Đường dẫn truy cập

Quan điểm của bà Kamala Harris về chính sách Mỹ đối với Trung Quốc


Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong một sự kiện vận động tranh cử tại Trường Trung học West Allis Central, ở West Allis, bang Wisconsin, ngày 23 tháng 7 năm 2024.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong một sự kiện vận động tranh cử tại Trường Trung học West Allis Central, ở West Allis, bang Wisconsin, ngày 23 tháng 7 năm 2024.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris chưa chính thức được Đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên tổng thống của Đảng nhưng bà đã nhận được sự tán thành của Tổng thống Joe Biden, cùng với một số giới chức cấp cao của Đảng Dân chủ, sau khi ông Biden rút khỏi cuộc đua hôm 21/7.

Nếu được Đảng lựa chọn và đắc cử tổng thống, các nhà phân tích cho rằng bà Harris có thể sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại của chính quyền Biden, bao gồm cả việc quản lý một trong những mối quan hệ căng thẳng nhất - đó là với Trung Quốc.

Khi mới trở thành phó tổng thống, bà Harris, cựu thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và tổng chưởng lý của bang California, được nhiều nhà phân tích coi là người chưa có kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại. Theo trang web của Tòa Bạch Ốc, trong ba năm rưỡi vừa qua với tư cách là phó tổng thống, bà đã đến thăm hơn 19 quốc gia và gặp gỡ hơn 150 nhà lãnh đạo nước ngoài.

Quan hệ kinh tế Mỹ-Trung

Vào tháng 9 năm 2023, bà Harris sang dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Sau cuộc gặp, bà nói về quan hệ Mỹ-Trung và chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên đài CBS: “Chúng ta, với tư cách là Hoa Kỳ, trong chính sách của mình, vấn đề không phải là tách biệt mà là giảm thiểu rủi ro.”

“Không phải rút lui mà là đảm bảo rằng chúng ta đang bảo vệ lợi ích của Mỹ và rằng chúng ta là người dẫn đầu về các quy tắc, chứ không phải tuân theo các quy tắc của người khác.”

Suy thoái kinh tế của Trung Quốc

Bà nói trong cuộc phỏng vấn: “Không có gì bí mật rằng Trung Quốc đang gặp vấn đề kinh tế”.

“Và những gì bạn sẽ thấy - trong các cuộc trò chuyện của tôi với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ - là họ đang nhìn về tương lai dưới góc độ đầu tư vốn của mình và tính đến những quốc gia nào đang tham gia vào các hoạt động tuân thủ luật pháp và các quy tắc và chuẩn mực quốc tế theo cách mà họ có thể được đảm bảo rằng sẽ có sự ổn định nhất định để họ có thể đầu tư dài hạn.”

“Ngày càng có nhiều người hiểu rằng Trung Quốc có thể không phải là lựa chọn tốt nhất khi bạn muốn sự ổn định, khi bạn muốn đầu tư ở một nơi tuân thủ và tôn trọng các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”, bà Harris nói thêm.

Viện trợ quốc tế

Trong chuyến thăm châu Phi vào tháng 3 năm 2023, tại cuộc họp báo với Tổng thống Zambia, Hakainde Hichilema, bà Harris đã nhắc lại lời kêu gọi “tất cả các chủ nợ song phương chính thức hãy giảm nợ có ý nghĩa cho Zambia” - ám chỉ gián tiếp đến Trung Quốc, chủ nợ nước ngoài hàng đầu của Zambia. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng “sự hiện diện của chúng tôi ở đây không phải vì Trung Quốc”.

Quan hệ Mỹ-Trung

Cuộc gặp đầu tiên của bà Harris với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok năm 2022, khi bà có cuộc hội đàm ngắn với ông Tập và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì “các đường dây liên lạc cởi mở để quản lý một cách có trách nhiệm sự cạnh tranh giữa hai nước chúng ta.”

Đài Loan

Trong cuộc gặp vào tháng 9 năm 2022 với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, bà Harris tái khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan và phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng.

Tòa Bạch Ốc cho biết bà nhấn mạnh rằng nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là một yếu tố thiết yếu của một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong chuyến thăm Nhật Bản cùng tháng đó, bà nói trên tàu khu trục USS Howard tại Căn cứ Hải quân Yokosuka: “Chúng ta đã chứng kiến hành vi đáng lo ngại ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và gần đây nhất là các hành động khiêu khích qua eo biển Đài Loan”.

Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và không từ bỏ việc hợp nhất bằng vũ lực nếu cần. Trung Quốc thường đưa máy bay quân sự và tàu đến gần để khẳng định yêu sách của mình đối với hòn đảo tự trị Đài Loan.

Biển Đông

Trong chuyến thăm Nhật Bản, bà Harris đã bình luận về hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông rằng: “Trung Quốc đang phá hoại các yếu tố chính của trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. Trung Quốc đã thách thức quyền tự do trên biển. Trung Quốc đã phô trương sức mạnh quân sự và kinh tế của mình để ép buộc và đe dọa các nước láng giềng”.

Bà nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục bay, cho tàu qua lại và hoạt động một cách dũng cảm và không sợ hãi ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

Bắc Kinh tuyên bố phần lớn Biển Đông là của riêng mình trong khi Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền tại đây. Các tàu Trung Quốc trong năm nay đã nhiều lần sử dụng vòi rồng và chặn tàu của đối thủ trong vùng lãnh thổ tranh chấp.

Năm ngoái trên chương trình “Face the Nation”, bà Harris nói: “Những gì đang xảy ra liên quan đến các hành động vô cớ chống lại lợi ích của Philippines ở Biển Đông là rất quan trọng và chúng tôi đã thể hiện rất rõ ràng rằng chúng tôi đứng về phía Philippines.”

Bắc Kinh và Manila hôm 21/7 đã công bố một thỏa thuận mà họ cho là nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc đụng độ.

Nhân quyền tại Trung Quốc, Hong Kong

Trong nhiệm kỳ làm thượng nghị sĩ cho bang California, bà Harris đã tích cực thúc đẩy việc ban hành luật để bảo vệ nhân quyền ở Hong Kong, nơi mà các nhà phân tích cho rằng quyền tự chủ của Hong Kong đang dần bị Bắc Kinh tước bỏ.

Năm 2019, bà đồng tài trợ cho Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong do Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio đưa ra, nhằm mục đích thúc đẩy nhân quyền ở Hong Kong và trừng phạt các quan chức có liên quan đến việc “phá hoại các quyền tự do và tự trị cơ bản của Hong Kong”. Dự luật này sau đó đã được Tổng thống lúc bấy giờ là ông Donald Trump ký ban hành thành luật.

Tân Cương

Bà Harris cũng đồng tài trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Uyghur năm 2019, trở thành luật vào năm 2020. Dự luật này cho phép Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với “các cá nhân và tổ chức nước ngoài chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương”. Tỉnh cực tây của Trung Quốc này là quê hương của người Uyghur, một sắc dân thiểu số chủ yếu là người Hồi giáo.

Trung Quốc phủ nhận vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG