Đường dẫn truy cập

Bẻ lái chiến lược thật chăng?


Hôm qua, trên một số mạng tư nhân, tôi có bài «Coi chừng! Một cuộc đảo chính không tiếng súng». Anh Trần Bình Nam góp ý ngay là tôi tỏ ra bi quan. Theo anh, có vẻ như Bộ Chính trị ở Hà Nội vừa có một quyết định rất hệ trọng trong đường lối đối ngoại, từ bỏ con đường thân và phụ thuộc Trung Quốc bằng con đường khác, đó là kết bạn với mọi nước, một mặt kết thân với Hoa Kỳ và các nước Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, Úc, Canada …, mặt khác giữ quan hệ bình thường với nước láng giềng lớn phương bắc và cảnh giác với mọi mưu đồ bành trướng của họ.

Anh Trần Bình Nam phán đoán là ý kiến mạnh dạn, cứng cỏi của thành phần sỹ quan cao cấp trong đảng Cộng sản đã tạo nên sự thay đổi quan trọng này.

Anh Trần Bình Nam còn cho rằng lãnh đạo khi triển khai sự thay đổi này muốn dành chỗ cho cả những nhân vật được xem là thân Trung Quốc, như các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Chí Vịnh, nhằm đạt sự đồng thuận cao theo con đường «chống Tàu cứu nước».

Anh Trần Bình Nam còn nói thêm rằng qua việc cử trung tướng Nguyễn Chí Vịnh dự cuộc đối thoại cấp cao quốc phòng Việt - Mỹ ngày 17-8, Hà Nội muốn nhắn với Trung Quốc rằng đừng hy vọng gì vào các con bài Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Chí Vịnh của họ,vì những người này đang tìm cách xếp hàng vào với đa số «chống Tàu cứu nước ».

Tôi cũng mong rằng những dự đoán của anh Trần Bình Nam là chính xác. Nếu quả là như vậy thì còn gì hay, tốt, có lợi cho đất nước, cho nhân dân hơn, và Bộ Chính trị hiện nay không phải là thấp kém, là thiếu cả tâm lẫn tầm, không phải là «những người lùn» về khả năng lãnh đạo, như một số trí tnức trong nước đánh giá.

Và cũng nếu quả là như vậy thì Bộ Chính trị hiện nay đã hiểu rõ về chức năng lãnh đạo, nhất là chức năng lãnh đạo một dân tộc, một đất nước. Đó là phải tìm cho ra con đường tối ưu trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại nhằm phát triển bền vững với tốc độ cao trong đồng thuận dân tộc cả trong và ngoài nước. Do đó lãnh đạo là phải biết lựa chọn hướng đi, quả đoán thay đổi hướng đi khi cần thiết, là biết bẻ lái rẽ ngoặt từ đường mòn đầy cạm bẫy ra đại lộ thênh thang hiện đại của thế giới văn minh.

Sự thay đổi con đường đối ngoại như trên nếu là sự thật hiển nhiên thì sẽ là đại phúc cho dân tộc và nhân dân ta, là điều tốt đẹp cho lãnh đạo đảng dám từ bỏ «con đường Bắc thuộc » sai lầm, tệ hại trong suốt gần 20 năm qua, đã làm mất đà phát triển, làm mất thời gian quý báu, phí phạm bao tiền của, tài nguyên của đất nước.

Qua sự thay đổi ngoạn mục này, có thể nói lãnh đạo dần dần có thể chuộc lại một phần những sai lầm nghiêm trọng, kéo dài, tệ hại của 20 năm phụ thuộc vừa qua, khôi phục một phần niềm tin của nhân dân.

Nếu như sự thay đổi đường lối đối ngoại như trên là sự thật hiển nhiên và sâu sắc, những nhân tố gì đã dẫn đến sự thay đổi ấy?

Có thể nói đó là sự trùng hợp của nhiều yếu tố, có những yếu tố nội tại, từ trong nước, có những yếu tố khu vực và toàn cầu từ bên ngoài.

Trong nước, con đường phụ thuộc dại dột đã phơi bày những thảm cảnh chưa từng có. Duy trì định hướng chủ nghĩa xã hội theo Trung Quốc mà nội dung chính dẫn đến sự làm ăn thua lỗ nặng nề, phá sản, vỡ nợ của những cơ sở quốc doanh từ lớn nhất đến nhỏ nhất.

Bọn bành trướng trúng thầu hầu hết các công trình trọng điểm về kinh tế: khai khoáng, cơ khí, năng lượng, vật liệu xây dựng, trồng rừng, giao thông vận tải…Cả vùng chiến lược Tây nguyên có nguy cơ bị hủy diệt cuộc sống trong vũng bùn đỏ độc hại để thỏa mãn nhu cầu nhôm của nước lớn. Tất cả hậu quả đã phơi bày sự tệ hại, đến người dân thường cũng động tâm và có thể nhận ra trong phẫn nộ cao độ, chưa nói đến sự nổi giận chính đáng của giới sỹ phu đông đảo. Bộ Chính trị không thể không nhận ra ngày càng rõ những hậu quả khủng khiếp nhãn tiền ấy cũng như sự nổi giận xung thiên của toàn xã hội do con đường Bắc thuộc đưa lại.

Trong khi ấy, tình hình thế giới chuyển động. Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng phát triển gấp lên để rồi thành siêu cường số một, cạnh tranh với Mỹ. Bắc Kinh lợi dụng sự sa lầy của Hoa Kỳ ở Trung Đông, Iraq, Afghanistan, và sự khủng hoảng tài chính của phương Tây để thách thức Mỹ. Nhưng họ đã quá chủ quan, duy ý chí, và sai lầm. Họ đã quên lời khuyên của ông Đặng Tiểu Bình trước khi nhắm mắt, là Trung Quốc hãy lẳng lặng, nghiến răng mà phát triển, trong 50 năm thu hẹp dần khoảng cách, chớ có sớm khiêu khích người khác, khi thế lực quân sự còn yếu kém.

Yêu sách độc chiếm biển Đông, sự huênh hoang về căn cứ tầu ngầm ở Tam Á - Hải Nam, dàn hàng trăm tên lửa hướng ra Đài Loan… là những hành động khiêu khích ngang ngược, như con hổ con nhe nanh còn non, vuốt còn mỏng.

Và điều quan trọng là Washington đã nhận ra trách nhiệm hàng đầu là bảo vệ an ninh thế giới cùng loài người tiến bộ. Tình hình Iraq, Afghanistan, đã tạm lắng. Phài kịp thời ngăn chặn Trung Quốc trong tham vọng bá chủ châu Á và toàn cầu, ngay khi nó đang còn «nín thở qua sông», khi con hổ còn chưa có nanh dài, vưốt nhọn, không thì sẽ muộn.

Từ đó mới có chuyện Mỹ trở lại châu Á, mới có câu nói trầm tĩnh mà mạnh mẽ của bà ngoại trưởng Hillary Clinton «biển Đông là vùng giao thông quốc tế hệ trọng, là nơi gắn bó với quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có trách nhiệm ở vùng này».

Bà Clinton còn khẳng định thêm «Hoa Kỳ cho rằng các tranh chấp ở vùng biển Đông cần giải quyết thông qua thương lượng đa phương. Không nước nào được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, mọi giải pháp bằng vũ lực, bằng đe dọa dùng vũ lực đều không có giá trị».

Báo Mỹ cho rằng chuyến đi của bà ngoại trưởng Mỹ sang Hà Nội tháng 7 -2010 giống như chuyến đi của Ngoại trưởng Kissinger sang Bắc Kinh cuối năm 1971, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ các nước, làm đảo lộn các mối liên minh. Điều khác nhau là hồi ấy Mỹ bắt tay với Bắc Kinh làm Nhật Bản và Đài Loan nổi giận và lo,còn nay Mỹ trở lại châu Á, kết thân với Indonesia, Singapore, Malaysia, và Việt Nam làm cho Trung Quốc nổi giận, lồng lộn lên, dọa dẫm, nhưng cuối cùng vẫn buộc phải vào khuôn phép, vì hiểu rõ sức mình là rất có hạn.

Tất nhiên những biển chuyển trên đây trong nền ngoại giao Mỹ, rồi tiếp ngay đó là những tầu chiến Mỹ loại hiện đại nhất vào vùng biển và cặp bến cảng Việt Nam là những thông điệp mạnh, rõ mang tính thời cơ hiếm, hệ trọng, mà Bộ Chính trị Hà Nội không thể không nghiên cứu kỹ lưỡng và quyết định đối sách thích hợp.

Tiếp theo là tháng 10 tới, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đã được Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam mời đến Hà Nội dự cuộc họp Bộ trưởng quốc phòng các nước Đông Nam Á, và sau đó là chuyến thăm chính thức đã được dự báo của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Rồi Đại lễ Kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long, rồi Đại hội đảng toàn quân, Đại hội đảng toàn quốc thứ XI.

Nếu quả thật sự thay đổi đường lối đối ngoại theo hướng trên đây là rõ ràng, chân thật, minh bạch, công khai, thì ắt sẽ phản ánh đầy đủ trong mọi lời nói, mọi hành sử của các nhân vật lãnh đạo từ đối nội đến đối ngoại, và không thể không có những điều chỉnh cần thiết, nhằm loại trừ dần những hậu quả tệ hại của đường lối cũ, và đi vào thực hiện ngày càng nhất quán, phù hợp với sự thay đổi mới, mang lại nhiều hứa hẹn tốt đẹp cho đất nước và nhân dân ta.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG