Phát ngôn viên Bộ Công an Việt Nam, ông Tô Ân Xô, cho báo giới biết hôm 4/4 rằng bộ này mở rộng điều tra về vụ bê bối tham nhũng, lạm quyền ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, vì “các đối tượng hoạt động tinh vi, đông người, và trong thời gian dài”.
Như VOA đã đưa tin, hồi cuối tháng 1, nhà chức trách Việt Nam bắt 4 quan chức gồm nữ Cục trưởng Cục Lãnh sự, một cục phó, một chánh văn phòng và một phó phòng của cục này, về tội “nhận hối lộ” liên quan đến các chuyến bay đưa người Việt về nước trong đại dịch, thường được gọi là “chuyến bay giải cứu”.
Sau đó, vào cuối tháng 3, công an bắt thêm một nữ giám đốc một công ty dịch vụ hàng không về tội “đưa hối lộ”.
Trong một buổi họp báo hôm 4/4, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho hay rằng các đối tượng “đối phó rất quyết liệt”, mặc dù vậy, “tất cả bị can bị tạm giam đã bước đầu nhận tội và phối hợp với cơ quan điều tra”.
Còn về phía nhà chức trách, họ “khẳng định có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi”, vẫn lời ông Xô, theo tường thuật trên các báo Việt Nam.
Trung tướng Xô cho biết công an “vẫn đang tiếp tục mở rộng vụ án” bao gồm cả “làm việc với một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương có liên quan”, và ông kêu gọi bất cứ ai có thông tin hãy hợp tác với cơ quan điều tra.
Người phát ngôn của Bộ Công an nói rằng quá trình điều tra, xác minh phải tốn rất nhiều thời gian vì “các đối tượng trong vụ án này hoạt động tinh vi, đông người, phạm vi rộng cả trong và ngoài nước, từ trung ương đến địa phương, xảy ra trong thời gian dài”.
Vụ việc tại Cục Lãnh sự xảy ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 dẫn đến các nước đóng cửa biên giới với nhau từ đầu năm 2020. Do đó, các công dân Việt Nam phải bỏ ra chi phí cao gấp 5 đến 8 lần so với trước đại dịch để có thể bay về nước trên các chuyến bay do nhà nước Việt Nam đứng sau.
Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố thông tin hồi tháng 12/2021 là bộ này và các cơ quan liên quan đã thực hiện “800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước”.
Sau khi 4 quan chức Cục Lãnh sự bị bắt liên quan đến các chuyến bay giải cứu, theo quan sát của VOA, nhiều người đưa ra ước tính trên mạng xã hội rằng nếu mỗi công dân phải hối lộ từ 1.000-2.000 đô la cho những người có quyền dàn xếp các chuyến bay, tổng số tiền hối lộ lên tới 200-400 triệu đô la. Số tiền này tương đương với khoảng từ 4 nghìn 600 tỷ đồng đến 9 nghìn 200 tỷ đồng.
Vụ việc đã gây chấn động và căm phẫn trong dư luận Việt Nam về tình trạng có những kẻ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi từ người dân khốn khó.