đảng Cộng hòa. Trong khi đó, anh Đặng nói mình là người theo lập trường Dân chủ nhưng sẽ vẫn xem xét chương trình tranh cử của mỗi ứng viên còn ông Dũng thì nói vẫn có thể ‘vượt qua lằn ranh đảng phái’ để bầu cho Đảng Dân chủ nếu họ thuyết phục được ông mặc dù ông ủng hộ các nguyên tắc và giá trị của Đảng Cộng hòa.

“Tôi thích Đảng Dân chủ. Tất cả gia đình tôi đều bầu cho Đảng Dân chủ vì Đảng Dân chủ quan tâm đến người nghèo nhiều hơn, còn đối với Đảng Cộng hòa thì quyền lợi của người giàu được ưu ái hơn,” bà Mai đến từ Falls Church nói.

Ngược lại, cô Hoàng ở Alexandria nói rằng ‘gia đình cô thuộc Đảng Cộng hòa từ hồi nào đến giờ’ nên ‘cả gia đình sẽ bỏ phiếu cho Đảng của ông Trump’.

Cô cho biết gia đình cô đi bầu theo đảng phái chứ không cần quan tâm đến chính sách cụ thể ra sao. Tuy nhiên cô cũng cho rằng ‘Tổng thống Obama cũng tốt chứ có gì sai đâu, nhưng có một số chính sách của Đảng Dân chủ mình không ủng hộ’, ví dụ như chính sách phúc lợi trợ cấp mà cô cho rằng ‘cho ăn welfare rất là dễ dàng’.

“Hồi xưa dưới thời Đảng Dân chủ mình làm mình đóng thuế để nuôi những người nghèo thì mình không nói, nhưng có những người họ đi làm nhưng không khai thuế, hoặc người ta trốn thuế, hoặc nói là mình thu nhập thấp (để hưởng trợ cấp) thì tôi thấy không công bằng với những người đi làm cực khổ,” cô nói.

Ông Vinh, chủ một quán cà phê ở Trung tâm Eden, trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt ở vùng miền đông Hoa Kỳ, nói ông ‘rất thích chính sách cứng rắn của Đảng Cộng hòa’.

Ông Dũng, bác sĩ đến từ West Virginia, cho biết trước đây ông từng ‘vượt qua ranh giới đảng phái’. Tuy nhiên, ông đề cao các nguyên tắc của Đảng Cộng Hòa, chẳng hạn như chống phá thai, áp dụng án tử hình, và chính quyền bớt can thiệp vào nền kinh tế.

“Đảng Cộng hòa có tính chất tư bản nhiều hơn Đảng Dân chủ,” ông nói, “Đảng Dân chủ nhiều chương trình xã hội hơn. Họ cho rất nhiều trợ cấp, phiếu thực phẩm. Tôi không tin vào việc giúp đỡ mọi người nhiều như vậy. Ít nhất anh cần phải đi kiếm việc làm rồi mới đến Sở Trợ cấp nói là tôi chưa tìm được việc. Tôi biết ở West Virginia, ở Chicago, ở New York có những gia đình hưởng trợ cấp từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong khi những người đi làm phải là những người đóng thuế nuôi họ.”

Còn anh kỹ sư Đặng đến từ Silver Springs nói rằng anh là người có quan điểm ‘tự do’ và ‘luôn đứng về phía Đảng Dân chủ’ mặc dù đôi khi cũng thay đổi lá phiếu nếu phía Cộng hòa đưa ra những lập luận thuyết phục được anh.

“Tôi thường xem xét các chương trình của cả hai phía, nhưng tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến Đảng Dân chủ và các giá trị của họ,” anh nói và cho biết các vấn đề di dân và việc làm sẽ chi phối lá phiếu của anh trong kỳ bầu cử giữa kỳ sắp tới.

Về lý do ủng hộ Đảng Dân chủ, anh Đặng giải thích: “Suy cho cùng, đó là vấn đề quyền và tự do không bị xâm phạm. Nếu có ứng cử viên nào đi ngược lại điều đó, nếu có ứng viên nào lấy đi tự do của chúng tôi, chẳng hạn như quyền tự do chọn lựa như tự do chọn lựa có nên giữ đứa con khi có thai, quyền được sở hữu súng với một số hạn chế nhất định, nếu có ứng viên nào muốn tước đi những quyền đấy thì tôi sẽ không ủng hộ người đó.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG