Một thính giả gửi thư về bệnh lậu như sau:
"Em ở Daklak, bị bệnh lậu đã lâu rồi. Đi khám tại các trung tâm, họ cũng cấp các loại thuốc kháng sinh, uống nhưng không hết. Chữa nhiều nơi mà không khỏi.
Em được biết thuốc Ciprobay 500 của Đức chữa tốt nên có đặt mua 20 viên, nhưng không biết nên uống chung với những loại thuốc nào để có hiệu quả tốt và hết bệnh.
Xin Bác sĩ cho em phác đồ thuốc dùng chung với Ciprobay”.
Cảm ơn Bác sĩ.”
Bác sĩ Nguyễn Văn Đích trả lời:
Cảm ơn vị thính giả đã đặt câu hỏi. Câu hỏi của ông liên quan đến một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhiều người nên tôi xin bắt đầu bằng cách nói chung về bệnh lậu để nhiều khán thính giả khác cùng theo dõi sau đó sẽ đề cập đến các chi tiết về bệnh trạng của ông.
Lậu là một bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua các hoạt động tình dục. Nên hiểu hoạt động tình dục theo nghĩa rất rộng của nó. Bệnh tình dục rất phổ biến, đứng hàng thứ hai trong số các bệnh truyền nhiễm, chỉ sau cảm cúm.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2012, mỗi năm có 357 triệu người mắc bệnh tình dục trong số đó 78 triệu người bị bệnh lậu. Con số chính xác còn cao hơn thế vì nhiều trường hợp không được báo cáo. Vậy mỗi ngày trên thế giới có trên một triệu người mắc bệnh tình dục!
- Bệnh cảnh- Thông thường 2-6 ngày sau khi quan hệ với người bị nhiễm, người đàn ông cảm thấy đi tiểu buốt, họ có thể đi tiểu ra mủ buổi sáng khi đi tiểu lần đầu tiên, hoặc có thể nặn ra mủ ở đầu dương vật. Triệu chứng ở phụ nữ kín đáo hơn, họ có thể thấy ngứa ở cửa mình, tăng tiết dịch âm đạo, có khi thấy ra huyết âm đạo nhẹ, phần nhiều phụ nữ không có triệu chứng nên không biết rằng mình bị bệnh nhưng vẫn lây truyền cho người khác. Thăm khám có thể thấy mủ từ trong cổ tử cung chẩy ra. Ở Hoa kỳ phụ nữ trên 25 tuổi được khuyên khám phụ khoa hàng năm qua đó được xét nghiệm tìm vi khuẩn của bệnh lậu và các bệnh khác. Một số người tuỳ cách sinh hoạt tình dục có thể nhiễm ở những chỗ khác như viêm họng hoặc viêm hậu môn. Trẻ sơ sinh mà mẹ bị lậu có thể bị viêm mủ ở mắt. Nếu không điều trị tốt, đàn ông có thể bị viêm ống dẫn tinh trùng, viêm tuyến tiền liệt, bị vô sinh, đàn bà có thể bị viêm tử cung phần phụ, bị tắc ống dẫn trứng, nhiễm trùng vùng chậu, bị thai ngoài tử cung, vô sinh, phụ nữ có thai dễ bị hư thai, hoặc sinh non.
Xét nghiệm này có thể làm ngay tại phòng khám.
- Chẩn đoán- Chẩn đoán dựa vào xét nghiệm mủ, nước tiểu, dịch từ cổ tử cung...Có thể xét nghiệm nhanh tại phòng khám nếu có kính hiển vi, nhuộm Gram chất mủ từ niệu đạo của đàn ông cho thấy vi khuẩn Neissera Gonorrhoeae ở trong tế bào của bạch cầu đa nhân trung tính. Xét nghiệm này nếu dương tính, xác định chẩn đoán trên 97% ở đàn ông, nếu âm tính không loại bỏ khả năng bị bệnh lậu, kết quả ở đàn bà không được tốt như vậy. Bệnh nhân vẫn cần cấy nước tiểu, để xác định vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để hướng dẫn việc điều trị. Ngày nay có thể làm xét nghiệm Nucleic Acid Amplification Tests, viết tắt là NAAT, rất chính xác để phát hiện vi khuẩn bệnh lâu và các vi sinh vật khác. Tóm lại hiện nay có các xét nghiệm từ đơn giản đến cao cấp để chẩn đoán chính xác bệnh lậu.
- Điều trị- Bệnh lậu trước đây được điều trị dễ dàng, uống một liều cipro có thể khỏi, ngày nay không còn được như vậy. Từ cuối những năm 1990 đầu 2000 Trung Tâm Kiểm Tra Và Phòng Bệnh (CDC) của Hoa kỳ đã loan báo những trường hợp vi khuẩn bệnh lậu kháng với ciprofloxacin phát xuất từ Đông Nam Á đã lan sang California và bây giờ đã lan ra khắp nơi trên thế giới. Từ 2000 người ta đã khuyên không nên dùng cipro để chữa bệnh lậu nữa. Hướng dẫn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), áp dụng cho thanh thiếu niên và người lớn kể cả phụ nữ có thai và người nhiễm HIV gồm kết hợp 2 thứ thuốc:
A). Ceftriaxone 250 mg tiêm bắp một lần cùng với Azithromycin 1 g uống một lần, trong cùng một ngày
hoặc
B). Cefixime 400 mg uống một lần cùng với Azithromycin 1 g uống một lần trong cùng một ngày.
Theo Trung tâm Kiểm tra và Phòng bệnh (CDC) của Hoa ky Cefixime đã trở nên ít hiệu nghiệm, nếu tiếp tuc dùng có thể làm cho vi khuẩn kháng ceftriaxone, một loại thuốc rất hiệu nghiệm chữa bệnh lậu, do đó CDC đề nghị ở Hoa kỳ nên dùng công thức (A), chỉ nên dùng Cefixime kết hợp với Azithtomycin khi không có Ceftriaxone.
- Các Biện pháp khác- Ngoài việc dùng thuốc, các biện pháp khác cũng rất quan trọng. Sẽ đạt kết quả tốt nếu có sẵn thuốc để cấp ngay cho bệnh nhân tại cơ sở điều trị. Cần phải nhận thức rằng bệnh tình dục là bệnh của sự quan hệnghĩa là nó liên quan đế hai người, có khi nhiều hơn nữa nên bệnh nhân và người phối ngẫu hoặc bạn tình phải điều trị và cữ quan hệ cho đến 7 ngày sau khi bắt đầu điều trị hoặc cho đến khi hết triệu chứng. Những người đã quan hệ tình dục với bệnh nhân trong vòng 60 ngày từ khi chẩn đoán, phải được thăm khám để điều trị nếu cần. Nếu đã quan hệ trên 60 ngày trước khi được chẩn đoán thì cần khám và điều trị người có quan hệ cuối cùng. Ngoài ra bệnh nhân cần được xét nghiệm để truy tìm các bệnh tình dục khác như giang mai, bệnh liệt kháng, herpes, nhiễm chlamydia trachomatis...
- Theo dõi - Bệnh nhân đã được điều trị đúng theo công thức A hoặc B, chỉ cần tái khám sau 3 tháng để biết chắc rằng người phối ngẫu hay bạn tình của họ đã tuân thủ điều trị. Nếu họ vẫn còn triệu chứng, có nhiều khả năng là họ bị tái nhiễm vì đã không làm đúng quy định thi dụ như đã quan hệ không an toàn trước khi hết bệnh, do đó họ cần điều trị lại và cần tuân thủ các hướng dẫn kể trên. Sau khi đã điều trị lại và làm đúng như hướng dẫn mà vẫn còn triệu chứng, bệnh nhân cần được cấy nước tiểu làm kháng sinh đồ và xét nghiệm NAAT, nếu NAAT dương tính, họ được coi là điều trị thất bại, sẽ được điều trị theo kháng sinh đồ hoặc chọn các kháng sinh khác, nếu NAAT âm tính, triệu chứng bây giờ là do các nguyên nhân khác, không còn do bệnh lậu, cần khám chuyên khoa tiết niệu để tìm nguyên nhân của “hội chứng đường tiết niệu dưới” tức là viêm nhiễm hay sang thương từ bàng quang trở ra đến niệu đạo.
Trong trường hợp của thính giả đặt câu hỏi,
- Đề nghị ông đi khám lại từ đầu tại một trung tâm y khoa có đầy đủ phương tiện xét nghiệm hoặc tại trung tâm da liễu ở thành phố để thử nước tiểu, cấy nước tiểu, làm kháng sinh đồ và xét nghiệm NAAT, nếu cấy nước tiểu mọc ra vi khuẩn lậu, ông sẽ được điều trị theo kháng sinh đồ, nếu cấy nước tiểu không mọc mà xét nghiệm NAAT dương tính, đề nghị ông điều trị theo công thức A hoặc B; nếu NAAT âm tính, ông không còn bị lậu, các triệu chứng mà ông có là do “hội chứng đường tiết niệu dưới”, do nhiễm khuẩn khác như clamydia trachromatis, herpes, T. vaginalis, M. genitalium...Ngày xưa khi chưa có kháng sinh, người bị lậu có thể bị hẹp niệu đạo làm cho đi tiểu khó dù nhiễm trùng đã hết
- Đề nghị ông hãy quên 20 viên ciprobay 500 đi!
- Đề nghị ông vào trang mạng của Tổ Chức Y tế Thế Giới (World Health Organization), bấm vào “Treatment of Neisseria Gonorrheoeae”, sẽ có đủ thông tin và cách điều trị. Đề nghị ông in xuống và nếu cần nhờ người dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt để dùng làm tài liệu trao đổi với bác sĩ điều trị của mình, không phải để ông tự điều trị. Ở Hoa kỳ bệnh nhân thường tra cứu tìm hiểu về bệnh của họ trước khi đến khám bệnh để có thể hỏi và trao đổi với bác sĩ của họ.
Qua trường hợp này ta rút ra được kinh nghiệm gì?
1- Trước nhất là sự tai hại của việc lạm dụng kháng sinh. Dùng kháng sinh không đúng do tự điều trị, theo lời mách bảo của bạn bè làm cho không khỏi bệnh mà lại tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc như trường hợp của bệnh lậu kháng với cipro phát xuất từ Đông Nam Á, hoặc bệnh lao kháng nhiều thuốc cũng đã phát xuất từ Đông Nam Á đến nay đã lan ra khắp hoàn cầu làm cho sự điều trị khó khăn hơn, tốn kém hơn cũng như đã làm cho nhiều người phải chết.
2- Cần có một nền y khoa khoa học, có tổ chức, hiện đại hóa và phổ cập. Y khoa vốn là khoa học, có hệ thống, dựa vào nghiên cứu, thí nghiệm, dựa vào các bằng chứng khách quan để xác định chẩn đoán cũng như dựa vào xét nghiệm để đánh giá kết quả của sự diều trị. Một sự chần đoán không chính xác đưa đến cách điều trị bao vây, không biết rõ tác nhân gây bệnh hoặc không biết sự đáp ứng của vi khuẩn đối với kháng sinh sẽ khiến cho dùng lần lượt từ kháng sinh này đến kháng sinh khác, tốn tiền mà không đạt kết quả lại tạo ra các chủng kháng thuốc. Đầu tư vào tổ chức và hiện đại hóa cơ sở y tế sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của dân chúng một cách hữu hiệu hơn, tăng năng suất lao động, giảm lãng phí
3- Bệnh nhân không thể tự điều trị, kháng sinh và các thuốc chữa bệnh cần do bác sĩ thăm khám chẩn đoán và viết y lệnh. Để chữa bệnh cần phải có huấn luyện chuyên môn.
4- Các hội chuyên môn theo dõi tình trạng bệnh tật ở địa phương, giáo dục quần chúng về giữ gìn sức khỏe. Đề nghị các hội chuyên môn và trường y khoa tổ chức hội thảo về các chuyên đề trong chương trình “giáo dục y khoa liên tục sau đại học” cho các y bác sĩ dù họ đã có bằng cấp gì ! Ở Hoa kỳ các bác sĩ phải đổi bằng mới mỗi 2 năm, và phải chứng tỏ đã có một số giờ “giáo dục y khoa liên tục” trong 2 năm đó, các bác sĩ chuyên môn phải thi lại bằng chuyên môn mỗi 5 năm để cập nhật hóa kiến thức chuyên môn vì bệnh tật thay đổi và y khoa tiến triển nhanh.
Tóm lại: Tôi trình bầy một số ý kiến nhân câu hỏi của ông cũng như giới thiệu tài liệu để ông tham khảo và bàn bạc với bác sĩ điều trị của mình, những điều này không thay thế cho sự thăm khám và quyết định của bác sĩ điều trị của ông. Mong ông sớm lành bệnh.
Ngày 29-9-2019
Tài liệu tham khảo:
- World Health Organization: https://www.who.int: Guidelines for the Treatment of Neisseria Gonorrhoeae.
- Center for Disease Control and Prevention: https://www. cdc.gov/ Gonococcal Infection- 2015 Sexually Transmitted Diseases Treatment Guidelines.
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.